Thỉnh thoảng chúng ta nên cãi nhau, để yêu nhau nhiều hơn

29/12/2022 - 11:04

PNO - Cãi nhau không phải lúc nào cũng là xấu trong một mối quan hệ, miễn là chúng ta nên hướng mọi tranh cãi sang một “cuộc chiến lành mạnh”.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng em yêu nhau đã 3 năm, dự kiến sang năm sẽ làm đám hỏi. Nhưng càng yêu, càng biết nhiều về nhau thì chúng em lại càng dễ phát sinh cãi vã. Có những lý do liên can trực tiếp, nhưng cũng có những chuyện đâu đâu mà hai đứa cũng nói qua nói lại rồi giận dỗi.

Thông thường bọn em hay trao đổi về các vấn đề trong cuộc sống, trên mạng xã hội, quan điểm sống, rồi từ tranh luận chuyển sang to tiếng. Cũng không ít lần chuyện cãi nhau xuất phát từ việc anh ấy hay đến trễ hẹn. Ảnh thì cho rằng đó là chuyện nhỏ, còn em thì rất ghét việc bắt em phải đợi.

Hôm bữa coi World Cup, anh chỉ muốn vào cái quán cà phê đầy khói thuốc quen thuộc của ảnh, còn em thì muốn ngồi với đám bạn ở nhà. Anh chiều em, nhưng kết thúc trận đấu lại bảo coi ở nhà mất hứng. Thế là em muốn nổi tam bành với ảnh giữa bạn bè.

Thậm chí hồi dịch COVID-19, ai ở nhà nấy mà chúng em sẵn sàng gây lộn qua tin nhắn chỉ vì khái niệm giãn cách xã hội, hoặc các vấn đề liên quan khu cách ly.

Tuy sau mỗi lần cãi nhau, cả hai đều chủ động làm lành rất nhanh. Nhưng thú thật với chị Hạnh Dung, điều em lo lắng nhất là chưa cưới mà đã như vậy, thì đến khi về ở với nhau sẽ như thế nào nữa? Em thật sự rất lo.

Nguyễn Ngọc Anh Thư (TPHCM)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa 

 

Anh Thư thân mến,

Cả hai em đều còn khá trẻ nên Hạnh Dung có thể nói ngay, chuyện cãi nhau giữa một đôi tình nhân sắp cưới là rất bình thường, mà đôi khi còn rất “có lý”, dù rõ ràng đó là điều không làm ai thấy thoải mái cả.

Ở đây, Hạnh Dung không bàn về khía cạnh tâm lý lứa tuổi và giới tính nữa, chỉ đưa ra những lời khuyên giúp các em có thể chuyển thói quen tranh cãi sang hướng tích cực. Từ đó, hy vọng em sẽ không còn lo lắng chuyện tiến đến hôn nhân.

Điều tích cực đầu tiên, chúng ta nên xem xung đột là thước đo mối quan hệ đang phát triển như thế nào. Cố đừng biến cuộc tranh luận sang hướng xúc phạm, coi thường, chế giễu “đối phương”. Đó là điều hoàn toàn không nên, bởi trong tình yêu và hôn nhân vẫn cho phép những “cuộc chiến lành mạnh”.

“Cuộc chiến lành mạnh” là gì? Là ngay sau đó, nó giúp tình cảm của em cải thiện và trở nên tốt hơn. Sau mỗi cuộc cãi vã, cần tìm cách làm hòa và đưa ra các nguyên tắc để xây dựng một mối quan hệ ngày càng hướng đến chiều sâu. Cần bảo đảm rằng cả hai luôn thể hiện bản thân một cách bình tĩnh mà không coi thường người yêu.

Trên thực tế, mọi cặp tình nhân, vợ chồng, dù yêu thương lãng mạn cỡ nào cũng đã không ít lần cãi nhau. Mối quan hệ của họ luôn phải trải qua các giai đoạn khó khăn nhất thời, vì những tranh luận và bất đồng quan điểm.

Trong trường hợp của em, việc tranh cãi ở mức độ thường xuyên thì cần xét xem cả hai có giữ ác cảm về nhau, về những gì người kia đã làm mà không biết mình sai?

Tương tự như vậy, tranh cãi về một vấn đề nhỏ đáng lẽ ra đã có thể giải quyết bằng cách khác, thì đó là dấu hiệu “cuộc chiến” không còn lành mạnh nữa, và hẳn nhiên mối quan hệ đang có vấn đề.

Ngược lại, việc cãi nhau liên tục với mục đích tốt lại được cho phép. Ví dụ tranh luận về các vấn đề gia đình, xã hội, niềm tin, công bằng hay mức độ quan tâm đến người khác… Nếu chưa từng cãi nhau vì những mục đích mang chiều kích cho đi, nghĩa là hai em không có sự giao tiếp sâu sắc hoặc chưa đủ thân thiết.

Các chuyên gia từng khuyên rằng, một trong nhiều liệu pháp giúp các cặp vợ chồng cải thiện mối quan hệ, là thỉnh thoảng họ nên cãi nhau. Bởi khi đó, những ước muốn của người này nơi người kia, các khác biệt, sở thích hoặc những điều không thích… liên quan đến hai cá nhân có xuất thân khác nhau có dịp được bộc lộ và thấu hiểu bởi người bạn đời.

Cãi nhau còn là dấu hiệu cho thấy hai em quan tâm đến nhau. Em có muốn anh ấy nói dối mình không? Chắc chắn là không. Vậy khi anh phàn nàn về điều gì đó, chính là dấu hiệu cho thấy người yêu muốn em điều chỉnh và trở thành một người tốt hơn. Anh ấy đã có thể phớt lờ khuyết điểm của em, và nếu anh làm như thế, rõ ràng là anh ít quan tâm đến em rồi.

Thỉnh thoảng tranh luận còn mang ý nghĩa hai em rất muốn ở bên cạnh nhau lâu dài. Ai cũng muốn tương lai người kia luôn hiện diện trong cuộc sống của mình, nên sẽ tranh luận về những điều mà cả hai cho là nguy cơ trở ngại, hay gây bất lợi cho mối quan hệ.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Một điều nữa, sau mỗi “trận chiến lành mạnh”, lại là cơ hội cao để cả hai gắn bó hơn. Và đó cũng sẽ là những kỷ niệm tuyệt vời sau này. Nhiều người đã khóc vì một điều ngớ ngẩn mà người yêu đã làm khiến cả hai cãi vã, giận dỗi, để rồi thấy bản thân khi ấy cũng quá trẻ con.

Chẳng hạn có anh chồng rất dễ nổi nóng với vợ vì cô nàng thường quên tắt đèn trước khi rời phòng, dù đã nhắc nhở nhiều lần. Thế là cãi nhau, người xem đó là chuyện nhỏ và ngược lại coi là chuyện to. Nhưng rồi một ngày nào đó, hai vợ chồng sẽ nhìn lại và cười xòa với nhau, vì điều đó đã không còn tái diễn nữa. Đó là một trong những lợi thế của “chiến đấu lành mạnh”. Nó giúp ta tạo ra sự gắn kết một cách bất ngờ.

Vì vậy, cãi nhau không phải lúc nào cũng là xấu trong một mối quan hệ. Miễn là em nên hướng mọi tranh cãi sang một “cuộc chiến lành mạnh”.

Dù ban đầu có nhiều khả năng tình cảm của cả hai sẽ đứng trước thử thách, nhưng “cuộc chiến lành mạnh” sẽ là những tranh luận nhằm mục đích cải thiện lẫn nhau. Nó giúp em củng cố tình yêu, sự thân mật và gắn kết. Và như thế, điều đó làm cho mối quan hệ của em phát triển mạnh mẽ ngay cả trong những thách thức.

Các em xứng đáng hạnh phúc, Hạnh Dung tin điều đó!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
  • Lê Ngọc Trân 29-12-2022 16:32:06

    Sau mỗi trận cãi nhau, đúng là mình hiểu hơn về người mình yêu. Có thể cuộc cãi vã chỉ diễn ra vài phút, nhưng tụi mình sẽ nhớ về giây phút đó nhiều hơn để thấy tình yêu của chúng mình thật đáng thương, đáng trân trọng.

  • Xexinso 29-12-2022 16:28:52

    Làm gì phải lo lắng em gái, cứ để mọi thứ cho thời gian và nghe lời khuyên của chị Hạnh Dung hehe

  • Nguyễn Tuyết Nhi 29-12-2022 16:22:43

    Cha nội nhà tôi có cái tật thường xuyên xì hơi và mỗi lần như vậy tôi rất khó chịu, rồi cãi vã. Nhưng nghĩ lại, thấy đây là lúc chúng tôi sống thật với nhau nhất bởi tôi cũng có những thói xấu mà ban đầu không dám lộ ra hoặc có lộ ra thì ảnh cũng bỏ qua. Nhưng giờ nhờ tranh cãi cái thói xấu của ảnh mà ảnh cũng giúp tôi hoàn thiện hơn.

    • Trần Ngọc Nữ

      Đúng là thời gian đầu, vợ chồng em cũng có xu hướng bỏ qua nhiều vấn đề hoặc khác biệt của nhau. Cuối cùng, những mâu thuẫn trong một mối quan hệ nổ ra và đó là lúc em và ảnh nghe được nhiều sự thật về nhau với tất cả những bất ngờ thú vị cũng như đáng xấu hổ cần sửa chữa.

    • Chu Quang Vĩnh

      Xung đột là điều cần thiết để củng cố sự thân mật trong quan hệ vợ chồng, đôi lứa. Yeah!

  • Nguyễn Minh Hùng 29-12-2022 16:12:37

    Lần đầu tiên được nghe "cuộc chiến lành mạnh" trong tình yêu. Đúng là rất cần và nó mang tính xây dựng cho phép mỗi người thể hiện quan điểm, thể hiện bản thân và như thế giúp cặp đôi tốt hơn thôi.Tôi cũng có lúc nhờ tranh cãi với vợ mà đã giải quyết những khác biệt đúng lúc, thấy đời trong sáng hơn và hiểu nhau hơn.

    • Liên Trần

      Một lý do khác nữa để "khuyến khích" việc cãi nhau trong mối quan hệ đôi lứa là củng cố lòng tin, hay có nghĩa là chúng ta đang trung thực với nhau.

  • Lâm Thiếu Trang 29-12-2022 16:07:11

    Đôi khi chị cũng đặt câu hỏi như em, liệu những cuộc cãi vã có bình thường không và ảnh hưởng đến mối quan hệ về lâu dài như thế nào. Cảm ơn em và Hạnh Dung!

  • Bagia_xitin 29-12-2022 16:03:57

    Đúng rồi lâu lâu cãi tí cho zui mấy bạn ơi...

    • MsLady Nga

      Cứ cưới nhau đi rồi biết, con cái, nhà cửa, chi phí sẽ khiến chả ông bà nào còn đủ thời gian tranh cãi về mấy cái chuyện cỏn con khi còn chưa lấy nhau.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI