Tìm sao cho hiểu

11/07/2021 - 11:45

PNO - Yêu nhau không phải để đi tìm người hoàn hảo, đi tìm một hình bóng y chang mình nghĩ ra mà đi tìm để biết người đó là ai, thói quen cá tính họ như thế nào, xem mình có thích ứng được hay không.

Tìm hiểu cực kỳ quan trọng, là bước đầu tiên của tình yêu. Rung động, tiếng sét ái tình hay ngưỡng mộ, thán phục nhau chỉ là dấu hiệu ban đầu của tình yêu. Yêu là tiếng nói của trái tim còn tìm hiểu là tiếng nói của lý trí. Tìm hiểu là đôi mắt, là người dẫn dắt để tình yêu không bị lạc đường. 

“Tìm” nhưng không “hiểu” do bạn chỉ tìm được những thông tin bên ngoài như ngoại hình, lương, tài chính, thói quen… quên mất yếu tố cốt lõi là nhân cách, lẽ sống, quan niệm sống.

Khi đó, bạn đã đánh mất thông số cực kỳ quan trọng. Không đồng điệu về thế giới nội tâm, sẽ rất vênh khi về sống với nhau và nguyên nhân chính gây mâu thuẫn không phải do ít tiền hay nhiều tiền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nguy cơ vỡ mộng hôn nhân không phải do người kia thay đổi mà do từ trước mình chưa thực sự biết con người bên trong của nhau. Khi quyết định cưới chẳng qua bạn tưởng cô ấy/anh ấy là… Thật ra bản chất mỗi người vẫn thế, lúc mới yêu đương, tán tỉnh thì bóng bẩy hơn một ít. Chỉ là bây giờ bạn mới “hiểu” dù đã “tìm” từ rất lâu rồi.

Theo tôi, thời gian tìm hiểu nhau ít nhất phải một năm và cần quan sát trong nhiều hoàn cảnh, tình huống. Có thể thường xuyên đến nhà nhau chơi, cùng nấu ăn; tận dụng cơ hội đi chơi, ăn uống, du lịch với bạn bè, đồng nghiệp họ hàng, gia đình của nhau.

Bạn hãy xem cách người ấy hành xử với người xung quanh và thái độ của họ với người ấy. Để tăng tính khách quan, đa chiều, rất cần vận dụng nhiều kênh như gia đình, bạn bè… cùng “điều tra”.

Quan trọng nhất là tìm hiểu cách người ấy ăn nói, hành xử với gia đình, sau đó là bạn bè thân thiết, đến đồng nghiệp, xã hội. Ví dụ đi ăn, quan sát đối xử của anh ấy/cô ấy với người phục vụ có lịch sự, tôn trọng hay kiêu căng, trịch thượng; sốt ruột, càu nhàu hay kiên nhẫn đợi? Người ấy có quan tâm, giúp đỡ người nghèo khó không? 

Yêu mà chỉ gặp nhau trong những tình huống quá quen thuộc, lặp đi lặp lại thì không thể hiểu gì về nhau. “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thẳng ngay”, muốn tìm hiểu cần có thời gian, có trải nghiệm, đồng hành qua nhiều tình huống khác nhau, nhiều mối quan hệ khác nhau.

Thậm chí có thể rủ nhau làm chung việc gì đấy như các chuyến từ thiện, kinh doanh hàng hóa - dịch vụ, bạn sẽ hiểu người ta hơn, nhất là mục đích sống và thái độ trước đồng tiền. 

Yêu nhau không phải để đi tìm người hoàn hảo, đi tìm một hình bóng y chang mình nghĩ ra mà đi tìm để biết người đó là ai, thói quen cá tính họ như thế nào, xem mình có thích ứng được hay không.

Nếu chấp nhận được như-người-ấy-là, nếu hiểu rõ mặt tích cực và hạn chế mà vẫn muốn gắn bó, vẫn muốn chọn người ấy làm chồng/làm vợ, thì tiến tới. Đó là tình yêu chân chính và đẹp, là cơ sở quan trọng để hôn nhân bền vững.

Nếu không chấp nhận, nếu tình yêu không đủ lớn để vượt qua những xung đột về giá trị thì kết thúc sớm và không bao giờ là muộn. Tìm hiểu vừa để hiểu rõ người kia và cũng là hiểu rõ về chính mình. 

Tuy nhiên, cũng thật nguy hiểm với suy nghĩ chủ quan rằng mình đã quá hiểu về chồng/vợ mới cưới. Để hôn nhân hạnh phúc, viên mãn cần rất nhiều yếu tố vun đắp, không chỉ yêu là đủ, cần tiếp tục tìm hiểu để thấu hiểu và chấp nhận nhau trong suốt hành trình hôn nhân. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy 

(Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - phân viện tại TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI