Thuốc điều trị COVID-19 giúp thế giới tiến gần hơn đến chiến thắng đại dịch

25/12/2021 - 06:05

PNO - Hiện Omicron vẫn đang lan rộng nhưng các nghiên cứu sơ bộ cho thấy tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện do biến thể này thấp hơn Delta. Cùng với độ bao phủ vắc-xin không ngừng mở rộng và việc phê duyệt thuốc điều trị COVID-19 tại nhà, thế giới có thể hy vọng chấm dứt đại dịch vào năm 2022.

Hôm 22/12, các nhà khoa học ở Nam Phi cho biết, làn sóng Omicron ở nước này đã giảm mạnh, biến thể này đến nhanh và nhẹ. Một nghiên cứu của Đại học Imperial London (Anh) do tiến sĩ Neil Ferguson dẫn đầu cũng đã phân tích và nhận thấy nguy cơ nhập viện của bệnh nhân Omicron thấp hơn từ 20 - 25% so với Delta. Đối với một tỷ lệ nhỏ những người chưa từng bị nhiễm COVID-19 hoặc chưa được tiêm chủng, nguy cơ nhập viện vì Omicron thấp hơn khoảng 11% so với Delta. 

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Scotland nhận thấy Omicron có liên quan đến nguy cơ nhập viện thấp hơn 2/3 so với các biến thể trước đó, ngay cả khi virus có nguy cơ lây nhiễm sang những người từng mắc COVID-19 cao hơn 10 lần so với chủng Delta. Tiến sĩ Neil Ferguson giải thích có thể có sự khác biệt do dữ liệu đầu vào của hai nghiên cứu. Dữ liệu của Scotland xem xét những người nhập viện, trong khi dữ liệu của Đại học Imperial London xem xét nhiều trường hợp hơn, bao gồm cả những người đến khám tại khoa cấp cứu và nhập viện theo dõi vài giờ trước khi về nhà. Dù đây là tin tốt, ông Ferguson nhận định: “Điều này chỉ phần nào bù đắp cho việc biến thể Omicron làm giảm hiệu quả chống nhiễm bệnh của vắc xin”.

Thuốc kháng vi-rút COVID-19 của Pfizer đang được sản xuất  trong phòng thí nghiệm ở Đức - ẢNH: REUTERS
Thuốc kháng virus COVID-19 của Pfizer đang được sản xuất trong phòng thí nghiệm ở Đức - Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 22/12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc viên Paxlovid của Công ty Pfizer, mở ra hy vọng bệnh nhân COVID-19 có thể chữa trị tại nhà. Paxlovid có hiệu quả giảm 89% nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19, bao gồm cả ca nhiễm Omicron. Theo FDA, Paxlovid được dùng cho ca bệnh từ nhẹ đến trung bình, ở nhóm 12 tuổi trở lên, với trọng lượng cơ thể ít nhất là 40kg. Bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm dương tính và có nguy cơ cao sẽ tiến triển nặng. Hôm 16/12, cơ quan quản lý thuốc châu Âu cũng khuyến nghị các nước thành viên Liên minh châu Âu cho bệnh nhân sử dụng Paxlovid sớm sau khi chẩn đoán. 

Trước đó, vào khoảng trung tuần tháng 12, một y tá 65 tuổi đến từ Worcestershire (Anh) đã trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir của Công ty Dược phẩm Merck. Vào tháng 11, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận sử dụng Molnupiravir - một động thái được Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid mô tả là “thay đổi cục diện đại dịch”. Đến ngày 23/12, FDA cũng đã duyệt viên thuốc này của hãng Merck.

Nhìn chung, cả Molnupiravir và Paxlovid đều ngăn chặn virus nhân lên bên trong cơ thể, vì vậy cần phải được sử dụng ngay sau khi các triệu chứng bắt đầu. Nhưng nó không được dùng như biện pháp ngăn ngừa. Vì vậy, để giữ vững hy vọng chấm dứt đại dịch vào năm 2022, thế giới cần áp dụng tổng hợp các biện pháp hiện có như giãn cách, đeo khẩu trang, khử trùng tay thường xuyên, tiêm chủng bên cạnh phương án điều trị bệnh nhân tại nhà bằng thuốc để giảm áp lực cho hệ thống y tế. 

 Tấn Vĩ (theo ABC News, Reuters, BBC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI