Thời trực tuyến và hạnh phúc của thầy cô

22/11/2021 - 07:08

PNO - “Thầy cô hạnh phúc sẽ có thể làm thay đổi thế giới”, câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh cho thấy hạnh phúc của người thầy quan trọng đến thế nào. Nhưng trong thời đại công nghệ và học online hôm nay, hạnh phúc của thầy cô thật khó kiếm tìm.

Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, cô Thanh Bình, dạy cấp 2 môn lý gửi cho tôi tấm ảnh chiếc bình hoa đầy ngọn su su với lời nhắn: “Hoa học trò mới hái trong vườn. Đủ để vui”. Trong khi đó, nhóm phụ huynh của lớp con trai tôi trên Zalo đang biểu quyết xem nên chuyển khoản cho cô giáo chủ nhiệm 500.000 đồng hay 1.000.000 đồng mừng ngày 20/11. Hiển nhiên, thầy cô rất cần tiền cho cuộc sống nhưng liệu thầy cô có hạnh phúc khi nhận tiền được chuyển khoản không?

“Khi nhận tiền tôi có cảm giác như phụ huynh muốn trả công cho cô giáo vậy. Những món quà nhỏ từ tay học trò vẫn khiến tôi cảm động hơn”, cô Thanh Bình cho biết. Phải chăng, càng hiện đại, thì những tình cảm càng mộc mạc, chân thành của học trò sẽ càng khiến thầy cô hạnh phúc hơn?

sự tôn trọng, hiếu học của học trò chính là yếu tố quan trọng để thầy cô dạy học với đam mê và hạnh phúc
Sự tôn trọng, hiếu học của học trò chính là yếu tố quan trọng để thầy cô dạy học với đam mê và hạnh phúc - Ảnh minh họa

Tôi nhớ ngày xưa, phụ huynh chẳng bao giờ quan tâm đến các ngày lễ “thay” con mình cả. Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi và các bạn trong lớp sẽ góp tiền và bàn xem nên mua gì tặng thầy cô. Thực ra, những món quà chỉ là cây viết, cuốn sổ hay chiếc kẹp cho cô giáo thôi nhưng thường thì chúng tôi bàn khá rôm rả. Sau khi lựa được quà, chúng tôi chia nhau, đứa thì gói thật đẹp, đứa thì nắn nót viết từng dòng chữ trong tấm thiệp nhỏ. Biết bao nhiêu tình cảm học trò chất chứa trong món quà nhỏ xíu ấy. Còn bây giờ, việc nhớ những ngày lễ hay gửi lời cảm ơn thầy cô trở thành việc của phụ huynh. Học sinh thậm chí không cần biết đến câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Cô Hải Yến, giáo viên cấp 3 môn hóa, chia sẻ: “Thầy cô chuẩn bị bài giảng rất cực vì mới làm quen với việc dạy online, nhưng học trò thì không chịu học. Có em không chép bài cũng chẳng chịu làm bài, nhưng thầy cô la mắng nặng lời thì sẽ bị phụ huynh kiện và nhà trường khiển trách ngay. Học trò thời nay dạy trực tiếp đã khó, dạy online càng khó hơn muôn phần”.

Hơn nữa, khi dạy, thầy cô thường phải tự lên tinh thần cho mình, nếu không sẽ cảm thấy mất lửa vì không nhận được sự phản hồi từ học trò như trên lớp học trực tiếp. Tệ hơn, nhiều em còn làm việc riêng, hoặc lấy lý do “mất mạng” để không nghe giảng bài. Cô Hải Yến thở dài kết luận: “Tôi và các thầy cô khác đều có cùng tâm trạng chán online, và chúng tôi đều cố gắng dạy cho hết tiết, học sinh nào học được thì học, không thì thôi. Không ai còn thiết tha với đam mê hay lửa nghề nữa”.

Người ta chỉ hạnh phúc khi được làm một việc mà mình đam mê, yêu thích và ý nghĩa với người khác. Thầy cô làm sao có thể cảm thấy hạnh phúc khi dạy cho đủ tiết, chứ không phải dạy với đam mê và lửa nghề? Đã có rất nhiều bài viết phê phán thầy cô vô tâm, dạy học thiếu trái tim, nhưng tôi tin rằng thầy cô nào cũng ước muốn được cháy hết mình với đam mê giảng đường và muốn tạo nên những thế hệ học trò thành công và hạnh phúc cả. Ai mà không muốn là thầy giáo đúng nghĩa, khơi gợi lòng hiếu học, hiếu tri ở con trẻ, thay vì làm “thợ dạy”, chỉ ra rả lặp đi lặp lại bài giảng một cách thiếu sức sống? 

Thiết nghĩ, không thể quy toàn bộ trách nhiệm dạy dỗ cho thầy cô. Rồi đến khi con không nên người thì đổ lỗi cho giáo dục nhà trường. Ngạn ngữ châu Phi có câu: “Cần cả một ngôi làng để dạy dỗ một đứa trẻ”. Giáo dục gia đình cũng không kém phần quan trọng so với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, thậm chí còn quan trọng hơn cả. Thế nên, cha mẹ hãy cùng chung tay với thầy cô để việc giáo dục học trò trở nên nhẹ nhàng hơn với thầy cô. 

Cô Bích Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở TPHCM, cho biết: “Đầu năm học, tôi rất lo vì học sinh lớp 1 học trực tiếp còn khó, huống gì học online, nhưng nay tôi hoàn toàn yên tâm vì có phụ huynh hỗ trợ nhiệt tình”. Hóa ra, thời dạy học online, giáo viên vẫn có thể dạy học trong hạnh phúc nếu có sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ. Biết được điều này, cha mẹ hẳn sẽ thấu hiểu cho thầy cô, đồng thời thường xuyên nhắc nhở con về “tôn sư trọng đạo”. Thời công nghệ càng hiện đại, học trò càng cần biết trân trọng và yêu quý người dạy dỗ mình. Kiến thức, thông tin không thiếu trên mạng, có thể học dễ dàng, nhưng chỉ khi có một người thầy tâm huyết, học trò mới có được sự động viên cần thiết. 

Hạnh phúc của thầy cô rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của cha mẹ, đặc biệt trong những tháng ngày học online. Sống nơi đô thị bận rộn, cha mẹ rất cần dành thời gian cho giáo dục gia đình. Bởi sự tôn trọng, hiếu học của học trò chính là yếu tố quan trọng để thầy cô dạy học với đam mê và hạnh phúc. Và chỉ khi thầy cô hạnh phúc thì mới có thể giúp học sinh hạnh phúc, nên người.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI