Thịt nuôi cấy và hành trình đến bàn ăn

25/07/2022 - 06:40

PNO - Có thể trong tương lai gần, chúng ta sẽ được ăn những món chế biến từ thịt nuôi bằng tế bào trong ống nghiệm, thay thế loại thịt quen thuộc lâu nay.

Xu thế bền vững của thời đại

Các nhà khoa học bắt đầu bằng cách sử dụng một mẫu tế bào nhỏ từ gia súc, gia cầm (như bò hoặc gà), sau đó xác định các tế bào có thể nhân bản. Tiếp đó, họ đưa những tế bào này vào trong môi trường vô trùng, cung cấp cho chúng chất dinh dưỡng cần thiết để bắt đầu quá trình tái tạo một cách tự nhiên.

Giáo sư Christiana Musk - điều hành Flourish*ink, một nền tảng thúc đẩy các trao đổi thảo luận về thực phẩm tương lai phục vụ con người - nói: “Đó là loại thịt không cần đến giết mổ”. Các nhà khoa học đã đạt được một bước tiến lớn khi chuyển việc sản xuất loại thịt này từ phòng thí nghiệm sang sản xuất đại trà tại các cơ sở thương mại. Thuật ngữ thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cũng đang dần được thay thế bởi các cách gọi khác như: thịt nuôi cấy, thịt nuôi cấy tế bào, hoặc thịt không giết mổ.

 

 

Thịt nuôi cấy được phát triển bằng các tế bào động vật trong phòng thí nghiệm
Thịt nuôi cấy được phát triển bằng các tế bào động vật trong phòng thí nghiệm

Bên cạnh khả năng giảm giết mổ động vật, thịt được nuôi cấy còn có thể giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi. “Giải pháp này tốt hơn nếu xét đến yếu tố bền vững bởi nó giúp giảm diện tích đất nuôi động vật, giảm nhu cầu sử dụng nước, và giảm chất thải thoát ra từ các khu vực nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường”, giáo sư David Kaplan - Đại học Tuffs (Mỹ) - nhận xét. 

Ngành công nghiệp đầy tham vọng này đã có tuổi đời khoảng mười năm. Tuy nhiên, để loại thịt nuôi cấy thay thế hoàn toàn thịt truyền thống thì sẽ phải cần thêm 20 năm nữa. Hiện tại, chỉ có Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới đã phê duyệt cho phép sử dụng thịt làm từ tế bào phục vụ người tiêu dùng. Trung Quốc cũng đang có quyết tâm rất cao cho mục tiêu này.

Có thể thay thế thịt truyền thống?

Ngoài điểm cộng về giảm tác hại đến môi trường nêu trên, có nhiều lý do để ủng hộ việc phát triển loại thịt không giết mổ. Theo giáo sư David Kaplan, thịt được nuôi cấy có chất lượng tốt hơn thịt giết mổ nhờ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống. “Chúng ta có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với đầu vào và đầu ra của hệ thống, đồng nghĩa với sản phẩm ít bị nhiễm bẩn hoặc biến đổi chất hơn”, ông nói.

Thêm một yếu tố quan trọng khác, thịt được nuôi cấy sẽ ít phải tiếp xúc với động vật xung quanh cũng như sử dụng môi trường sống ngoài tự nhiên. Nhờ vậy, có thể làm giảm nguy cơ lây lan vi-rút từ động vật sang người. 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo cả về khía cạnh khoa học và thực tiễn. Trong khi người dân Singapore đã có thể thưởng thức món ăn chế biến từ thịt được nuôi cấy kể từ tháng 12/2020 thì người Mỹ vẫn đang chờ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp (USDA) xem xét “tính an toàn, không bị pha tạp, và được dán nhãn trung thực”. Còn Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ (AND) thì nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu rõ hơn về tác động lâu dài của các sản phẩm thịt được nuôi cấy đối với sức khỏe con người. 

Một trở ngại khác là chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Theo báo cáo năm 2021, Viện Thực phẩm Tốt (GFI), tổ chức phi chính phủ của Mỹ đại diện cho ngành công nghiệp thịt được nuôi cấy, cho biết, họ đã tiêu tốn hết 10.000 USD để sản xuất ra chưa tới 1kg thịt, trong khi giá mà loại thịt này mong muốn khi lên kệ chỉ khoảng 2,5 USD/kg.

Cuối cùng, tâm lý của người tiêu dùng về thịt được nuôi cấy cũng là một vấn đề lớn khi nhiều người vẫn còn hoài nghi về công nghệ sinh học, đặc biệt là trong thực phẩm. 

Nguyễn Thuận (theo CNN, USDA)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI