Tháng 12: nhiều vở diễn phục vụ miễn phí khán giả

05/12/2024 - 16:20

PNO - Trong tháng 12, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM triển khai chương trình tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM năm 2024.

Poster tuyên truyền vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của nhà hát Kịch TPHCM
Poster tuyên truyền vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của nhà hát Kịch TPHCM - đơn vị được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM giao nhiệm vụ kết nối, tổ chức các chương trình biểu diễn, quảng bá các tác phẩm chủ đề học tập Bác năm 2024.

Theo đó, 2 vở kịch là Cuộc hành trình tìm bức chân dung (kịch bản: Khánh Hoàng, đạo diễn: Hoàng Tấn) – nói về tấm lòng của nhân dân miền Nam, đặc biệt là các em thiếu nhi đối với Bác Hồ – và Câu hò đất mẹ (kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: nghệ sĩ ưu tú Hoàng Duẩn) – kể về cuộc đời hoạt động, chiến đấu và hy sinh của vợ chồng nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai – được chọn giới thiệu trong đợt này.

Cả Cuộc hành trình tìm bức chân dungCâu hò đất mẹ ngoài việc đạt giải cao tại giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (đợt 1, giai đoạn 2021 – 2025), đều gây tiếng vang tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Đây là 2 vở diễn đề tài truyền thống cách mạng được đánh giá cao ở nội dung tư tưởng lẫn hình thức dàn dựng giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người.

Cả 2 vở diễn đều có 10 suất diễn phục vụ cán bộ, đảng viên, học sinh - sinh viên và các tầng lớp nhân dân tại các cơ quan, trường học và các địa điểm phù hợp trên địa bàn TPHCM.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung sẽ đến vơis
Dự kiến, vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung sẽ diễn phục vụ cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM vào ngày 12/12.

Chương trình còn quảng bá: 7 tác phẩm âm nhạc, gồm các ca khúc Ba Đình còn vang vọng tiếng Người (nhạc Võ Thiên Lan - thơ Trần Thế Tuyển), Tháng 5 về nhớ Bác (nhạc Phạm Hoàng Long - thơ Thục Uyên), Học Bác tự phê bình, phê bình (tác giả Nguyễn Văn Sanh), Từng ngày trong tôi (Đỗ Anh Hùng), Lời Bác giục ta đi tới (Mai Trâm), Bước chân thế hệ mới (Huỳnh Đức), Xuân bến cảng (Huỳnh Khải); 2 tác phẩm văn học là bút ký Nhà văn và chữ tình gửi lại (Trình Quang Phú) và sách tham khảo Học và làm theo Bác (Nguyễn Minh Hải); 8 tác phẩm mỹ thuật với tranh màu nước Những người thuyền chài trong đội tự vệ Lệ Thủy (Bùi Quang Ánh), tranh thủy mặc Tiếng cười dưới tàng cây cổ thụ (Trương Lộ), Tiêm chủng COVID-19 (Lục Hà Kim), phù điêu Ngục tù Côn Đảo (Nguyễn Xuân Tiên), tranh mực và màu nước Cuộc sống (Trần Văn Hải), tranh lụa 117 năm (Trịnh Hoàng Anh Đức), Chắp cánh ước mơ (Nguyễn Thị Đỗ Quyên), và tranh sơn dầu Phong cảnh đảo Thạnh An - Cần Giờ (Trần Thu Hương).

Vở diễn Khát vọng ngày mai
Vở diễn Khát vọng ngày mai thể hiện những kỳ vọng về tuyến metro đang hoàn thiện.

Ngoài ra, trong tháng 12, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cũng đưa vở Khát vọng ngày mai (kịch bản: Trần Văn Hưng, đạo diễn: nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc) phục vụ các đối tượng học sinh - sinh viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn TPHCM.

Vở diễn được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đầu tư dàn dựng kể về sự vươn lên của TPHCM sau ngày đất nước thống nhất, mà tiêu biểu là nỗ lực xây dựng tuyến metro đầu tiên. Vở có sự tham gia của các diễn viên: Trịnh Kim Chi, Phương Bình, Trọng Hiếu, Trung Dũng, Đào Vân Anh, Nam Cường, Thụy Mười...

Đặc biệt, vào ngày 20/12, vở cải lương Người ven đô (kịch bản: Minh Khoa, chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ) sẽ được biểu diễn phục vụ tại Hóc Môn - quê hương “18 thôn vườn trầu” lừng lẫy, cũng chính là bối cảnh của vở cải lương kinh điển Người ven đô.

NS ƯT Lê Tứ và NS ƯT Võ Minh Lâm
NSƯT Lê Tứ và NSƯT Võ Minh Lâm trong vai Tám Khỏe và Bảy Đờn của Người ven đô - 2 hình tượng tiêu biểu cho người dân "18 thôn vườn trầu" nói riêng và những người dân Nam bộ kiên trung với cách mạng nói chung.

Ra mắt lần đầu trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 những năm đầu đất nước thống nhất, sau gần 50 năm, Người ven đô trở lại vẫn hừng hực khí thế, đồng thời có thêm nhịp thở của thời đại hôm nay qua dàn dựng hiện đại và diễn xuất đầy lửa của các nghệ sĩ: Phượng Loan, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Bảo Trí, Minh Trường…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI