Thảm họa trách nhiệm

06/09/2019 - 06:55

PNO - Một vụ cháy có thể là thảm họa, có thể không, nhưng khi những người lẽ ra phải có trách nhiệm lại bỏ rơi người dân trong nỗi hoang mang, đó chắc chắn là một thảm họa.

Ngày đầu tiên sau vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, phóng viên chúng tôi được yêu cầu đến các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội với câu hỏi: liệu một vụ cháy cơ sở công nghiệp trong hơn 10 tiếng đồng hồ có thể được coi là thảm họa môi trường hay không?

Không có bất kỳ người phát ngôn nào của các cơ quan có trách nhiệm thuộc thành phố xuất hiện để trả lời câu hỏi đó. Bản tin chiều hôm ấy của chúng tôi chỉ có một cuộc phỏng vấn mà người trả lời là một nhà khoa học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông nói: “Dù chưa có số liệu cụ thể, ít nhất vụ cháy cũng phải được coi là một thảm họa môi trường ở quy mô nhỏ”. Thông tin đó rơi vào khoảng không, bởi không đủ sức nặng đối với cộng đồng.

Hôm sau, một khuyến cáo nguy hiểm được UBND phường Hạ Đình ban hành. Dù vẫn chưa có số liệu khoa học, ít nhất, những cán bộ phường Hạ Đình đã hình dung được khả năng người dân sinh sống trong phạm vi gần vụ cháy có thể gặp nguy hiểm, để đưa ra một khuyến cáo cần thiết cho sự an toàn về sức khỏe người dân. Rất tiếc, khuyến cáo ấy bị thu hồi ngay trong ngày.

Tôi hoàn toàn hiểu rằng, việc có những số liệu chi tiết để đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm của môi trường ngay sau vụ cháy là không hề dễ dàng. Nhưng tôi chắc chắn các cơ quan chuyên môn của TP.Hà Nội, như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế... có đủ khả năng để đưa ra các dự báo, với những mức độ khác nhau, để đề xuất thành phố ban hành một khuyến cáo cần thiết, để người dân có thể chủ động phòng ngừa nguy hiểm. Nhưng họ đã không làm thế.

Lựa chọn không phát ngôn dường như được mặc định là một cảnh giới khôn ngoan của một số người đủ thẩm quyền và lẽ ra phải có trách nhiệm đối với sự an nguy của người dân. Không chỉ riêng vụ cháy Rạng Đông, hầu như mọi hiện tượng bất thường trong đời sống dân sinh như chất lượng không khí, nước sinh hoạt có mùi lạ, thực phẩm bị nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, tin đồn bắt cóc trẻ em, cá chết đồng loạt... đều thiếu vắng những phát ngôn kịp thời, chứng cứ khoa học từ những người có đủ thẩm quyền phát ngôn.

Sự thiếu vắng những phát ngôn có trách nhiệm là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ trục lợi bằng việc phát tán tin giả để câu like, bán hàng dựa trên nỗi sợ hãi của người dân. Nhưng, cũng nhờ sự thiếu vắng đầy “khôn ngoan” ấy mà sau những sự cố dân sinh, không có bất cứ cá nhân nào phải đứng ra chịu trách nhiệm. Trách nhiệm đối với các sự cố dân sinh, nhờ đó, mà luôn là một khoảng mờ trong công tác quản trị xã hội và không có khả năng làm hỏng các bản báo cáo thành tích cuối năm của những cơ quan có trách nhiệm.

Trở lại với vụ cháy Rạng Đông, chính quyền TP.Hà Nội có thể đưa ra khuyến cáo như thế nào khi chưa có đủ những số liệu đo đạc chi tiết từ cơ quan chuyên môn? Thành phố có thể yêu cầu Công ty Rạng Đông báo cáo về lượng hàng hóa tồn kho, có thể yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự báo về mức độ ô nhiễm không khí sau vụ cháy, có thể yêu cầu Sở Y tế dự báo về nguy cơ nhiễm độc từ khói bụi của vụ cháy… để từ đó đưa ra những khuyến cáo cần thiết, quan trọng là kịp thời, để người dân chủ động phòng tránh rủi ro. Nhưng, nhiều ngày sau vụ cháy, vẫn không có khuyến cáo chính thức nào từ chính quyền thành phố được ban hành.

Thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi rất nhiều lý do khác nhau, mà đôi khi nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, việc đưa ra những thông tin cơ bản, để giúp người dân có cơ hội đánh giá về những lựa chọn cho sự an toàn của bản thân sau thảm họa là trách nhiệm tối thiểu của một bộ máy quản trị đô thị. Vì thế, khi chính quyền thành phố im lặng trước thảm họa, họ đã từ bỏ trách nhiệm của mình đối với người dân.

Một vụ cháy có thể là thảm họa, có thể không, nhưng khi những người lẽ ra phải có trách nhiệm lại bỏ rơi người dân trong nỗi hoang mang, đó chắc chắn là một thảm họa. 

Phạm Trung Tuyến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI