Tâm sự của F0: Vì sao tôi sống?

23/09/2021 - 06:00

PNO - Vậy đó, tôi còn lưu luyến cái cuộc đời thật đẹp này, chưa nỡ ra đi, đành để khách “Cô-Vy” đi trước. Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.

Mời bạn chia sẻ câu chuyện chiến đấu với bệnh tật, vượt qua nghịch cảnh của mình và người thân cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

Các bài được chọn sử dụng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.

 

Trước khi là F0, tôi có dấu hiệu cúm. Tôi khai báo y tế điện tử, báo tổ dân phố và tự cách ly trong phòng. Lúc này thành phố đang trong thời gian giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”. Sau nhà có tiệm thuốc tây, tôi hỏi mua dụng cụ test nhanh đã ba ngày song chưa có hàng. Tôi chỉ còn chờ y tế phường đến test.

Tôi ngủ vùi từ sáng đến tối, từ tối đến sáng khi sốt và nhức đầu cứ liên tục đều đều từng cơn. Khi khỏe khỏe, tôi mở Zalo hỏi anh tổ trưởng khu phố khi nào tôi được test. Anh nhẹ nhàng bảo: “Anh không biết nữa. Khi nào họ đến thì anh báo em!”. Tôi lại chìm vào giấc ngủ của một cơn sốt khác. 

Rồi má tôi đưa cho tôi dụng cụ test nhanh, kể rằng anh tổ trưởng xách xe chạy vòng quanh các con đường trong phường tìm mua cho tôi. 

Khi test dương tính, tôi khai lại tờ khai y tế điện tử, báo y tế phường, khu phố, tổ dân phố… Tôi chính thức là F0 với sự chăm sóc đặc biệt của mọi người từ đó.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Trước hết là “thầy lang” tại gia - má tôi - người được “đào tạo” thông qua mạng xã hội, ti vi, báo đài... Tôi được “thầy” cung cấp đầy đủ các loại thuốc, dụng cụ y tế, từ giảm đau hạ sốt, vitamin C, thuốc xịt mũi, nước muối súc miệng đến nhiệt kế, máy đo nồng độ ô-xy trong máu…

Một người được đào tạo qua mạng xã hội suốt ba tháng như má sẽ phải biết nhiều hơn một đứa ngồi lướt mạng có 15 phút/ngày mà còn chỉ đọc mỗi cái tiêu đề là tôi.

Do đó, tôi không nên cãi lại bất kỳ điều gì. Vả lại, bạn cần phải tôn trọng người lớn tuổi, đừng đòi hơn thua “thầy” khi  “thầy” ép xông, ép ăn, ép uống… COVID-19 dạy tôi tiết kiệm, tiết kiệm từng hơi thở.

“Thầy” nói gì tôi cũng im lặng ra điều chấp thuận. Mấy ngày đầu, “thầy” cứ bê nguyên nồi nước lá lên phòng bắt xông phỏng cả mũi. Trong nhà lúc đó, người trẻ nhất là tôi thì nằm một chỗ, còn hai người cao tuổi chạy tới chạy lui cung cấp thực phẩm, thuốc men cho tôi. 

Tiếp đến là chị bán thuốc tây sau nhà, chị liên hệ được một tổ chức thiện nguyện. Họ cho tôi một bịch bự mấy loại thuốc dành cho F0 thể nhẹ tại nhà. Chị nhờ má tiếp tế cho tôi.

Từ đó, ngày nào tôi cũng được uống si-rô ho, thứ thuốc tôi nhớ lúc nhỏ khi nào bệnh cũng được uống, ngọt lịm. Còn vitamin C thì tôi thay bằng nước cam, thuốc giảm đau hạ sốt thì khi nào chịu đựng hết nổi tôi mới đụng tới.

Chị ấy còn dặn má tôi, khi nào tôi cần thở ô-xy là báo chị ấy liền. Chị ấy có nguồn cung nhanh, miễn phí, gọi chị ấy 24/24 đều được.

Có anh bác sĩ mới ra trường ở đối diện xéo với nhà tôi. Ngày nào anh cũng xách xe chạy sang quận kế bên làm nhiệm vụ trong đội “phản ứng nhanh”. Khi nghe tin tôi bị nhiễm, anh ấy qua hỏi thăm má tôi. Anh ấy cho số điện thoại, dặn nếu tôi khó thở là gọi liền, anh sẽ nghe điện thoại 24/24.

Cứ độ hai, ba ngày là xóm tôi lại có rau củ quả do mạnh thường quân tài trợ. Anh tổ phó với tướng đi bệ vệ và giọng oang oang đầy năng lượng của dân xứ Quảng gõ cửa từng nhà trong xóm kêu ra nhận quà.

Anh tổ trưởng nhẹ nhàng, ngọt ngào trong chất giọng xứ Huế nhưng rõ ràng, dứt khoát với các thủ tục, quy định phòng dịch. Tôi nằm một chỗ trong phòng, lơ mơ ngủ, nhưng tôi nghe hết, biết hết.

Cái tình người nó chỉ đợi cơ hội là trào ra thôi. Tôi được các thiên thần, các vị bồ tát, các anh hùng thầm lặng… mang tên người thân, chòm xóm láng giềng quan tâm, chia sẻ, theo dõi sát sao 24/24 giờ rồi, tôi đâu cần gì thêm. 

Còn nhiều nhiều nữa... và còn một nhân vật nữa đi cùng tôi xuyên suốt cuộc hành trình, đó là thiền định. Khi bệnh thì tôi chẳng thể thực hành thiền được, tôi chỉ biết ngủ. Nhưng việc thực hành thiền định nhiều năm trước đó, giúp tôi có một tâm thế vững vàng, một tinh thần lạc quan... để “tiếp khách COVID” và yên tâm ngủ.

Vậy đó, tôi còn lưu luyến cái cuộc đời thật đẹp này, chưa nỡ ra đi, đành để khách “Cô-Vy” đi trước. Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.

Đó là vì để làm chứng nhân kể lại những câu chuyện tình người thời “Cô-Vy” mà tôi có một phần vai trong đó. Tôi phải sống để viết bài này, để kể về những anh hùng thầm lặng, những ánh sao sáng ngời của lòng tôi. Chúng ta, những tâm hồn tràn đầy tình yêu thương và lòng nhân ái… 

Ngân Thạnh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI