Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston: Bản giao hưởng hòa bình

01/11/2022 - 07:23

PNO - Chọn thể loại tiểu thuyết để tái dựng cuộc đời của một nhà cách mạng, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã khiến người đọc rung động với hình tượng ẩn dụ ngay từ chương đầu tiên

1. Năm 2017, nhạc sĩ Võ Đăng Tín - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - nhận lời mời từ Nhật Bản, tham gia liên hoan nhạc giao hưởng châu Á tại Tokyo. Đoàn Việt Nam đã biểu diễn tác phẩm Ký ức Đồng Khởi với lời đề tặng của tác giả: “Kính tặng quê hương, cha mẹ và đồng đội trong cuộc Đồng Khởi tại Bến Tre”. Ký ức Đồng Khởi là bản giao hưởng được nhạc sĩ Võ Đăng Tín sáng tác vào năm 1982, viết cho những năm thập niên 1960, trong giai đoạn cao trào của cách mạng miền Nam. 

“Khán phòng bỗng lặng im khi tiếng nhạc vang lên, người nghe chợt nhận ra một vùng sông nước mênh mông có những cù lao dài rộng. Một đất nước êm đềm bình dị với những rừng dừa ngút ngàn xanh tươi mát rượi, những người dân chân quê, mưa nắng lam lũ trên đồng ruộng và vườn cây trái. Tiếng nhạc bỗng vút lên dồn dập với tiếng trống cao trào như sóng vỗ ngoài biển xa, như giông tố ào ạt ập đến, bóng những con tàu chiến đen trũi chạy trên những dòng sông nã súng pháo ầm ầm…” - nhà văn Đỗ Viết Nghiệm viết trong tác phẩm văn học Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2020; cùng năm, tác phẩm được trao giải B Giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh). Và đó cũng là chương cuối cho cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang, viết về nhà cách mạng kiên trung - một người con của vùng đất Bến Tre: đồng chí Võ Văn Phẩm (Tám Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt; giai đoạn 1977-1979, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre). 

Tác phẩm Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston
Tác phẩm Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston

2. Chọn thể loại tiểu thuyết để tái dựng cuộc đời của một nhà cách mạng, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã khiến người đọc rung động với hình tượng ẩn dụ ngay từ chương đầu tiên: Tiếng khóc của sông. Một ông già tóc bạc phơ ngồi câu cá trên sông Ba Lai hỏi hai người trẻ tuổi: “Các con đã nghe sông khóc bao giờ chưa?”. Dòng sông chừng như đã luôn có tiếng khóc từ hơn nửa thế kỷ trước, khi người dân miền sông nước Hàm Luông phải sống trong lo sợ, lúc nào cũng có thể bị bắt, bị giết bởi thực dân và tay sai. Từ vùng đất của những dòng sông ấy, có chàng thiếu niên Tư Cồi rời mảnh đất xứ dừa, đến Thủ Dầu Một (Bình Dương) và bắt đầu cuộc đời của phu trồng cao su. Nhờ biết tiếng Pháp, cậu nhanh chóng được nhận làm thư ký cho người Pháp và trở thành người truyền tin tức cho tổ chức Công đoàn tự vệ đỏ cách mạng. Từ đó, góp phần cho cuộc nổi dậy của phu cao su giương cao khẩu hiệu “đánh Pháp, đuổi Nhật”, và bắt tên tay sai ác ôn phải đền tội. 

Năm 1943, Tư Cồi về lại quê nhà, tiếp tục hoạt động cách mạng nhưng với bí danh khác là Tám Chữ. Được tổ chức cài vào Đoàn Thanh niên Tiền phong - tổ chức do Nhật dựng lên với âm mưu đưa thanh niên người Việt vào để truyền bá tư tưởng Đại Đông Á. Những người cộng sản đã “tương kế tựu kế”, biến tổ chức này thành cánh tay đắc lực của cách mạng. Tám Chữ (Võ Văn Phẩm) chính thức dấn bước vào con đường cách mạng phụng sự Tổ quốc. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Toàn quốc kháng chiến năm 1946, Hiệp định Genève năm 1954, Phong trào Đồng Khởi năm 1960… từng dấu mốc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Bến Tre đều có đóng góp lớn của Tám Chữ, từ khi là chàng trai đôi mươi cho đến lúc trở thành bí thư tỉnh ủy của tỉnh nhà. Cuộc đời ông trải qua cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ, qua bao biến động thăng trầm của quê hương, đất nước. Cuộc đời đó ở lại trọn vẹn trong những trang viết của Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston và một tên đường trang trọng tại tỉnh Bến Tre.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (Ảnh Internet)
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (Ảnh Internet)

3. Homer Bigart - người đã có mặt trong đêm diễn của đoàn Việt Nam tại Tokyo năm 2017 - đã ngỏ lời mua bản quyền bản giao hưởng của nhạc sĩ Võ Đăng Tín. Vị nhạc sĩ đã tặng độc quyền cho ông chỉ với lời đề nghị: nhạc sĩ phải được mời dự khi tác phẩm được biểu diễn tại Mỹ. Đêm nhạc Ký ức Đồng Khởi đã được diễn tại Boston vào ngày 2/6/2017. Và Homer Bigart chính là nhạc sĩ, giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc thành phố Boston, Hoa Kỳ. 

Trong bức thư Bigart gửi cho nhạc sĩ Võ Đăng Tín, có đoạn: “Ký ức Đồng Khởi của ngài đã làm cho tôi và những người yêu âm nhạc thành phố Boston xúc động mạnh. Thêm một lần nữa, chúng tôi hiểu hơn về cuộc chiến ở Việt Nam mà hơn 50 năm về trước, người Mỹ chúng tôi đã dây vào thật phi lý. Tôi tin rằng âm nhạc sẽ là một trong những cầu nối gắn kết hai dân tộc, hai đất nước xích lại gần nhau hơn”.

TP.HCM tháng 10/2022, người viết nghe lại bản giao hưởng của hòa bình, hòa giải dân tộc, cảm giác xúc động với từng giai điệu. Thanh âm như thể gọi về “tiếng của những bàn chân chạy rầm rập, lẫn trong tiếng trống, mõ, nồi, niêu, xoong, chảo và tiếng lòng người căm phẫn vang lên ào ạt xuống đường…”. Bản giao hưởng Ký ức Đồng Khởi cũng vừa được nhạc sĩ Võ Đăng Tín trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre vào ngày 22/10 vừa qua. Những giai điệu rung động và thiết tha ấy đã và đang vang lên từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bến Tre…; đến với công chúng Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

“Có tiếng gió thổi rì rào vi vút, lướt trên những ngọn cây dừa bên ngoài khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ Bến Tre. Tiếng gió về từ đâu đó xa lắc, cảm giác như tiếng người đang reo, lẫn có tiếng vỗ tay của khán giả tưng bừng trong khán phòng nhà hát thành phố Boston, nước Mỹ, đêm đó họ thưởng thức symphony Ký ức Đồng Khởi. Tác phẩm ấy là của con trai một người cộng sản đã khuất, người mang đậm dấu ấn trong Phong trào Đồng Khởi, diễn ra cách nay tròn 60 năm” - đoạn cuối cùng trong tiểu thuyết Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston, tràn ngập thanh âm của rộn ràng, an vui, biết ơn thành kính. 

Những dòng sông của quê hương hôm nay không còn tiếng khóc. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI