Tại sao số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc ít hơn ở Ý?

18/03/2020 - 10:00

PNO - Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến xấu, người Mỹ chú ý nhiều đến việc cải thiện tính khả dụng của xét nghiệm chẩn đoán, và mặc dù xét nghiệm có tác dụng làm giảm nguy cơ lây truyền, nhưng mối quan tấm lớn nhất là sống sót sau khi mắc bệnh.

Tại sao Hàn Quốc có quá ít ca tử vong do coronavirus trong khi Ý lại quá nhiều?
Tại sao Hàn Quốc có quá ít ca tử vong do coronavirus trong khi Ý lại quá nhiều?

Theo CNN, kết nối xét nghiệm với tỷ lệ tử vong có vẻ đơn giản, nhưng nó có thể làm bộc lộ lý do khác biệt giữa hai điểm nóng COVID-19 trên thế giới là Hàn Quốc và Ý.

Ở Hàn Quốc, tỷ lệ xét nghiệm khá cao (tính đến ngày 8/3 là 3.692 xét nghiệm trên một triệu người), nhưng tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh khá thấp (khoảng 0,6%, hoặc 81 trường hợp tử vong cho đến nay).

Ngược lại, Ý chỉ xét nghiệm cho khoảng 826 người trên một triệu người, nhưng tỷ lệ tử vong của những người được chẩn đoán nhiễm bệnh cao hơn khoảng 10 lần, đến nay đã có 2.503 người chết vì đại dịch.

Trong khi đó, ở Mỹ có rất nhiều câu chuyện về việc người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp không được các phòng khám xét nghiệm vì thiếu dụng cụ hoặc không phù hợp với tiêu chí xét nghiệm, khiến nhiều người lo lắng rằng thiếu xét nghiệm sẽ kéo theo tỷ lệ tử vong cao.

Nhưng chúng ta hiểu rõ rằng xét nghiệm nhiều hơn sẽ cứu mạng người bằng cách ngăn ngừa lây lan virus, chứ không phải để bác sĩ bắt tay vào điều trị sớm hơn. Vì quan điểm “điều trị sớm” chỉ có tác dụng khi đã có thuốc chữa bệnh hiệu quả, ví dụ cho uống kháng sinh sớm khi nhiễm trùng huyết cơ may sống sót sẽ cao hơn là phải chờ quá lâu.  

Căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) chưa có cách điều trị cụ thể, nhưng nó giết người bằng các triệu chứng lâm sàng quen thuộc.

Vậy tại sao tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc, quốc gia quan tâm đến xét nghiệm, là thấp còn ở Ý, nơi chậm trễ trong xét nghiệm, lại cao? Có phải xét nghiệm đưa những bệnh nhân nhẹ vào nhóm “nhiễm virus”, đã làm loãng tác động của thống kê? Không phải như vậy, vì cho đến nay là vì sự khác biệt lớn là ở những bệnh nhân bị ảnh hưởng, cũng như ở đội ngũ y, bác sĩ điều trị.

Người ta biết rằng dân số Ý có sự khác biệt với nhiều nơi trên thế giới. Theo báo cáo năm 2015 của Liên Hợp Quốc, 28,6% dân số Ý từ 60 tuổi trở lên (đứng thứ hai thế giới sau Nhật Bản, 33%). Đây là điểm khác biệt quan trọng, vì số người Hàn Quốc trên 60 tuổi chỉ chiếm 18,5% dân số, đứng thứ 53 trên toàn cầu.

Tác động của sự chênh lệch này nhanh chóng được thể hiện trong phân tích các trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19  ở mỗi địa phương trong từng nước. Ở Ý, 90% trong số hơn 1.000 ca tử vong xảy ra đối với những người 70 tuổi trở lên.

Ngược lại, dịch bệnh ở Hàn Quốc tác động đến các bệnh nhân trẻ hơn nhiều. Ở đây, chỉ có 20% trường hợp được chẩn đoán nhiễm bệnh ở những người trên 60 tuổi. Nhóm bị ảnh hưởng lớn nhất ở Hàn Quốc là những người ở độ tuổi 20, chiếm gần 30% trong tổng số các trường hợp.

Tiếp theo là giới tính. Sự phân chia giới tính trong các trường hợp COVID-19 trên toàn thế giới vào khoảng 50-50, nhưng có sự khác biệt về giới trong sinh tồn. Theo dữ liệu từ tâm dịch ban đầu ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong chung là 4,7% ở nam so với 2,8% ở nữ - một sự khác biệt lớn. Ở Hàn Quốc, 62% trường hợp nhiễm bệnh là phụ nữ.

Những khác biệt về nhân khẩu học cơ bản trên giải thích sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, cũng như giúp giải thích lý do tại sao thành phố Seattle, với sự bùng phát bệnh ở nhà dưỡng lão, lại chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp tử vong do đại dịch ở Mỹ.

CNN nói rằng, nước Mỹ có thể rút ra điều gì đó qua trường hợp của Hàn Quốc và Ý để có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến chống dịch của mình, đã đến lúc tập hợp một hội đồng chuyên gia gồm bác sĩ lão khoa, nhà khoa học xã hội, chuyên gia điều trị tích cực để tìm ra cách bảo vệ tốt nhất và khi cần thiết, điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp ở người lớn tuổi.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI