Tiểu thương chợ truyền thống bớt ế nhờ giao hàng qua ứng dụng

09/12/2020 - 06:50

PNO - Buôn bán khó khăn vì dịch bệnh, tiểu thương các chợ truyền thống cũng chuyển sang bán hàng online...

Buôn bán khó khăn vì dịch bệnh, tiểu thương các chợ truyền thống cũng chuyển sang bán hàng online, điều này giúp cánh tài xế công nghệ của Baemin, Now Food Delivery, Grab, Gojek… cùng hưởng lợi.

Hai đối tác (tài xế) của Baemin và Now Food Delivery tại sạp bún mắm cô Bông ở chợ Tân Định (Q.1, TPHCM), đưa điện thoại cho cô xem đơn đặt hàng, sau đó đứng đợi lấy bún, trả tiền rồi đem giao cho khách. Trong khoảng 30 phút, có đến 5-6 nhân viên đến lấy bún.

Các “tài xế công nghệ” túc trực tại chợ truyền thống ngày càng nhiều để mua hàng hộ khách
Các “tài xế công nghệ” túc trực tại chợ truyền thống ngày càng nhiều để mua hàng hộ khách

Cô Bông kể, từ khi có dịch COVID-19, khách truyền thống rời bỏ chợ dần khiến việc bán hàng khó khăn. Khi dịch tạm lắng, tình hình vừa đỡ hơn thì lại có các ca nhiễm COVID-19 mới. Thấy buôn bán theo kiểu khách ăn tại chỗ không khả quan, trong khi những hàng quán khác bên ngoài vẫn “sống khỏe” nhờ các ứng dụng gọi món, cô bắt đầu tải về điện thoại rồi đăng ký đơn hàng. “Nếu như tôi bán được 150 tô bún/ngày thì đã có 100 tô là khách đặt qua ứng dụng. Nhờ vậy, tình hình buôn bán khá khẩm hơn” - cô Bông hồ hởi. 

Kế đó, vợ chồng chị Vân - chủ sạp Chè Vân - cũng tất bật vừa múc chè bán cho khách ăn tại chỗ, vừa chuẩn bị hơn mười ly chè giao cho khách đặt qua ứng dụng Now. Theo chị Vân, hơn 30 năm bán chè tại chợ Tân Định, chị chủ yếu bán cho khách quen đến ăn chè trực tiếp, rồi khách gọi điện mua chè, chị giao tận nơi miễn phí với đơn hàng từ mười ly trở lên và cự ly gần. Khi khách tránh đến chợ chị đăng ký gian hàng trên ứng dụng hay nhận đặt qua điện thoại. Nhờ vậy, lượng chè chị bán ra “đếm không xuể”.

Ông Trần Phước Nhiều - Phó ban Quản lý chợ Tân Định - cho biết hiện chợ có 894 sạp kinh doanh, trong đó có 49 sạp là kinh doanh ăn uống. Hiện có hơn mười sạp kinh doanh ăn uống “dọn hàng” lên các ứng dụng để tiếp cận khách. 

Tại chợ Phạm Văn Hai, sạp chè cô Quy, bánh bèo Huế, các sạp xôi gà vịt lộn, bún măng vịt… cũng đều có “gian hàng” trên các ứng dụng giống tiểu thương tại chợ Tân Định, nhờ vậy tăng được lượng khách. “Các tiểu thương chia sẻ bán qua các kênh này rất hiệu quả. Có tiểu thương còn sắm cả máy in hóa đơn để dễ dàng thống kê, quản lý đơn hàng trong tháng. Họ dần dần chuyên nghiệp chẳng khác gì các cửa hàng bên ngoài” - một cán bộ tại Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai nói với chúng tôi. 

Do các ứng dụng trực tuyến chỉ nhắm đến nhóm hàng thực phẩm, ngành hàng ăn uống, chưa mở rộng sang các ngành hàng khác nên các tiểu thương tại các ngành hàng rau củ quả, quần áo, giày dép… tự tìm cách mở rộng kênh bán hàng qua Zalo, Facebook, Instagram…

Chị Đỗ Thị Minh Nguyệt - tiểu thương ngành rau củ quả chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) - cho biết trước đây, khi chợ vắng khách, tiểu thương thường ngồi lướt mạng, tám chuyện. Nay chị dành thời gian đó ngồi lặt rau, đi chợ giúp khách. Chị tăng cường giới thiệu sạp rau qua Zalo và Facebook. “Khách mua tôi bó rau muống, trái cà tôi chạy mua luôn cho khách con cá để đủ nồi canh chua, rồi giao cho khách bằng xe ôm công nghệ. Còn khách đặt mua miếng thịt, tiểu thương khác cũng chạy qua tôi mua bó rau. Nếu nhà gần thì chúng tôi chịu luôn tiền phí giao hàng, xa hơn thì chia đôi tiền, vậy mà ai cũng vui vẻ” - chị Minh Nguyệt nói. 

Một số tiểu thương khác như chị Nga - chủ sạp vải ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) - còn kết hợp với một số tiệm may uy tín, khách chỉ cần chọn vải, mẫu sản phẩm qua hình, báo kích cỡ, số đo… thì đơn hàng từ drap giường, chăn mền, bao gối đến quần, áo, váy… may theo đúng yêu cầu của khách được giao tận nơi ngay sau 2-3 ngày. 

Mặc dù việc đăng ký kênh bán hàng qua các ứng dụng khá hiệu quả, song lượng tiểu thương đăng ký vẫn còn thấp là do nhiều người còn e ngại mức phí. Các tiểu thương tại chợ Tân Định cho hay, mức chiết khẩu từ 17-20% mà tiểu thương trả cho các ứng dụng còn quá cao, “ăn” vào lợi nhuận nên nếu tính bài toán lời lãi thì chưa hiệu quả bằng bán trực tiếp. Hơn thế, đặt mua chè, cái gỏi cuốn giao qua các hãng xe công nghệ, khách trả cước phí có khi còn đắt gấp 2-3 lần so với giá bán khiến tiểu thương áy náy với khách hàng. 

Để khắc phục, nhiều nhóm tiểu thương ở gần nhau sẽ đăng ký chung một sàn bán hàng rồi chia đôi chiết khấu. Song theo các tiểu thương, đây là cách giải quyết tạm thời trong mùa dịch, về lâu về dài không khả quan vì các sạp “bán ké” sẽ không quảng bá được thương hiệu của mình. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI