Thừa kế khi không lập di chúc

23/06/2015 - 08:46

PNO - PN - * Tôi có nuôi một người con riêng của chồng từ khi chồng tôi và mẹ ruột cháu qua đời đột ngột, lúc ấy cháu mới bảy tuổi, nay cháu đã trưởng thành và có gia đình riêng. Xin hỏi, nếu như tôi mất đi và không để lại di chúc...

Nguyễn Thị Bông (Bến Tre)

- Sau này khi chị qua đời mà không để lại di chúc, thì tài sản của chị để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật, quy định tại điều 676 Bộ luật Dân sự.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Về người con riêng của chồng, tuy chị nuôi dưỡng từ bé nhưng do cháu không thuộc một trong các hàng thừa kế theo pháp luật như quy định của điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên nên nếu chị qua đời không để lại di chúc thì người này không được quyền hưởng thừa kế di sản của chị.

Nếu muốn cho người con riêng này thừa hưởng di sản, chị phải lập di chúc chỉ định người này được hưởng di sản theo di chúc của chị.

Luật sư LÊ NGUYỄN THUYỀN QUYÊN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI