Suýt chạm “cửa tử” vì cà phê giảm cân

04/04/2022 - 06:27

PNO - Chỉ một tuần giảm 4kg, giảm cân mà không cần giảm ăn, không cần vận động, không ảnh hưởng tới sức khỏe… Đây là những lời lẽ quảng cáo về cà phê giảm cân siêu tốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, cần thận trọng bởi có thể nguy hại tới sức khỏe, tính mạng.

Đi cấp cứu vì cà phê giảm cân siêu tốc

Mới đây, thông tin một phụ nữ suýt tử vong vì uống cà phê giảm cân gây xôn xao dư luận. Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này đã tiếp nhận một phụ nữ 37 tuổi, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương não. May mắn, do cấp cứu kịp thời nên hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang phục hồi. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có bị di chứng nào hay không bởi cần phải có thêm thời gian để xác định.

 Loại cà phê khiến nữ bệnh nhân suýt tử vong mang thương hiệu Hoàng Gia
Loại cà phê khiến nữ bệnh nhân suýt tử vong mang thương hiệu Hoàng Gia

Hồi phục sau khi suýt chạm “cửa tử”, nữ bệnh nhân kể lại, do cơ thể tăng cân nhanh sau khi sinh con thứ ba, chị được bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống một tuần có thể giảm được 4kg. Chị đã mua một hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi buổi sáng uống một gói. Ban đầu, cảm giác uống cà phê thơm ngon như bình thường, song tới ngày thứ tư, sau uống 15 phút, chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt chị hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Thấy tình trạng bất ổn nên chị được gia đình đưa đi cấp cứu.

Bệnh viện Bạch Mai đã gửi mẫu cà phê mà bệnh nhân sử dụng tới Viện Pháp y. Kết quả cho thấy, sản phẩm có chứa sibutramine, một chất cấm nguy hiểm đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Theo hình ảnh được Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, sản phẩm cà phê có chất cấm mang nhãn hiệu Cà phê Hoàng Gia do Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát sản xuất. Trên các trang thương mại điện tử, Facebook, cà phê giảm cân Hoàng Gia hiện được bày bán tại nhiều kênh với những lời quảng cáo “có cánh”. Một chủ shop online chia sẻ “nguyên tắc ba không” cùng cà phê Hoàng Gia là: “không ảnh hưởng tới sức khỏe”, “không ăn uống khắt khe”, “không tập luyện vất vả”. Theo đó, uống một gói cà phê có tác dụng bằng chạy bộ cả giờ. Trên một kênh bán hàng khác, sản phẩm này cũng được người bán đăng tải “review” của khách hàng, khẳng định có thể giảm tới 8kg mỡ chỉ sau một hộp.

Nhan nhản cà phê giảm cân, coi chừng chất cấm

Với những người quan tâm tới vấn đề giảm béo, cà phê giảm cân, cũng giống như trà giảm cân là một trong những sản phẩm khá quen thuộc khi được quảng cáo có tác dụng “thần kỳ”, giúp sở hữu vòng eo con kiến mà không cần phải kiểm soát ăn uống, tập luyện… Chỉ cần tìm kiếm “cà phê giảm cân”, người ta dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm được bày bán với mức giá từ trên 100.000 đồng, đủ xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan… Cụ thể như cà phê giảm cân I.S (Thái Lan) được giới thiệu giảm 2 - 5kg/liệu trình 10 gói, cà phê G.C. (Việt Nam) giảm 2 - 6kg/liệu trình… Đáng nói hơn, người nổi tiếng cũng tham gia bán hàng, phân phối… sản phẩm cà phê giảm cân siêu tốc khiến nhiều “bà mẹ bỉm sữa” càng tin vào công dụng thần kỳ này.

Tuy nhiên, vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai thực sự là một “hồi chuông” cảnh tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”, tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập hợp lý”.

Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, phân tích, về nguyên tắc, cà phê tham gia, kích thích quá trình chuyển hóa, tiêu hao năng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, đóng góp này khá nhỏ, không có khả năng giảm cân nhanh và nhiều như những lời quảng cáo. Vị chuyên cảnh báo người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm cân siêu tốc. Bởi, trong các sản phẩm giảm cân “ồ ạt” như vậy, có thể sẽ bị đưa thêm vào một số chất, từ đó gây mất nước và kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể. Khi dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ. Do đó, giảm cân bằng thuốc giảm cân không phải là biện pháp bền vững. Người sử dụng có thể phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ do mất nước, buồn nôn, chóng mặt… Đặc biệt, với sibutramine, chất này gây ra cảm giác biếng ăn, nhưng do tác động đến thần kinh và gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng nên đã bị cấm sử dụng. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI