Tài xế vẫn chạy ẩu trên đèo Hải Vân bất chấp cảnh báo nguy hiểm

09/01/2019 - 07:01

PNO - Nhiều tài xế lái xe khách, xe chở xăng dầu, người chạy xe máy thường bỏ qua biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm đen giao thông trên đèo Hải Vân.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trên tuyến đèo này có dấu hiệu tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm 2018.

Ngày 20/12/2018, xe bồn chở xăng do anh Nguyễn Khanh (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển cùng phụ lái đồng hương là Đào Trọng Bình (cùng quê Hà Tĩnh), di chuyển trên đèo Hải Vân hướng từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đi TP.Đà Nẵng. Qua đỉnh đèo khoảng 1km, do phớt lờ biển báo nguy hiểm ở khúc cua khuỷu tay, xe này đã va chạm với xe bồn biển số tỉnh Quảng Trị do tài xế Nguyễn Hữu Tình (34 tuổi) điều khiển, chạy hướng ngược lại khiến tài xế xe bồn tử vong.

Tai xe van chay au tren deo Hai Van bat chap canh bao nguy hiem
Hiện trường vụ xe khách chở sinh viên Trường cao đẳng Kiên Giang lao xuống vực đèo Hải Vân ngày 8/1.

Trước đó, ngày 20/11/2018 do mưa lớn kéo dài làm một khối đá lớn nặng khoảng 10 tấn sạt từ trên núi xuống, chắn ngang đoạn đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Hải Vân, đoàn tàu SE3 và nhiều đoàn tàu khác phải dừng chờ khắc phục sự cố. Mặc dù cơ quan chức năng đã thiết lập hai biển báo nguy hiểm chặn ngang đầu để giải tỏa mặt đường, nhưng một đoàn du khách đi phượt bằng xe máy liều lĩnh vượt qua biển cảnh báo. Kết cục, một xe đã té ngay vào triền núi khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Chiều 8/1, 21 sinh viên Trường cao đẳng Kiên Giang gặp nạn trên đèo Hải Vân, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó một nữ sinh tử vong, 9 sinh viên bị thương nặng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế Trương Anh Minh - 48 tuổi, ngụ tại P.3, TP.Sóc Trăng, điều khiển xe khách biển số 51B - 229.30 - bị mất phanh ngay khúc cua ngặt trong khi đang vượt xe cùng chiều, bất ngờ gặp phải xe chạy ngược chiều. Tuy nhiên, nhiều tài xế có kinh nghiệm lái xe du lịch trên đèo Hải Vân cho rằng, nếu tài xế Minh chú ý quan sát biển báo đặt gần khu vực đổ đèo và chạy với tốc độ chậm thì đã làm chủ tốc độ và tai nạn đã không xảy ra.

Không cơ quan chức năng nào khuyến khích việc chạy xe trên tuyến đường đèo Hải Vân ngoằn ngoèo hơn 20km vì bây giờ đã có hầm đường bộ, nhưng vẫn có nhiều tài xế thích chạy trên đường đèo để khách trải nghiệm sự mạo hiểm và tham quan di tích lịch sử đỉnh Hải Vân Quan.

Thượng tá Võ Hồng Quang - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, từ ngày 2/9 - 30/12/2018, cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 10 đợt cao điểm tuần tra, xử lý xe tải, xe chở xăng dầu, xe du lịch vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi qua đèo Hải Vân (đoạn thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã kiểm tra gần 1.000 lượt phương tiện, phát hiện 250 xe vi phạm, trong đó có gần 60 trường hợp xe chở khách du lịch vi phạm biển báo, biển cấm ở khu vực cùi chỏ, đoạn ôm cua nguy hiểm, đặc biệt là biển báo hai đầu ở đỉnh đèo.

Thượng tá Quang nói: “Lâu nay, cứ thấy đường đèo Hải Vân thông thoáng, nhiều lái xe bất chấp biển cảnh báo về tốc độ, phóng nhanh lên khu vực đỉnh đèo để cho khách dừng lại chụp hình lưu niệm, trong khi đường đèo lại quanh co, độ dốc lớn, rất dễ trơn trượt, mất phanh, hỏng xe. Trong 2 tháng qua, có 4 trường hợp mất lái, lao vào núi khiến 4 người tử vong”.

Liên quan đến vụ tai nạn của sinh viên Trường cao đẳng Kiên Giang, sau hơn 4 giờ cứu nạn, đến 17g ngày 8/1, chiếc xe khách mang biển số 51B - 229.30 đã được đưa ra khỏi hiện trường, giao thông trên đèo Hải Vân đã bình thường trở lại.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI