Thiếu thuốc, vật tư… nhiều bệnh viện có nguy cơ phải ngừng hoạt động

24/02/2023 - 06:18

PNO - Nhiều bệnh viện lớn đang nằm trong tình trạng “cấp cứu của cấp cứu” khi hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế chỉ còn đủ dùng trong một vài tuần, một vài tháng.

Máy Pet CT tại Bệnh viện Bạch Mai đang ngừng hoạt động do hợp đồng theo phương thức xã hội hóa không được gia hạn - ẢNH: P.H.
Máy Pet CT tại Bệnh viện Bạch Mai đang ngừng hoạt động do hợp đồng theo phương thức xã hội hóa không được gia hạn - Ảnh: P.H.

Bệnh nhân khổ vì bệnh viện “thiếu đủ đường”

Cách đây 2 tuần, con trai anh N.N.P. (quận Hà Đông, TP Hà Nội) bị gãy tay và nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông để cấp cứu. Tuy nhiên, điều khiến anh P. bất ngờ là bác sĩ thông báo BV không có bột để bó tay cho trẻ. “Đại diện BV cho hay, do vướng mắc trong đấu thầu nên thiếu vật tư y tế. Vì vậy, gia đình phải đi mua bột ở chính trong quầy thuốc của BV để bác sĩ thực hiện”, anh N.P. thở dài.

Nhiều BV tuyến trung ương cũng đang kêu cứu trước tình trạng “thiếu đủ đường”. Tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/2, giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức - cho biết, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại BV chỉ còn đủ sử dụng trong khoảng 1 tuần nữa. BV đã họp nhiều lần để tháo gỡ nhưng chưa có lối ra.

Do hiện nay, các BV sử dụng máy đặt, máy mượn của các công ty. Các loại máy này đi kèm với hóa chất riêng. Khi hết hóa chất, nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ vi phạm pháp luật do rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vì mỗi loại máy sẽ đi kèm với hóa chất riêng do công ty sản xuất. Chính phủ hiện đã có Nghị quyết 144 để tháo gỡ nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. 

“Tôi biết nhiều BV đã thông báo tới tất cả khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, BV sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. BV Hữu nghị Việt Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo tháo gỡ sớm”, ông Trần Bình Giang nói. Ông cũng nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ thì các BV sẽ gần như không thể hoạt động.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, các vật tư tiêu hao phục vụ phẫu thuật cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết. Hiện nay, vấn đề giấy phép lưu hành với thuốc đã được tháo gỡ nhưng với vật tư tiêu hao vẫn gây khó cho các BV.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai - thì lo lắng trước tình trạng thiếu hụt về cơ sở vật chất, quỹ lương chi trả cho nhân viên. Do chênh lệch thu chi, hiện BV đã phải dùng đến Quỹ phát triển sự nghiệp, vay Quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên cho cán bộ y tế. Nguồn tài chính đãi ngộ cho nhân viên y tế thấp dẫn tới tình trạng nếu có BV nào mới thành lập, kể cả tư hay công thì lại có cán bộ của BV Bạch Mai rục rịch xin đi. 

Cần có hành lang pháp lý chuẩn 

Trước những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lãnh đạo bộ đang tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt. Liên quan tới vấn đề thiếu thuốc, nhờ có Nghị quyết 80 của Quốc hội cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024 vấn đề này đã cơ bản được giải quyết.

Về trang thiết bị y tế, hiện Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, sẽ giải quyết căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế như vướng mắc tại BV Hữu nghị Việt Đức và một số cơ sở y tế lớn. 

Bộ Y tế cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.

Về các chính sách đối với nhân lực ngành y tế, bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị, đó là đưa phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%. 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập và vấn đề phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông Trần Bình Giang cho rằng: “Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong khi đó, nhiều nội dung theo hướng mở. Chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật nhằm thực hiện Luật Khám chữa bệnh. Tôi rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ đạo, để luật đi vào cuộc sống”, ông băn khoăn.

Đồng quan điểm, ông Đào Xuân Cơ nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành y tế, các BV có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để chúng tôi tự tin khám chữa bệnh cho người dân”. 

Không thể để máy nằm kho chờ xử lý sai phạm

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận định: Để có thể tháo gỡ những khó khăn của ngành y tế hiện nay cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, phải tạo sự minh bạch bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách. Có rất nhiều văn bản do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám chữa bệnh gặp khó khăn. 

“Chúng ta nói giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh nhưng các cơ sở đó không đủ điều kiện, làm sao tự chủ toàn phần được. Tôi khuyến cáo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, với những máy móc, thiết bị do thực hiện cơ chế công - tư kết hợp mà có sai phạm thì đó là sai phạm của con người, không phải sai phạm của máy móc.

Chúng ta phải giải tỏa vấn đề này để có máy móc, thiết bị hiện đại chăm sóc sức khỏe nhân dân. Máy đắp chiếu nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, người dân thì không có máy móc thiết bị. Rồi việc nhập các vật tư, thiết bị y tế rất chậm do cơ chế không linh hoạt”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI