Thịt nhân tạo và triển vọng phát triển trong tương lai

12/04/2022 - 10:43

PNO - Các vấn đề liên quan đến chăn nuôi như tác động đến môi trường, sử dụng quá nhiều nước, ô nhiễm đất và nguy cơ tạo ra dịch bệnh… đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn. Từ đó, thịt nhân tạo trở thành lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp chú ý, đầu tư.

Sản phẩm thay thế ngành chăn nuôi

Chăn nuôi bò thịt đang chiếm khoảng một nửa lượng khí thải nhà kính do nông nghiệp gây ra. Trước tình trạng này, nhiều người tiêu dùng đã chọn cắt giảm tiêu thụ thịt đỏ, chuyển sang sử dụng các loại sản phẩm thay thế. Ở một khía cạnh khác, Caroline Bushnell - Giám đốc phụ trách hợp tác doanh nghiệp tại Good Food Institute (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế) - nhận định: “Việc động vật được nuôi và nhốt trong lồng tạo ra nơi sinh sản hoàn hảo cho các bệnh lây truyền từ động vật sang người”.

Tại Singapore, Công ty Eat Just bán sản phẩm từ thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ năm 2021 - Ảnh: Eat Just
Tại Singapore, Công ty Eat Just bán sản phẩm từ thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ năm 2021 - Ảnh: Eat Just

Đối với những người muốn ăn ít thịt hơn, thị trường thịt có nguồn gốc từ thực vật sẽ cung cấp cho họ nhiều sự lựa chọn. Việc mô phỏng gần như hoàn hảo một sản phẩm động vật là đủ đối với nhiều người tiêu dùng ăn chay và thuần chay. Nhưng những người khác thì muốn khoa học đi xa hơn nữa để thịt nhân tạo, mô phỏng có thể đạt được các đặc tính gần nhất với thịt thực sự. Trước nhu cầu đó, thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm đang được xem là sản phẩm của tương lai. Dù là sản phẩm động vật nhưng loại thịt này không liên quan đến việc giết mổ cũng như không bao gồm hoạt động chăn nuôi truyền thống.

Nhiều thập kỷ trước, một nhà khoa học người Hà Lan là Willem van Eelen đã nghiên cứu tạo ra dạng thịt có thể “nuôi trồng” trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng các mô động vật. Trong quá trình nuôi cấy, tế bào gốc được tách ra khỏi tế bào cơ từ động vật sống. Các tế bào gốc này được nuôi cấy trong môi trường cung cấp cho chúng các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sinh, nhân lên, biến đổi thành tế bào cơ và tế bào mỡ, cuối cùng tạo thành thịt. Với nghiên cứu của van Eelen, phòng thí nghiệm có thể tạo ra bất kỳ loại thịt nào có trong cửa hàng thực phẩm. 

Để ngăn tế bào sinh sôi thành một khối hỗn độn, các nhà khoa học sử dụng một “khuôn sinh học” hướng các tế bào phát triển theo một hình dạng cụ thể. Benjamina Bollag - người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp thịt nhân tạo HigherSteaks (Anh) - giải thích: “Chúng tôi sử dụng protein thực vật làm khuôn. Sản phẩm thịt về cơ bản là các tế bào được gắn vào khung này, chúng phát triển, lấp đầy khoảng trống và tạo ra cấu trúc hoàn chỉnh”.

Nỗi lo về giá và xu hướng tiêu dùng

Quay trở lại năm 2013, chi phí sản xuất lên đến khoảng 394.000 USD cho một chiếc bánh mì kẹp thịt bò nhân tạo sản xuất từ phòng thí nghiệm. Thêm vào đó, môi trường tăng trưởng duy nhất có tác dụng là huyết thanh thai bò (FBS), với máu được chiết xuất từ ​​bào thai bê. Vì vậy, sẽ là một chặng đường dài để thịt nhân tạo có thể trở thành một sản phẩm thay thế thịt truyền thống, với giá cả phải chăng. 

Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi trong gần mười năm qua. Từ bốn công ty vào năm 2015, đã có ít nhất 70 công ty sản xuất thịt động vật nhân tạo trên toàn cầu hoạt động vào cuối năm 2020. Một số tập trung vào nguyên liệu tạo thịt, số khác tập trung vào việc xây dựng các lò phản ứng sinh học (các bồn chứa lớn nơi tế bào phát triển thành sản phẩm thịt). Chính phủ nhiều quốc gia đã tài trợ cho các dự án nghiên cứu lớn trong lĩnh vực này. Các nhà đầu tư cũng bị thu hút, các nhà sản xuất thịt lớn - chẳng hạn như Tyson Foods ở Mỹ - thừa nhận rằng thịt nuôi cấy có thể là lựa chọn hàng đầu cho thế hệ tương lai. Năm 2018, Tyson Foods - công ty sản xuất đến 1/5 lượng thịt gà, thịt heo và thịt bò ở Mỹ - đã quyết định đầu tư vào Memphis Meats - nhà sản xuất món thịt viên nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology, so với việc sản xuất 1 tấn thịt bò truyền thống, 1 tấn thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sử dụng đất ít hơn 99%, nước ít hơn tới 96% và năng lượng ít hơn tới 45%. Theo Carlotte Lucas - Giám đốc quan hệ công chúng tại The Good Food Institute - sản phẩm thịt gà nhân tạo của Công ty Eat Just (Mỹ) đang nằm trong thực đơn tại một số khách sạn cao cấp ở Singapore, với giá khoảng 17 USD/phần. Sản phẩm được lai tạo giữa khoảng 70% thịt gà nuôi cấy và thành phần bổ sung từ thực vật để có kết cấu chân thật hơn. Điểm trừ là công ty vẫn chưa thể phân phối sản phẩm ở quy mô công nghiệp. 

Hiện tại, chưa thể có công ty nào trong lĩnh vực thịt nhân tạo đạt được khả năng phân phối quy mô lớn. Cũng chưa có quốc gia nào khác ngoài Singapore phê duyệt sử dụng sản phẩm thịt nhân tạo. Bên cạnh trở ngại do chi phí sản xuất còn khá cao còn là vấn đề nhiều người tiêu dùng e ngại về mức độ an toàn của sản phẩm thịt này cũng như thấy khó quen với ý tưởng thực phẩm của họ được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm khoa học. Tuy nhiên có thể thấy rằng, triển vọng phát triển của loại thịt này là không nhỏ. 

Linh La (theo News Medical, Women Health, The Counter)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI