Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính'

12/02/2020 - 10:57

PNO - Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Sáng 12/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch covid-19. Nếu làm tốt chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thì đây cũng là một giải pháp ngăn ngừa covid-19, do sự vận hành của chính phủ điện tử giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch hành chính".

Sau một năm triển khai thực hiện chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng cho đến nay, việc triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử vẫn có tình trạng "mạnh ai nấy làm". Vì vậy, đề nghị hội nghị nêu rõ các cản trở, khó khăn để khắc phục, tạo nên kết quả thiết thực từ nhận thức đến hành động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về Chính phủ điện tử sáng 12/2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về chính phủ điện tử sáng 12/2

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Đến nay cả nước có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Đến thời điểm này, 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia".

Báo cáo kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay, đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Theo đó, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%… Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết còn nhiều tồn tại, hạn chế của Chính phủ điện tử trong năm qua như: chưa ban hành một số nghị định về định danh, chia sẻ dữ liệu; trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; mất an toàn mạng trong cơ quan trọng yếu; chưa chú trọng đào tạo, truyền thông…

Đánh giá cao việc xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt trong cải cách hành chính giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện; nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, vẫn chưa đạt kỳ vọng và còn tồn tại nhiều bất cập.

Nhắc lại câu chuyện liên thông dữ liệu, ông Vũ Đức Đam cho rằng không chỉ liên thông chỉ giữa Bộ này với Bộ kia, giữa các tỉnh với nhau mà nơi, ngay cả các sở trong một tỉnh cũng không liên thông được. Ông Đam đề nghị các bộ ngành, đơn vị tích cực giải quyết khâu liên thông, tránh trường hợp nơi này xử lý dữ liệu xong, nơi kia lại... moi ra làm lại, mất nhiều thời gian trong khi chỉ cần một bước liên thông là có thể nhận được kết quả.

Kết luận Hội nghị, đánh giá cao những kết quả đáng mừng trong xây dựng Chính phủ điện tử nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ: Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Như vậy, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN. "Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật này để tiếp tục phấn đấu", Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của việc xếp hạng chưa cao là do cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm, mất điểm của Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề khác làm chậm, chưa đồng bộ, chưa quyết tâm, vẫn còn một vài nơi tình trạng “án binh bất động” trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên mức 30%.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đến, là hoàn thiện thể chế. Năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về bảo vệ thông tin cá nhân… tiến đến các bước sửa đổi về luật giao dịch điện tử và luật về lưu trữ. Vấn đề thứ 3 là phải làm là hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra những mục tiêu: phấn đấu 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành...

Về bảo đảm nguồn tài chính cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020.

Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí, không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn, Thủ tướng yêu cầu.

Đánh giá vai trò của chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đồng thời chỉ ra 8 thông điệp, nhấn mạnh đến yếu tố con người trong cải cách hành chính.

Cụ thể: "Công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, chứ tự nó không tạo ra đổi mới cho khu vực công. Đổi mới của khu vực công phải bắt đầu từ đổi mới quản trị công, từ cải cách hành chính.

Công nghệ nào rồi cũng sẽ đạt đến độ hoàn hảo, nhưng cái hay nhất lại không phải ở chỗ đó mà là ở chỗ, công nghệ có thể làm bất cứ cái gì mà ta muốn nó làm.

Đổi mới trong công nghệ thì nhanh như cấp số nhân, nhưng lại không có một sự đổi mới nhanh như vậy trong quy trình, trong tổ chức bộ máy.

Một quy trình nghiệp vụ nếu xuất sắc thì chỉ cần một công nghệ rất đơn giản đã có thể mang lại giá trị lớn, nhưng một quy trình nghiệp vụ tồi thì công nghệ dù có hiện đại cũng không giúp tạo ra giá trị.

Một giao diện màn hình đẹp hơn nhưng cách xử lý công việc vẫn như cũ thì không phải là cái mà công nghệ có thể mang lại. Cái mà công nghệ mang lại là cải thiện toàn bộ quy trình xử lý công việc từ đầu tới cuối.

Mức độ chuyển đổi mà các công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại đúng bằng mức độ thay đổi của chúng ta trong cách làm việc, trong quy trình.

Đội ngũ công nghệ của khu vực công nên tập trung vào việc trở thành người đặt hàng thông minh, yêu cầu cao về đổi mới, đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng về công nghệ mà họ sẽ mua hoặc yêu cầu đối tác phát triển.

Trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo là tạo ra môi trường thuận lợi mà trong đó các dự án ứng dụng kỹ thuật số có thể phát triển mạnh mẽ"


Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI