Thỏa thuận tạm thời

28/04/2019 - 10:30

PNO - Chỉ cần tạm đóng băng điều định làm, chỉ cần dừng lại, chậm lại một nhịp thôi, chúng ta đã có thể giảm đi đổ vỡ, tổn thương, đau đớn, mất mát…

Clip cậu bé 17 tuổi mở cửa xe, nhảy xuống sông tự vẫn ngay trước mắt mẹ được lan truyền mấy ngày qua khiến nhiều người sốc, dù đó là chuyện xứ người. 

Một câu chuyện khác được đăng trên mạng. Có cậu bé 14 tuổi tìm đến chuyên viên tư vấn qua tổng đài lúc 2g sáng, để nói rằng cậu cô đơn quá, và điều cậu muốn làm là không sống nữa, ngay lập tức. Sau cùng, không có cuộc tự tử nào diễn ra trong đêm đó.

Kể lại câu chuyện, chuyên viên tư vấn cho biết, điều chị làm được giây phút ấy không phải là thuyết phục cậu từ bỏ ý định chấm dứt cuộc sống, mà chỉ nỗ lực đạt được một thỏa thuận tạm thời: “Đêm nay, tạm thời không làm gì cả, ngoài lên giường ngủ một giấc”. 

Thoa thuan tam thoi
Ảnh minh họa

Rất khó để kết luận sau đó cậu bé có kết thúc cuộc đời mình trong sự cô đơn hay không, bởi thỏa thuận tạm thời ấy, trong một chừng mực nào đó, cũng chỉ là một cách tạm đóng băng ý muốn tự sát của cậu. Khi ánh sáng của ngày hôm sau rọi tới, băng tan, ý muốn ấy có thể bừng tỉnh, có thể dịu dần hay diễn tiến theo quá trình tâm lý nào đó. Nhưng, thỏa thuận tạm thời ấy đã mở ra cơ hội giữ lại một sinh mệnh. 

Sinh mệnh của cậu bé 17 tuổi trong clip được lan truyền mấy ngày qua đã không thể giữ, dù mẹ cậu chỉ chậm một giây để bắt được cậu trước khi cậu gieo mình xuống sông. Không khó để đoán rằng đã có một sự tranh cãi trước khoảnh khắc cậu bé hành động nông nổi, chỉ là, người mẹ và cậu con trai đã không kịp (hoặc không biết) xác lập một thỏa thuận tạm thời, kiểu như: mẹ con ta sẽ nói tiếp khi mình về đến nhà. 

Trong những ngày cuộc hôn nhân gặp khó khăn, câu nói tôi sử dụng nhiều nhất với chồng là “đợi em một chút”. Trong “một chút” ấy, có khi tôi chỉ đứng yên mà không làm gì cả. Dĩ nhiên, chúng tôi rồi vẫn phải nói điều mình muốn nói, vẫn phải làm điều mình cần làm, nhưng thỏa thuận tạm thời ấy giúp chúng tôi như thể thấu đáo hơn và nhìn rõ đối phương hơn, lựa chọn những từ ngữ phù hợp hơn.

Thoa thuan tam thoi
Ảnh minh họa

Những ngày này, mọi cuộc va chạm trên đường giữa trời nắng dễ dẫn đến một kết quả: lao vào rủa sả nhau trước khi phân định đúng - sai. Tôi đã chứng kiến hai gã đàn ông dắt xe vào cửa hàng để “sửa xe xong rồi tính sổ” trong sự gằm ghè. May sao, sau khi xe sửa xong, họ đều dịu đi, dù chỉ trước đó vài phút, giữa 2 chiếc xe nằm chỏng vó trên mặt đường, họ giận dữ như sẵn sàng giết chết đối phương. “Sửa trước rồi tính sổ sau” tương đương một thỏa thuận tạm thời, được xác lập trong tình huống nhạy cảm. Và, khi ấy chỉ cần thế thôi, cũng có thể chỉ làm được thế thôi, mọi can ngăn không hợp lý có khi giống đổ dầu vào lửa.

Trong cuộc sống, chúng ta quá cần những thỏa thuận tạm thời để gỡ một tình huống khẩn cấp. Chỉ cần tạm đóng băng điều định làm, chỉ cần dừng lại, chậm lại một nhịp thôi, chúng ta đã có thể giảm đi đổ vỡ, tổn thương, đau đớn, mất mát… 

Từ bé chúng ta đã nhận quá nhiều lời dạy, rằng phải cái này và không nên cái kia. Thế nhưng, “nên”, “phải” ấy mang quá nhiều tính mệnh lệnh mà cơ chế tự nhiên của mỗi cá thể là kháng lại những bắt buộc đến từ cá thể khác. Chưa kể, như nhà tâm lý học lừng danh Rogers từng nói, chúng ta có thể phản ứng với một trải nghiệm nào đó theo một cách khác xa với cách mà bạn bè thân thiết nhất của chúng ta phản ứng cũng với cùng trải nghiệm đó.

Thế nên, rất khó để khiến người khác từ bỏ, chấm dứt hay sửa đổi một hành vi, một suy nghĩ. Cái chúng ta có thể làm được dễ dàng hơn là đưa ra thỏa thuận tạm thời. Tạm thời không làm gì cả, chính là đã tìm được cách để làm đúng hơn, tốt hơn. 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI