Tai nạn từ vụ cháy xe bồn: Bi kịch từ nhiều sai phạm

23/11/2018 - 06:12

PNO - Giá như có sự tôn trọng quy định pháp luật, cũng như tôn trọng sự an toàn về tính mạng, tài sản, có lẽ đã không có quá nhiều thiệt hại về người và nhà cửa trong vụ cháy xe bồn vừa xảy ra.

Không ai muốn tai nạn xảy ra, càng không ai muốn tai nạn ấy để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng giá như có sự tôn trọng quy định pháp luật, cũng như tôn trọng sự an toàn về tính mạng, tài sản, có lẽ đã không có quá nhiều thiệt hại về người và nhà cửa trong vụ cháy xe bồn vừa xảy ra.

“Hành lang an toàn đường bộ” gần bằng 0

Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Dọc Quốc lộ 13 và nhiều quốc lộ đồng cấp khác, nhà dân, cửa hàng nằm sát ngay mép đường

Điều 15 Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã nêu rõ giới hạn hành lang an toàn đường bộ cho từng loại đường khác nhau, trong đó, với loại đường như Quốc lộ 13 chạy qua xã Minh Hưng, H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước  - nơi vừa xảy ra vụ cháy xe bồn làm 6 người thiệt mạng, 19 ngôi nhà bị cháy - hành lang an toàn của tuyến đường là 17m.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trên toàn tuyến Quốc lộ 13, từ điểm đầu thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM đến điểm cuối tại cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), không có điểm nào đảm bảo hành lang an toàn 17m mỗi bên.

Tại hiện trường vụ tai nạn xe bồn, vỉa hè nơi đây rộng khoảng 5m nhưng các hộ dân đã dựng nhà sát đó, thậm chí lắp mái che cố định vươn ra thêm 2 - 3m; một số hộ còn cơi nới bằng các cọc sắt cố định để treo biển quảng cáo, vật dụng buôn bán hoặc để xe lấn chiếm vỉa hè từ 2 - 3m. 

Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Các cửa hàng xe máy trưng bày xe lấn chiếm vỉa hè là điều dễ bắt gặp tại thị trấn Chơn Thành
Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Các loại xe lớn thường đậu lấn chiếm làn đường xe máy trên Quốc lộ 13.

Nếu ở khu vực này, người dân chấp hành đúng quy định về đảm bảo hành lang an toàn đường bộ là 17m, khi xe bồn tông vào trụ điện và lật, xăng dầu chảy tràn ra đường bốc cháy, cũng khó có thể lan vào đến nhà dân, gây cháy và làm chết quá nhiều người. “Ở mặt tiền đường thì tấc đất tấc vàng mà, thôi thì trời kêu ai nấy dạ chứ biết làm sao” - chủ một quán cà phê gần hiện trường vụ tai nạn ở xã Minh Hưng nói.

Theo quan sát của chúng tôi, trên Quốc lộ 13 đoạn qua thị xã Thuận An, H.Bến Cát (tỉnh Bình Dương) hay thị trấn Chơn Thành (H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), hành lang an toàn hầu như… không còn gì để lấn chiếm. Nhiều căn nhà, cửa hàng, công ty, hàng quán lấn chiếm sát mép đường để bày biện hàng hóa, giữ xe. Nhiều cửa hàng bán xe máy xếp xe dàn kín vỉa hè, ra đến tận lề đường cả ngày lẫn đêm. Đã vậy, các loại ô tô còn dừng đậu vô tội vạ trên làn đường dành cho xe máy ở cả hai hướng lưu thông càng khiến đường đã không có hành lang an toàn, càng bị thu hẹp.

Trên Quốc lộ 1K nối Q.Thủ Đức, TP.HCM với H.Dĩ An, tỉnh Bình Dương và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hai bên đường, nhà cửa san sát ngay gần mép đường, vỉa hè chỉ còn 1 - 3m nhưng cũng bị chiếm dụng. Nếu có một vụ lật xe bồn tương tự, thiệt hại về người và tài sản chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. 

Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Các cửa hàng xe máy trưng bày xe lấn chiếm vỉa hè là điều dễ bắt gặp tại thị trấn Chơn Thành
Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Những cửa hàng nằm ngay mép Quốc lộ 13

Những căn nhà “không lối thoát”

Một nguyên nhân khác cũng khiến hậu quả vụ tai nạn trên thêm nghiêm trọng là kiểu làm nhà ống hai bên đường. Hầu hết các ngôi nhà đều chỉ làm một cửa chính, không có cửa phụ phía sau hoặc lối thoát hiểm nên khi chiếc xe bồn lao đến và gây ra cháy, ngọn lửa đã phong tỏa cánh cửa duy nhất của ngôi nhà, rất khó để thoát ra ngoài nếu không có lực lượng cứu hộ.

Như trường hợp của gia đình anh Võ Chí Công (người có căn nhà bị cháy trong vụ lật xe bồn), thời điểm xảy ra hỏa hoạn, phần cửa trước của ngôi nhà đã bị ngọn lửa phong tỏa, anh Công chỉ còn cách đưa vợ con chạy vào nhà vệ sinh “cố thủ” bằng khăn ướt và… cầu trời.

Cho đến khi hàng xóm nghe tiếng kêu cứu, chỉ dẫn lực lượng cứu hộ đến phá tường, cả gia đình anh mới thoát khỏi biển lửa đang trùm cửa trước.

Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai phamCác ngôi nhà đồng thời là ki ốt buôn bán trong vụ hỏa hoạn đa số không có cửa thoát hiểm phía sau.

Hay đau lòng hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (36 tuổi) tử vong cùng 2 con là Lê Ngọc Kim Ngân (6 tuổi), Lê Hoàng Anh (15 tuổi) và người bạn tới chơi ngủ lại qua đêm là Nguyễn Thị Thắm (36 tuổi).

Căn nhà thuê này được thiết kế phía trước làm tiệm tóc, phần còn lại xây tường bít bùng, làm bếp và chỗ ngủ. Khi chiếc xe bồn lao vào tông cột điện rồi lật, xăng dầu tràn ra gây hỏa hoạn thì lối thoát hiểm duy nhất của 4 người đã bị ngọn lửa án ngữ, bao trùm.

Khi lực lượng chức năng phá bức tường phía sau ngôi nhà, 4 thi thể được phát hiện tại nơi dùng làm nhà bếp, kế bức tường xây kín. 

Liên quan đến vụ cháy xe bồn làm 6 người thiệt mạng, 19 ngôi nhà bị thiêu rụi xảy ra tại xã Minh Hưng, H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, chiều 22/11, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - khẳng định, chiếc xe bồn chạy với tốc độ rất nhanh. Vận tốc của xe bồn thời điểm 4g32 là 99km/giờ và 1 phút sau đó là 0km/giờ trong khi vận tốc cho phép lưu thông trên Quốc lộ 13 qua khu vực hiện trường chỉ 60km/giờ.

Về chiếc xe ba gác liên quan vụ tai nạn, ông Hùng cho rằng, cần kiểm tra điều kiện pháp lý tham gia giao thông và giấy phép lái xe của ông Bùi Thanh Vĩnh vì từ năm 2013, các xe 3 bánh tự chế không được đăng ký, không được cấp biển số sẽ không được phép tham gia giao thông.

Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Những hàng cột sắt, biển hiện lấn chiếm vỉa hè Quốc lộ 13 cháy rụi sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng 
Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Phạm vi lấn chiếm của các ngôi nhà ra đến dưới các trụ điện.
Tai nan tu vu chay xe bon: Bi kich tu nhieu sai pham
Tình trạng xe cộ lưu thông hỗn loạn trên quốc lộ 13.

Giới hạn hành lang an toàn đường bộ

Theo điều 15, Nghị định số 11/ 2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/2/2010, hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn này được quy định như sau:
1. Đối với đường ngoài đô thị: căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là:
a) 47 mét đối với đường cao tốc;
b) 17 mét đối với đường cấp I, cấp II;
c) 13 mét đối với đường cấp III;
d) 09 mét đối với đường cấp IV, cấp V;
đ) 04 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.
2. Đối với đường đô thị, bề rộng hành lang an toàn được tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với đường cao tốc đô thị, bề rộng hành lang an toàn là 40 mét.
3. Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt thì phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt, nhưng ranh giới hành lang an toàn dành cho đường sắt không được chồng lên công trình đường bộ. Trường hợp đường bộ, đường sắt liền kề và chung nhau rãnh dọc thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía nền đường cao hơn, nếu cao độ bằng nhau thì ranh giới hành lang an toàn là mép đáy rãnh phía đường sắt.
4. Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa thì ranh giới hành lang an toàn là mép bờ tự nhiên.

Lê Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI