Tiểu thương chật vật giữ khách, siêu thị đồng loạt giảm giá

12/08/2020 - 06:17

PNO - Khó khăn vì dịch COVID-19, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm hơn trong khi chi phí đầu vào tăng khiến hoạt động bán lẻ đã khó lại càng khó hơn.

Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, lượng hàng về chợ ổn định quanh mức 2.900-3.200 tấn/ngày, nhưng giá một số loại rau, củ, quả trong tuần qua tăng vọt, đặc biệt là nhóm rau củ từ các nhà vườn Đà Lạt. Cụ thể, giá hành tây từ 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, giá xà lách búp từ 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg, giá cà chua từ 18.000 đồng/kg tăng lên 23.000 đồng/kg… Giá khoai tây, củ cải trắng, bông cải trắng ổn định hơn. 

Dịch COVID-19 kéo dài khiến tình hình kinh doanh tại các chợ gặp không ít khó khăn
Dịch COVID-19 kéo dài khiến tình hình kinh doanh tại các chợ gặp không ít khó khăn

Giá các loại rau ăn lá từ những nguồn cung khác cũng tăng: cải ngọt, cải xanh tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg lên 12.000 -18.000 đồng/kg, ớt hiểm đỏ tăng từ 32.000 đồng/kg lên 46.000 đồng/kg, bí đỏ Trà Vinh tăng từ 8.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg. Ngược lại, giá bầu, bí đao giảm 2.000 đồng/kg, còn 10.000-13.000 đồng/kg.

Mưa lớn trên diện rộng những ngày qua khiến nhiều vùng trồng bị ảnh hưởng, hao hụt sản phẩm được cho là nguyên nhân khiến giá nông sản tăng cao. Ngoài ra, theo nhận định của thương nhân tại chợ, nguồn cung một số mặt hàng hiện giảm do trong đợt dịch trước, các nhà hàng, quán ăn ngưng nhập hàng dẫn đến sức tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, nông dân không dám xuống giống. Mặc dù các nhà vườn đã sản xuất trở lại sau dịch nhưng sản phẩm thu hoạch không cung ứng kịp nhu cầu nên nguồn hàng thiếu hụt, đẩy giá tăng.

Giá nhiều loại rau củ thiết yếu những ngày gần đây tăng do ảnh hưởng bởi thời tiết, biến động từ nguồn cung...
Giá nhiều loại rau củ thiết yếu những ngày gần đây tăng do ảnh hưởng bởi thời tiết, biến động từ nguồn cung...

Nhiều tiểu thương chợ lẻ tại TP.HCM cho biết, khách ngày càng hạn chế đi chợ khiến chợ ế ẩm. Theo chị Nga - bán rau củ ở chợ Gò Vấp - những ngày mưa vừa qua khiến giá rau, củ nhập vào tăng lên từ 3.000-10.000 đồng/kg nhưng do vắng khách, tiểu thương đành chấp nhận giữ giá để giữ khách. Một số tiểu thương còn linh động giao hàng tận nơi cho khách quen. 

Dịch bệnh khiến các siêu thị đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng để kích thích tiêu dùng trong tháng Tám này. GO!/Big C bán thịt heo không lợi nhuận; hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước đồng loạt giảm giá các nhu yếu phẩm và giảm giá 10-20% vào ba ngày cuối tuần với một số sản phẩm thịt heo tươi (bắp giò, sườn non, ba rọi, dựng, cốt lết, nạc dăm, nạc đùi, nạc vai) và đùi bít tết bò Úc. Hệ thống Lotte Mart cũng bán đồng giá 89.000 đồng đối với dụng cụ học tập, quần áo, giày dép và giảm giá đến 50% các sản phẩm sữa, bánh kẹo, gia vị, dầu ăn, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng cho em bé…

Theo khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong quý II/2020, Việt Nam vươn lên vị trí đứng đầu nhóm quốc gia có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, sau Hồng Kông và Singapore. Theo bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam - dù có sự hồi phục trong những tháng gần đây nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn đang ở mức thấp và những tác động về việc suy giảm chi tiêu sẽ ngày càng rõ nét trong những tuần sắp tới. Phần lớn người tiêu dùng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và các địa điểm ngoại tuyến khác. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI