PNO - PNCN - Ba tháng lang thang khắp nơi, nghe ngóng, rình rập, hễ nghe ai chỉ vợ con ở đâu, anh T.S. lại bắt xe ôm chạy đến tìm. Có khi S. đi suốt đêm, có khi phải mất ba, bốn ngày…
NỖI ĐAU MẤT CON
Lá đơn dài sáu trang giấy dày đặc chữ, ký tên T.S. gửi cho Báo Phụ Nữ ngày 7/4/2013 kể về nỗi thống khổ của một người chồng, người cha bị vợ trộm tiền vàng của mẹ, rồi mang con đi giấu.
Chúng tôi tìm đến nhà S., một cửa hàng tạp hóa ở P.1, Q.8, TP.HCM. Bà L.T.M., mẹ của S. cho biết S. đang đi Long An tìm con trai. Tương tự như nội dung trình bày trong đơn, bà M. kể: “Cuối năm 2011, S. dẫn H. về giới thiệu và xin làm lễ cưới. H. xinh xắn, đang làm kế toán cho một công ty tư nhân, tôi chỉ có mỗi mình S. nên mong con trai tìm được người vợ hiền lành, học thức. Cưới về, tôi không buộc H. làm gì, chỉ việc chăm sóc thai và chờ ngày sinh nở. Nhưng oái ăm thay, khi trông coi cửa hàng, nhiều lần H. lấy tiền của tôi. Có những lần H. nói về thăm cha mẹ ở Q.6, nhưng khi về nhà, người đầy mùi bia rượu. Cháu nội tôi ra đời, chỉ tôi và S. chăm sóc. Ngày 17/2 vừa rồi, S. phát hiện H. giấu 2.300.000đ tiền bán hàng tạp hóa của tôi nên gặng hỏi. Không ngờ H. chối và ngay tối hôm đó, H. bế cháu tôi bỏ trốn đến nay. Chúng tôi đã tố cáo hành vi trộm cắp của H. đến công an Q.8 và đang đợi kết quả điều tra”. Bà M. cho biết, bà và chồng mất ăn mất ngủ vì nhớ cháu. Phần S. thì chạy tìm vợ và con khắp nơi.
Ông Nguyễn Xuân Triệu, cảnh sát khu vực ở P.1, Q.8 nói: “Mấy tháng nay S. đi tìm vợ suốt. Nghe đâu bên vợ không cho gặp, còn nói đó có chắc là con S. không (do S. và H. không đăng ký kết hôn, cháu bé chưa được khai sinh, nên S. đã tìm tôi xin xác nhận mất giấy chứng sinh để vào BV Từ Dũ xin cấp lại…”.
Anh Lê Văn Hải, lái xe ôm ở đường Dương Bá Trạc xác nhận, suốt ba tháng qua, anh liên tục chở S. đi tìm H. và con trai. Hải kể: “Nghe ai chỉ đâu, S. bỏ cơm nước chạy liền đến đó, ngày cũng như đêm. Anh ấy còn rao nếu ai tìm được H. và con, anh sẽ thưởng 10 triệu đồng”. Xác nhận điều này, bà M. đưa chúng tôi một xấp tờ rơi photocopy bốn màu ghi lời rao của S. và cả hình H. trong trang phục áo cưới.
CẢ NHÀ BỊ KHỦNG BỐ
Tìm đến P.9, Q.6, nơi gia đình chị H. cư ngụ, chúng tôi lại bật ngửa khi công an, chính quyền và Hội LHPN nơi đây đang phải tích cực bảo vệ H. và gia đình. Bởi từ ngày H. bỏ trốn đến nay, nhà H. liên tục xảy ra những vụ việc rắc rối.
Đầu tiên là những tờ rơi mà S. nhờ người mang rải khắp nơi, treo giải thưởng cho ai tìm được H. đã quấy rầy cuộc sống của họ. Hàng xóm láng giềng xôn xao về việc H. ôm con trốn khỏi nhà chồng. Người thân quen thì sang thăm hỏi, người không quen biết thì lắc đầu: “Thứ đàn bà gì…”. Gia đình H. như bị cô lập.
Đã vậy, hàng loạt sự việc xảy ra liên tiếp như S. gọi điện cho cha, mẹ, anh chị em, kể cả anh rể, em rể của H. đòi trả con, dọa rằng nếu gặp H. ở đâu sẽ giết ngay. Vừa bị S. đòi con, đòi chỉ chỗ ở của em gái, anh trai H. còn bị S. dọa: “Gia đình mày hạnh phúc quá, coi chừng con mày bị bắt cóc đó!” khiến anh phải mang cả vợ con về quê gửi. Mấy tháng qua, “bóng ma” của S. ám ảnh con hẻm nhà cha mẹ H., ngày nào S. cũng xuất hiện. Gia đình H. xảy ra nhiều vụ việc như nhà H. bị chọi đá bể hết cửa kính; anh trai H. đang chạy xe bị đạp té xây xát mình mẩy; nhà chị gái H. bị người ta quăng lửa đốt, may là các công nhân của xưởng sản xuất tại nhà phát hiện và giập tắt… Các anh chị em của H. phải lắp toàn bộ cửa inox, trang bị camera bảo vệ nhà cha mẹ và nhà mình. Mới lắp máy hôm trước, đêm sau đã ghi được ảnh người tạt sơn xanh lè nhà cửa. Đại gia đình nhà H. luôn sống trong phấp phỏng…
Bà N.T.N, mẹ của H. cho biết: “H. là con gái kế út của tôi. Khi H. dẫn S. về giới thiệu với gia đình, cả nhà không ai chấp nhận S. vì thấy tính tình anh này khá thô lỗ, lại không rõ nghề nghiệp. Con gái lấy chồng trái ý cha mẹ, nên dù ở nhà chồng xảy ra bao nhiêu chuyện cũng chẳng dám tâm sự với ai. Sau này, nghe nhà chồng của H. nộp đơn ở phường “tố” con tôi, tôi mới bật ngửa. Lần cuối về nhà, H. có tâm sự bị bà nội chồng mắng chửi thậm tệ. H. nói với tôi chắc không sống nổi. Khi nghe H. trốn khỏi nhà chồng, mấy anh em của H. cũng có đi tìm, nhưng H. gọi điện về nói đừng tìm kiếm nữa, để con yên…”. Từ ngày con gái bỏ trốn, bà N. khóc không biết bao nhiêu nước mắt, vừa thương nhớ con, vừa sợ gia đình gặp nguy khốn.
CHÍNH QUYỀN THỜ Ơ?
Trong khi phía S. gửi đơn khiếu kiện khắp nơi, thì phía gia đình chị H. cũng gửi đơn tố cáo hành vi của S. S. đã nhiều lần được cơ quan công an Q.8 triệu tập, lấy lời khai, nhưng vẫn chưa có kết quả gì.
Ngày 20/5, khi gia đình chị H. mang đơn tố cáo S. đến công an Q.6, thì bộ phận tiếp nhận giải thích S. cư trú ở Q.8, nên gia đình hãy về Q.8 trình báo. Bà N. mang đơn đến công an Q.8, nơi đây nhận đơn nhưng nói nhận để... tham khảo vì sự việc xảy ra trên địa bàn Q.6 nên không thể can thiệp (?).
Bà Lê Thị Kim Thủy - Chủ tịch Hội LHPN P.9, Q.6 cho biết: “Công an phường đã nhận đơn tố cáo của gia đình bà N. và đề nghị Hội Phụ nữ cùng tham gia hòa giải. Ngày 18/4/2013, chúng tôi mời hai gia đình lên họp, nhưng không tìm được tiếng nói chung”. Về phần mình, Hội LHPN P.6 đã liên lạc với Hội LHPN P.1, Q.8, nơi gia đình S. cư ngụ để xác nhận một số thông tin.
Cả hai gia đình vẫn đang mòn mỏi vì nhau. Bên thì sợ hãi, bên thì lo lắng, bất an.
Báo Phụ Nữ đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của cả hai gia đình và làm phiếu chuyển đến công an hai quận 6 và 8, TP.HCM. Đích thân những người trong cuộc cũng đã cầu cứu chính quyền, nhưng cả hai địa phương đều chưa có giải pháp nào thiết thực để giúp hai gia đình giải tỏa những mắc mứu, xung đột.
NGHI ANH
ĐỪNG ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM!
Theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình hiện hành, dù thực tế anh S. và chị H. chung sống với nhau, nhưng do không đăng ký kết hôn nên họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Việc anh S. rải tờ rơi bêu riếu H., thậm chí scan cả ảnh bố mẹ H. lên để rao… là một hành vi cần được ngăn chặn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra và không dừng lại ở xử lý hành chính. Theo quy định tại điều 7 (khoản 1 điểm a) Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Thực tế, gia đình của cả hai bên đều tỏ vẻ bức xúc nên đã gửi đơn yêu cầu cơ quan công an can thiệp. Cơ quan công an và chính quyền nơi xảy ra sự việc (Q.6) cần phải vào cuộc, phải lập biên bản và xử phạt hành vi của S., chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm cho nơi khác. Việc mẹ con anh S. làm đơn tố cáo bị mất tiền, mất con, gửi đơn đến công an Q.8 (cũng là nơi xảy ra sự việc) là đúng thẩm quyền, cần được cơ quan công an quan tâm và vào cuộc.
Vấn đề quan trọng nhất là phải bảo vệ được quyền lợi của đứa trẻ. Sẽ rất khó khăn trong việc ngăn cản anh S. đi tìm H. nhất là khi anh cho đứa trẻ đó là con mình, bản thân mẹ ruột anh S. cũng nhìn nhận đó là cháu nội của mình (mẹ chị H. cũng khẳng định chỉ cho con lấy S. khi lỡ có thai với anh này).
Chị H. cũng không thể đưa con đi trốn mãi để bản thân chị và người thân trong gia đình phải lo âu. Trong trường hợp này, xét cả về lý và tình, hai bên cha mẹ anh S. và chị H. cần trực tiếp gặp nhau nói chuyện, nếu khó khăn thì làm đơn đề nghị chính quyền đứng ra làm trung gian hòa giải. Đối với anh S. và chị H. cũng như vậy. Việc xác định tương lai đứa trẻ do anh S. hay chị H. nuôi trong trường hợp mối quan hệ của họ không thể cứu vãn được, sẽ do tòa án quyết định như đối với trường hợp cha mẹ ly hôn theo quy định tại điều 87, Luật Hôn nhân và Gia đình.
Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến (Phó vụ trưởng - Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM)
“Lốp dự phòng”, “lốp chúa” hay “Michelin boy”… là cách gọi châm biếm, hài hước dành cho những anh chàng chấp nhận làm phương án dự phòng của đối phương.