Cảm xúc với "Cuộc hành trình tìm bức chân dung"

29/11/2020 - 12:07

PNO - Khi có thể khiến khán giả tin vào câu chuyện, tin vào các nhân vật thì tác phẩm sân khấu sẽ "sống" ổn, dù là bất cứ đề tài nào.

Cuộc hành trình tìm bức chân dung, vở diễn của tên tuổi đạo diễn "mới toanh": Hoàng Tấn đã tạo ấn tượng bất ngờ cho người xem trong suất diễn ra mắt tối 28/11. Bất ngờ hơn khi đây là tác phẩm báo cáo tốt nghiệp đạo diễn của Hoàng Tấn, là diễn viên của Nhà hát Kịch TPHCM.

Sau Dấu xưa của Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B, sân khấu TP lại có thêm một vở kịch dễ thương về một đề tài rất dễ rơi vào lối mòn và “hô khẩu hiệu”.

Vở diễn sử dụng màn hình chiếu gauze - kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng ở nhiều nhà hát trên thế giới.
Cuộc hành trình tìm bức chân dung mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho người xem

Cuộc hành trình tìm bức chân dung được tác giả Khánh Hoàng chấp bút từ những giai thoại về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến gian khó. Đặc biệt, khi Bác qua đời, nhiều địa phương dù trong vòng kìm kẹp vẫn tổ chức lễ truy điệu, lập đền thờ và bảo vệ toàn vẹn đền thờ Bác đến ngày hòa bình. Đến nay, hầu như tỉnh thành nào ở miền Nam cũng có đền thờ Bác Hồ. Điển hình như Cà Mau có đến 18 đền thờ Bác.

Bối cảnh chính của Cuộc hành trình tìm bức chân dung gói gọn trong các khu rừng đước của vùng đất Mũi - vùng tản cư của người dân từ ấp chiến lược và che chở cho các đội du kích bám rừng chiến đấu với kẻ thù.

Một ngày, nghe tin Bác Hồ mất, người dân bí mật lập đền thờ trong rừng. Đám nhỏ là Non, Đạm, Liêm, bé Ba, chỉ qua lời kể của ông nội, của má, của “chú Ba Bí thơ” và những người lớn mà “thương” Bác Hồ như người nhà, mong muốn biết Bác trông như thế nào để khắc tượng đặt lên bàn thờ của Người. Hành trình tìm bức chân dung Bác Hồ đầy cảm xúc của các bạn nhỏ bắt đầu từ lý do rất hồn nhiên ấy.

Diễn viên nhỏ tuổi với những hóa thân xuất sắc và trong trẻo, là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công cho vở diễn
Diễn viên nhỏ tuổi với những hóa thân xuất sắc và trong trẻo, là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công cho vở diễn

Chỉ năm diễn viên chính, một người lớn là nghệ sĩ Thanh Tuấn trong vai ông Ba gác rừng và 4 diễn viên nhí gồm Tiến Ngô, Tấn Phúc, Anh Duy và Xuân Nghi (trong độ tuổi từ 8 đến 17), vở kịch lôi cuốn không chỉ bởi các cuộc thoát hiểm đầy kịch tính của nhân vật chính trong mạch kịch mà còn từ diễn xuất tự nhiên và giàu cảm xúc của dàn diễn viên, nhất là các bạn nhỏ.

Bốn nhân vật nhỏ tuổi, mỗi người một tính cách: cậu bé Non chững chạc và giàu đức hy sinh; Đạm hệt như cái tên, điềm đạm, là cánh tay đắc lực giúp Non trông coi các em nhỏ; Liêm nghịch ngợm, nhát gan nhưng rất biết nghe lời; bé Ba hay khóc nhưng rất lém lỉnh, luôn được các anh bảo bọc.

Mặc dù đều có kinh nghiệm diễn phim, diễn sân khấu từ sớm nhưng khó ai ngờ các bạn nhỏ lại có thể vào vai “con em du kích” ở rừng “ngọt” đến thế. Một điểm cộng nữa là dù nhiều trường đoạn giao đãi với thoại khá nhiều nhưng lại không gây nhàm chán bởi ngữ điệu sinh động và diễn xuất linh động của các diễn viên.

Vở diễn sử dụng màn hình chiếu gauze - kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng ở nhiều nhà hát trên thế giới, diễn tạo được sự hòa hợp giữa bối cảnh ảo và sân khấu thực.
Vở diễn sử dụng màn hình chiếu gauze - kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng ở nhiều nhà hát trên thế giới, tạo được sự hòa hợp giữa bối cảnh ảo và sân khấu thực

Thanh Tuấn có thêm một vai diễn hay trong sự nghiệp diễn xuất khi thể hiện rất "duyên" hình ảnh một ông già Nam bộ phóng khoáng, bộc trực, vui tính mà đầy khí phách. Thanh Tuấn cho biết, thách thức lớn nhất với anh là nhân vật đại diện cho tấm lòng miền Nam hướng về Bác, những người dân miền Nam luôn mong một ngày thống nhất được đón Bác Hồ vào thăm nên không được “lên gân”, phải hết sức đời thường mới thuyết phục được khán giả tin vào nhân vật.

Cả năm diễn viên của Cuộc hành trình tìm bức chân dung đã làm được điều đó khi đưa các nhân vật của một giai đoạn lịch sử đã xa trở lại sống động và có được sự đồng cảm của người xem.

Hoàng Tấn cũng đã "mạnh tay" sử dụng kỹ thuật trình chiếu màn hình led và gauze (kinh phí khoảng 50 triệu/suất diễn) tạo bối cảnh 3D cho vở diễn. Cuộc hành trình tìm bức chân dung là vở diễn sân khấu đầu tiên của TP sử dụng kỹ thuật này. Việc kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa hình ảnh trình chiếu (dù đôi chỗ còn chưa mượt) và sân khấu thực mang lại cảm giác khá chân thật, sinh động cho bối cảnh, khắc phục được sự khô cứng và nhàm chán nếu chỉ sử dụng màn hình led.

Các diễn viên nhí: Tấn Phúc, Tiến Ngô, Duy Anh, Xuân Nghi, Thanh Tuấn và đạo diễn Hoàng Tấn.
Các diễn viên nhí: Tấn Phúc, Tiến Ngô, Duy Anh, Xuân Nghi, Thanh Tuấn và đạo diễn Hoàng Tấn

Từng là thế mạnh nhưng nhiều năm qua, các tác phẩm sân khấu đề tài truyền thống cách mạng dù vẫn được dàn dựng đều đặn nhưng lại hiện diện rất nhạt nhòa. Nhiều người cho rằng áp lực cuộc sống khiến khán giả cần nhiều hơn yếu tố giải trí thay vì lựa chọn xem những tác phẩm “nặng đầu”.

Tuy nhiên đã có được những tác phẩm như Cuộc hành trình tìm bức chân dung hay Dấu xưa thì vấn đề không phải ở đề tài khó mà ở cách thực hiện. Chỉ khi làm khán giả tin vào câu chuyện, tin vào các nhân vật thì tác phẩm sân khấu mới có thể sống ổn dù là bất cứ đề tài nào.

Đông A

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI