Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững

07/05/2025 - 21:41

PNO - Ngày 7/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc (LHQ) 2025 đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với phiên toàn thể mang chủ đề chính: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, cũng là chủ đề của đại lễ năm nay.

Hội thảo nhận được hơn 600 bài nghiên cứu học thuật gửi về từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 300 tham luận tiếng Việt. Tại hội thảo, các phiên chuyên đề tiếng Anh và tiếng Việt diễn ra song song.

Các truyền thống Phật giáo tụng kinh cầu hòa bình thế giới
Hội thảo bắt đầu với nghi thức truyền thống Phật giáo tụng kinh cầu hòa bình thế giới - Ảnh: Phật sự Online (Cổng thông tin Văn phòng trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Ngoài diễn đàn chính bàn chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, hội thảo gồm 5 diễn đàn tương ứng 5 chủ đề phụ là: “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, “Chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải”, “Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người”, “Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai từ bi và bền vững”, “Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu”.

Phiên toàn thể “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”
Diễn đàn chính của phiên toàn thể mang chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ 2025 - Ảnh: Phật sự Online

Với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, tiến sĩ Neeraj Yadav (giảng viên Đại học Delhi, Ấn Độ) cho rằng, việc thực hành tâm từ cung cấp một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy hòa bình thế giới, với những hàm ý sâu sắc đối với sự hợp tác toàn cầu và phát triển bền vững.

Chủ đề “Chữa lành bằng chánh niệm, con đường hòa giải” ghi nhận các ý kiến về sự “tự thân” của mỗi cá nhân. Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong đời sống, không chỉ bao dung với con người, với giới tự nhiên, mà còn phải bao dung đối với muôn loài, vạn pháp.

Theo tiến sĩ Jyoti Gaur (giáo sư Đại học Suresh Gyan Vihar, Ấn Độ), sự tha thứ đóng vai trò như một cầu nối giữa những chấn thương trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai.

“Đó là con đường tái tạo bên trong không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn cho xã hội bằng cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự hòa hợp. Khi ngày càng có nhiều người thừa nhận và thực hành sự tha thứ, sức khỏe tinh thần và cảm xúc tập thể của cộng đồng có thể được cải thiện, dẫn đến phản ứng dây chuyền của quá trình chữa lành và chuyển đổi” – diễn giả nhận định.

Hội thảo đón các đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh: BTC
Hội thảo đón các đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh: Phật sự Online.

Các diễn giả ghi nhận khi nhân loại đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu phức tạp, thì sự tham gia của Phật giáo vào các nỗ lực đoàn kết, hòa hợp không chỉ đơn thuần là mở rộng của ngoại giao tôn giáo mà còn là biểu hiện của những lời dạy cốt lõi về lòng từ bi, sự bình đẳng và trách nhiệm chung vì sự phát triển của con người, thúc đẩy sự hòa hợp toàn cầu.

Theo Hòa thượng - tiến sĩ Jinwol Lee (thành viên Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak LHQ (ICDV) Canada), xây dựng một nền văn hóa hòa bình thì lòng từ bi và chữa lành bao gồm việc nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng tốt trong các tương tác của chúng ta với người khác giữ vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, điều này không chỉ đòi hỏi những nỗ lực của cá nhân, mà còn đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống để tạo ra những xã hội công bằng và hòa nhập hơn…

BTC nhận định, các tham luận không chỉ thể hiện sự phong phú về học thuật, mà còn phản ánh tầm ảnh hưởng toàn cầu của nghiên cứu Phật học đương đại trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu.

Với nền tảng từ kinh điển, trải nghiệm lịch sử và ứng dụng đương đại, các bài viết kết nối giữa tâm linh và thế tục, giữa địa phương và toàn cầu. Qua đó minh chứng Phật giáo không chỉ là con đường giải thoát khổ đau của từng cá nhân, mà còn là truyền thống sống động, có khả năng đóng góp cho hoạch định chính sách công, cải cách giáo dục, đạo đức môi sinh và ngoại giao hòa bình.

Đặc biệt, hội thảo cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho giới học thuật, như: “Ứng dụng chánh niệm trong giáo dục hiện đại”, “Phát triển mô hình “chùa sinh thái” thân thiện môi trường”, “Tổ chức các sự kiện Phật giáo theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)”, “Bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa”, “Thúc đẩy đối thoại liên tôn vì hòa bình thế giới”.

 dưới sự điều hành của Hòa thượng Chao Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng-già Phật giáo thế giới, Phó Chủ tịch Liên hữu Phật giáo thế giới.
Hòa thượng Chao Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng già Phật giáo thế giới, Phó Chủ tịch Liên hữu Phật giáo thế giới, điều hành phần phát biểu thông điệp - Ảnh: Phật sự Online

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu và chư tăng ni, Phật tử cũng đã tiếp tục được nghe thông điệp từ các đại diện Chính phủ, chư vị Tăng thống, Tăng vương, Chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo trên thế giới tham dự Đại lễ Vesak LHQ 2025.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đại lễ Vesak 2025 - đón nhận quyển Kinh Phật bằng tiếng Tây Ban Nha được biên soạn bởi Đại học Zayaev, Liên bang Nga - Ảnh:
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đại lễ Vesak 2025 - đón nhận quyển Kinh Phật bằng tiếng Tây Ban Nha được biên soạn bởi Đại học Zayaev, Liên bang Nga - Ảnh: Phật sự Online

Đại lễ Vesak LHQ 2025 sẽ bế mạc vào sáng mai, ngày 8/5, với phần báo cáo tổng kết và thông qua Tuyên bố TPHCM về Vesak 2025.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI