Tại sao bác gái của bệnh nhân thứ 17 mắc COVID-19 bị tổn thương vùng rìa trước khi vào trung tâm phổi?

05/05/2020 - 16:30

PNO - Từng 3 lần ngừng tim, bác của bệnh nhân thứ 17 hiện đang có tiến triển tích cực, dự đoán sẽ được ra viện trong vài ngày tới.

Bác bệnh nhân số 17 từng 3 lần ngừng tim đã thoát cửa tử một cách kỳ diệu (ảnh minh họa)
Bác gái của bệnh nhân thứ 17 từng 3 lần ngừng tim đã thoát cửa tử một cách kỳ diệu. Ảnh minh họa

Ngày 5/5, GS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) - cho hay, bệnh nhân thứ 19 (bà L.T.H., 64 tuổi, bác của bệnh nhân thứ 17 N.H.N., 26 tuổi, ở Trúc Bạch, Hà Nội) có thể được ra viện trong vài ngày tới.

Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh nặng, thời gian nằm điều trị lâu nhất trong số các bệnh nhân COVID-19. Tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân này đã nhập viện gần 2 tháng.  

Trước đó, bệnh nhân thứ 19 trải qua những ngày nguy kịch, phải can thiệp ECMO liên tục suốt 17 ngày, có tổn thương phổi. Tuy nhiên, nhờ giám sát, theo dõi cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân này thoát “cửa tử” một cách kỳ diệu. Hiện sức khoẻ của bà có nhiều tiến triển, không còn phải can thiệp ECMO từ ngày 6/4.

Sau khi bỏ ECMO, bệnh nhân xuất hiện 3 lần ngừng tim, tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong.

Tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã được tháo ống thở, tự ăn, và liên tục cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. “Có thể vài hôm nữa bệnh nhân sẽ được ra viện” - GS Kính thông tin.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng nhận định, nếu không có gì thay đổi, vài ngày tới, bệnh nhân thứ 19 sẽ được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm, sức khỏe tốt lên. Không chỉ ăn, uống được mà bà còn có thể nói chuyện, giao tiếp tốt. 

PGS Nguyễn Văn Kính chia sẻ tin vui về bác của bệnh nhân số 17
PGS Nguyễn Văn Kính chia sẻ tin vui về bác của bệnh nhân thứ 17

Liên quan tới quá trình điều trị cho bệnh nhân thứ 19, GS Kính cho biết, về mặt lâm sàng tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2 rất khác virus gây bệnh SARS, hay cúm mùa. Virus SARS-CoV-2 làm tổn thương rìa phổi trước, sau đó mới lan dần vào khu trung tâm.

Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao thời gian đầu mắc bệnh, nhiều bệnh nhân COVID-19 thường không có biểu hiện rõ ràng. Lưu lượng oxy của bệnh nhân vẫn duy trì ổn định, trao đổi bình thường với cơ thể. Nhưng sau đó rất nhanh, từ những nốt tổn thương mờ, tập hợp thành nhiều nốt, dần dần sẽ làm bệnh nhân suy hô hấp.

Theo GS Kính, với các bệnh nhân nặng như ca 19 thì việc điều trị ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào mức độ, biểu hiện bệnh. 

Đề cập tới các trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2, GS Kính cho biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiến hành nuôi cấy virus và kết quả đều là âm tính.

"Với kết quả nuôi cấy như thế, một giả thuyết đặt ra, đây có thể là test phát hiện những phần, mảnh ARN của virus. Hay đó là "xác virus" trong quá trình thải loại virus ra khỏi cơ thể" - GS Kính phân tích. Do đó, những ca tái dương tính tại bệnh viện này hoàn toàn không phải là người lành mang trùng như một số chuyên gia nhận định. Bởi muốn là "người lành mang trùng" thì virus phải sống, quá trình nuôi cấy phát hiện virus còn phát triển được.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI