Tìm hiểu nghệ thuật trình diễn Nam bộ

23/09/2023 - 12:46

PNO - Sáng 23/9, tại Đường Sách TPHCM (quận 1), Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp Quỹ Hoa Sen, Đường Sách TPHCM tổ chức chương trình nói chuyện chủ đề “Nghệ thuật trình diễn Nam bộ”. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện “Nam bộ quen mà lạ”, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2023).

 

TS Mai Mỹ Duyên và Th.S Phạm Thái Bình giới thiệu nghệ thuật trình diễn Nam bộ.
TS Mai Mỹ Duyên và Th.S Phạm Thái Bình giới thiệu nghệ thuật trình diễn Nam bộ

Tại chương trình, tiến sĩ (TS) - diễn giả Mai Mỹ Duyên đã chia sẻ những kiến thức khái quát về lịch sử hình thành, phổ biến và phát triển của nghệ thuật trình diễn Nam bộ trong suốt tiến trình khai hoang mở đất, cũng như tiếp biến văn hóa của vùng đất mới của Tổ quốc. Trên vùng đất trù phú, nơi cộng cư của nhiều cộng đồng dân tộc với tâm hồn phóng khoáng, cởi mở này đã sinh sôi nhiều hình thức trình diễn gắn liền với đời sống người dân: từ các câu hò, điệu lý, các thể nói thơ đến âm nhạc đờn ca tài tử, ca ra bộ và sau này là nghệ thuật cải lương.

Đông đảo khán giả đến với chương trình.
Đông đảo khán giả đến với chương trình

Trong đó, người ta thường nói Nam bộ là vùng đất của những câu hò, nhưng những câu hò không tự phát trên vùng đất này, mà theo chân những lưu dân miền Trung từ vùng Ngũ Quảng vào Nam bộ, trên hành trình “mang gươm mở cõi”. Từ những “hạt giống” đầu tiên đó được gieo trồng trên miền đất mới, nay đã thay đổi nhiều về phong thổ, nên câu hò Nam bộ cũng giản dị, dễ hiểu, gần gũi đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân Nam bộ.

Tiết mục hò Đồng Tháp

“Năm 2009, tôi có theo ê-kíp làm bộ phim Tìm lại câu hò, đi khắp Nam bộ tìm gặp và lưu giữ hình ảnh các nghệ nhân từng nức tiếng hò hay ở Nam bộ. Khi tìm đến má Nguyễn Thị Son (ngoài 90 tuổi) ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, thì má dứt khoát không hò, vì: “Đâu có cấy lúa, hò sao được mà hò?”. Như vậy, câu hò có từ gốc lúa, câu hò gắn chặt với sinh hoạt, đời sống lao động của người dân, nên mới có “hò chèo ghe”, “hò cấy lúa”, “hò xay lúa”… Xã hội biến đổi, câu hò cũng lui dần khỏi đời sống hiện đại…” - TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

TS Mai Mỹ Duyên hướng dẫn nói thơ Vân Tiên

Vì thế, giữa lòng thành phố bỗng vang lên những câu hò, điệu lý là tâm huyết của những người mong muốn gìn giữ, khai thác nguồn tài liệu về lịch sử văn hóa, vùng đất, con người Nam bộ, và truyền lại cho những thế hệ công dân thành phố, những người trẻ Việt Nam trong và ngoài nước có thể biết, hiểu và hiểu đúng về vùng đất phương Nam này.

Ca ra bộ Bùi Kiệm thi rớt trở về
Ca ra bộ Bùi Kiệm thi rớt trở về

Cũng trên tinh thần này, Quỹ Hoa Sen nỗ lực xây dựng Thư viện số Nguyễn An Ninh - Chuyên đề Nam Bộ - một cổng thông tin điện tử sưu tầm, lưu trữ, giới thiệu những tài liệu quý, hiếm về Nam Bộ. Thư viện số này sẽ ra mắt cộng đồng vào ngày 10/10 tới, nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Khách đến với chương trình cũng đã được thưởng thức các tiết mục đặc sắc, như: hò Đồng Tháp, nói thơ Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, ca ra bộ Bùi Kiệm thi rớt trở về, vọng cổ nhịp 32 Người con gái quê hương, trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt… với sự tham gia biểu diễn của các tài tử Minh Đức, Thanh Tuyết, Ngọc Đặng, Thanh Mai, Trường Vinh, Thảo Vy…

Khán giả chụp ảnh lưu niệm cùng
Khán giả chụp ảnh lưu niệm cùng ê-kíp chương trình

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI