Thịt lấy buổi sáng bán đến chiều tối, bốc mùi vẫn có khách mua

15/02/2017 - 12:00

PNO - Theo tiểu thương, lẽ ra thịt bán chiều phải lấy từ lò giết mổ đầu giờ chiều, nhưng những lò có kiểm soát chỉ giết mổ trong đêm và đưa về chợ đầu mối. Vì thế, trên sạp thịt chợ chiều, không thiếu những miếng đã có mùi.

6h30 tối, các sạp thịt heo tại chợ Bình Chiểu (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) khá đông người mua, kẻ bán. Cảnh người mua dùng tay lật đi lật lại miếng thịt để chọn lựa là bình thường. Thịt được tiểu thương lấy từ sáng sớm tại các chợ đầu mối, bán đến tận chiều tối.

Trên sạp thịt chiều không thiếu những miếng bốc mùi khó chịu

Theo các tiểu thương, lẽ ra thịt bán buổi chiều phải lấy từ các lò giết mổ vào đầu giờ chiều. Nhưng trừ những lò mổ lậu, những lò mổ được kiểm soát lại không giết mổ giờ này, hầu hết chỉ giết mổ trong đêm và đưa ngay về chợ đầu mối tiêu thụ.

Vì thế, trên các sạp thịt chợ chiều, không thiếu những miếng thịt đã có mùi khó chịu.

Không chỉ xuất hiện ở những chợ xa trung tâm thành phố, mà tình trạng này còn phổ biến cả ở những chợ lớn như Tân Định, Bà Chiểu, Bến Thành.

Không cần tủ làm mát, chỉ cần một chiếc bàn là chủ sạp đã có thể bán… từ sáng đến chiều. Với thịt gia cầm (gà, vịt, chim…) tình trạng mua bán tươi rất công khai ở các chợ.

Người mua tấp xe máy vào lề đường, chọn gà, vịt, chim… sống trong lồng xong, người bán chỉ mất 5-10 phút để cắt tiết, vặt lông ngay trước mặt khách. Hầu hết người mua đều cho rằng, mua như vậy mới đúng là thịt tươi.

Thit lay buoi sang ban den chieu toi, boc mui van co khach mua
Sản phẩm thịt chỉ có thể an toàn nếu người tiêu dùng thay đổi thói quen.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết khi trang bị tủ bảo quản tại các điểm bán thịt của mình, Vissan và các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã nghiên cứu kỹ sự biến đổi thịt nếu bán theo cách truyền thống.

Miếng thịt giết mổ buổi sáng, nếu bán trong điều kiện bình thường thì đến khoảng 12h trưa là đã bị nhiễm vi sinh. Đến 2h chiều là tình trạng nhiễm vi sinh có thể nhận thấy bằng mắt thường (thịt tái hoặc chuyển màu xanh, có mùi).

Chờ người dùng bỏ thói quen "ăn miếng nào chỉ cắt miếng đó"

Theo các DN kinh doanh thịt gia súc gia cầm, từ nhiều năm trước cơ quan quản lý đã nhận ra thực tế này, nên thực hiện nhiều biện pháp để giúp việc kinh doanh thịt an toàn hơn.

Chẳng hạn, TP.HCM đã cấm các lò giết mổ thủ công tự phát, cấm giết mổ gia cầm sống tại chợ hay khu dân cư, di dời các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp ra khu vực ngoại thành… Tuy nhiên, nhiều DN tiên phong như Phú An Sinh xây nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Huỳnh Gia Huynh Đệ tại Đồng Tháp… đã thua lỗ và gần như ngưng hoạt động.

Nguyên nhân là việc vận chuyển sản phẩm sau giết mổ về TP.HCM quá xa, làm chi phí phát sinh, và nhất là do thói quen tiêu dùng, nhiều NTD chưa quen với những sản phẩm thịt được đóng gói, bảo quản lạnh vì cho thịt như vậy là không tươi, không nóng(?).

Theo bà Phương Ninh, thịt phải được làm lạnh dưới 10 độ C trước khi đưa ra thị trường, và phải được bảo quản mát tại các điểm bán. Vì “chỉ có như vậy chỉ tiêu vi sinh mới đáp ứng yêu cầu của cơ quan thú y”.

Vì thế, chỉ có thể trông chờ sự thay đổi thói quen tiêu dùng từ phía NTD, thị trường thịt mới an toàn hơn.

Để chiều theo thói quen của NTD, một số DN như An Hạ đã thay đổi bằng cách chỉ bán thịt trong buổi sáng, không bán sang buổi chiều.

Ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ngành phân phối, nhận định tập quán tiêu dùng của người Việt là quá dễ dãi.

Ở các nước phát triển, thịt sau khi giết mổ được đưa ngay vào cấp đông và chỉ đưa ra thị trường sau đó khoảng 5-7 ngày.

Đến bao giờ người Việt bỏ thói quen ăn tươi, như muốn ăn con gà mổ ngay trước mặt… thì sản phẩm thịt trên thị trường mới an toàn. Để thay đổi thói quen này phải mất 5-10 năm, và cần có những thay đổi từ cơ chế quản lý.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khi triển khai, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo tại thành phố đã gặp không ít khó khăn từ thói quen tiêu dùng “ăn miếng nào chỉ cắt miếng đó”, làm phát sinh thêm quá nhiều khâu trung gian.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI