Thưởng lãm và chiêm nghiệm về dòng chảy văn hóa Phật giáo

09/05/2025 - 05:54

PNO - Không gian triển lãm Văn hóa Phật giáo ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) là điểm nhấn nổi bật của Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025. Rất nhiều tăng ni, phật tử, người yêu thích tìm hiểu văn hóa đã đến để thưởng lãm, chiêm nghiệm về một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ của văn hóa Phật giáo trong văn hóa dân tộc.

Nơi nghệ thuật và tâm linh hội tụ

Hòa thượng Thích Hải Ấn - ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - nói: “Triển lãm là “trái tim văn hóa” của Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025. Đây là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh gặp nhau, thắp sáng lên chiều sâu trí tuệ và mỹ học của Phật giáo Việt Nam. Mỗi bức tượng, mỗi tác phẩm thư pháp, mỗi bảo vật nơi đây không chỉ là vật thể mà còn là câu chuyện, là tiếng vọng của ngàn năm lịch sử đạo Phật, in đậm trong lòng dân tộc Việt Nam”.

Phần trưng bày pháp phục  theo đề án “Chuẩn hóa pháp phục  Phật giáo Việt Nam” - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Phần trưng bày pháp phục theo đề án “Chuẩn hóa pháp phục Phật giáo Việt Nam” - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Thể hiện rõ nhất là phần trưng bày hình ảnh và tiêu bản các bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Thọ Lạc - ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa trung ương GHPGVN, Phó chủ tịch, Phó tổng thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 - cho biết: Việt Nam có 233 bảo vật quốc gia trong đó riêng Phật giáo có 87 bảo vật. Điều này minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc của Phật giáo trong đời sống văn hóa và tâm linh cộng đồng, cũng là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật nước nhà hơn 2.000 năm qua.

Đáng chú ý có tiêu bản tượng Quan âm Tống tử của chùa Mía (Sùng Nghiêm tự, làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) - một kiệt tác điêu khắc với đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo, biểu cảm sống động đã đi vào ca dao: “Nổi danh chùa Mía làng ta/ Có pho Tống tử Phật bà Quan âm”. Tượng là sự kết hợp hài hòa giữa mỹ cảm dân gian và tư tưởng từ bi cứu khổ của đạo Phật. Còn được gọi là tượng bà Thị Kính, đây là minh chứng tiêu biểu cho sự bản địa hóa Phật giáo trong văn hóa Việt. Từ chùa Mía - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam - còn có tượng Quan âm tọa sơn và tượng Tuyết Sơn cũng thể hiện trình độ tạo hình điêu luyện cùng tư tưởng Phật giáo Đại thừa Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. Tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở (Hưng Yên) tiêu biểu cho kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống và nền mỹ thuật đầu thế kỷ XIX…

Không gian trưng bày di sản Phật giáo miền Bắc giới thiệu khối hiện vật theo chủ đề “Tam bảo” gồm: tháp Phật, lư hương thời Lý (không gian Phật); các bộ kinh cổ được truyền thừa qua nhiều thế hệ, hướng theo 5 thời thuyết pháp của Đức Phật (không gian Pháp); y - bát truyền thừa của Tổ đình Vĩnh Nghiêm, gắn với Pháp chủ Thích Thanh Hanh (vị Pháp chủ đầu tiên trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX), tác phẩm và di vật của thiền sư Tăng thống Chánh Giác Hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng (cao tăng thời Lê Trung Hưng, có công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Ngoài), thác bản văn bia ghi lại hành trạng, công đức và sắc phong của các bậc cao tăng (không gian Tăng)… Các di sản trên được sưu tầm từ các di tích Phật giáo tiêu biểu như chùa Bút Tháp, chùa Bà Đá, chùa Quán Sứ, chùa Hói, chùa Long Động… góp phần tái hiện chiều sâu lịch sử, nghệ thuật và tâm linh cộng đồng.

Nguồn cảm hứng cho cộng đồng, giới trẻ

Sư cô Thích Nữ Mai An - học viên Học viện Phật giáo Việt Nam - chia sẻ: “Không gian trưng bày này không chỉ làm sống lại ký ức văn hóa mà còn tôn vinh sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa giá trị truyền thống và sức sống đương đại của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam hôm nay. Một người dù không phải là phật tử hay chưa tìm hiểu về Phật giáo khi bước chân vào đây cũng sẽ nắm được khái quát hành trình hơn 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam”.

Tiêu bản tượng Quan âm Tống tử nổi tiếng của chùa Mía - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Tiêu bản tượng Quan âm Tống tử nổi tiếng của chùa Mía - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Đặc biệt, phần trưng bày pháp phục thu hút sự quan tâm của đông đảo tăng ni, phật tử trong và ngoài nước. “Trang phục của các hệ phái Phật giáo là khác nhau, nếu không tìm hiểu sẽ dễ nhầm lẫn. Đến triển lãm này, mọi người được chiêm ngưỡng pháp phục của các hệ phái với phần mô tả chi tiết, tỉ mỉ để phân biệt. Những kiến thức đó rất có ích” - sư cô Thích Nữ Mai An nói thêm.

Phần trưng bày này thuộc đề án “Chuẩn hóa pháp phục Phật giáo Việt Nam” của GHPGVN. Hiện nay, pháp phục của tăng ni, phật tử ở Việt Nam đa dạng theo hệ phái, vùng miền, kiểu dáng (bao gồm pháp phục truyền thống, ngoại nhập lẫn tự chế - thường từ phái Khất sĩ), màu sắc. Vì thế, đề án có mục tiêu thống nhất hình thức pháp phục theo truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, đảm bảo sự trang nghiêm, giản dị nhưng vẫn gần gũi, thể hiện sự hòa hợp giữa đạo pháp và dân tộc.

Dịp này, GHPGVN còn công bố và triển khai các đề án “Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Phật học, Số hóa di sản văn hóa Phật giáo, Xây dựng không gian văn hóa Phật giáo tại các trung tâm đô thị” nhằm lan tỏa sâu rộng giá trị văn hóa Phật giáo trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững.

“Các hạng mục trưng bày đều mang chung tinh thần: bảo tồn truyền thống, hòa hợp đa dạng và lan tỏa tuệ giác. Mỗi khu vực là một thiền môn mở, nơi nghệ thuật không còn là sự phô diễn mà trở thành sứ giả của tuệ giác, mời gọi người xem dừng lại, lắng nghe, chiêm nghiệm, tiếp xúc với cái đẹp vượt thời gian. Từ đó, triển lãm có thể trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng, cho giới trẻ, cho những ai đang tìm kiếm ý nghĩa sống trong một thế giới đầy biến động” - hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI