Sự thật bất ngờ về nữ giáo viên phát cơm từ thiện ở Viện K

17/08/2015 - 14:31

PNO - Chương trình cơm từ thiện được khởi xướng bởi một cô giáo mầm non cũng vốn mang trên mình căn bệnh ung thư quái ác.

Đã hai năm nay, cứ 8h sáng chủ nhật hàng tuần, những cô giáo trẻ của trường Mầm non Tú Chi (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị việc phát cơm từ thiện cho những bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K cơ sở 2.

Mặc trên mình chiếc áo màu cam, cầm trên tay những chồng vé cơm từ thiện, những cô giáo trẻ đi đến từng dãy trọ, từng giường bệnh để chào mời. Công việc quen thuộc tới nỗi người dân, bệnh nhân nơi đây đều đứng sẵn ở cổng để chờ họ đến.

Nhưng ít ai biết rằng chương trình cơm từ thiện ấy lại được khởi xướng bởi một cô giáo mầm non cũng vốn mang trên mình căn bệnh ung thư quái ác. Sự đồng cảm với những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh đã thôi thúc chị làm điều gì đó nhằm san sẻ nỗi đau giữa những con người cùng khổ.

Chị là Ngô Kim Loan, Hiệu trưởng trường Mầm non Tú Chi.

Trông mình lại nghĩ đến người

Chị Ngô Kim Loan sinh năm 1978 tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chị đi dạy cho các cơ sở mầm non rồi trở về quê hương mở trường mầm non tư thục. Hiện chị đã mở được 3 cơ sở tại hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Su that bat ngo ve nu giao vien phat com tu thien o Vien K
Chị Ngô Kim Loan đang làm cơm từ thiện.

Năm 2008, chị lập gia đình và sinh được hai người con. Chồng làm xưởng gỗ, vợ làm giáo viên, cuộc sống gia đình cứ thế êm đềm trôi đi cho đến một ngày năm 2012, chị đi khám bệnh và phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 3.

Kể từ đó, cuộc sống của chị bắt đầu bị đảo lộn vì những cơn đau bất kể đêm ngày, những lần xạ trị hao mòn cả thân thể. Chị thường xuyên phải ra vào Bệnh viện K cơ sở 2 để điều trị dài ngày.

Mỗi lần vào viện là mỗi lần cơ thể phải hứng chịu thêm những đợt trị hóa chất độc hại. Người chị nhỏ lại, tóc rụng dần đi và đôi mắt thâm quầng vì những đêm dài mất ngủ. Gần đây, chị lại mắc thêm bệnh lupus ban đỏ, các khớp chân, tay sưng tấy lên đau đớn đến không cử động được.

Chính trong những lần ra vào viện để điều trị đó, chị đã chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó, vật vã chống chọi với bệnh tật trong tuyệt vọng. “Mình nhìn thương lắm, vì mình cũng như họ, cũng mang trong mình bệnh ung thư. Nhưng mình còn may mắn hơn vì có chồng con chăm sóc, còn họ thì cô độc và bất lực, nhiều khi đến ăn một bữa cơm cũng không có tiền mà ăn”, chị Loan chia sẻ.

Su that bat ngo ve nu giao vien phat com tu thien o Vien K

Thế rồi từ đó, chị nảy ra ý định làm cơm từ thiện phát cho bệnh nhân.Đem chuyện ra bàn với chồng và tập thể giáo viên trường Tú Chi, chị được mọi người đồng tình hưởng ứng.Cơm từ thiện đã được ra đời từ đó.

Theo kế hoạch, hàng tuần vào mỗi chủ nhật, nhóm sẽ làm cơm từ thiện và phát cho bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2. Mỗi tuần sẽ làm 80 suất cơm, mỗi suất trị giá từ 20 – 25 nghìn đồng nhưng bán cho bệnh nhân chỉ với giá 5 nghìn/suất.

Suất ăn gồm có: cơm, thịt kho, đậu phụ tẩm bột chiên giòn, rau muống xào và canh khoai tây, cà rốt. Tổng chi phí cho việc mua nguyên vật liệu dao động ở mức 1,5 triệu đồng. Chị Loan cho biết, tất cả các chi phí đều hoàn toàn do chị bỏ ra, những người khác chỉ góp công, góp sức cùng làm.

Hiện nhóm làm cơm từ thiện có 10 giáo viên của trường mầm non Tú Chi tham gia. Chị Loan cho biết, trước đây, nhóm được sự hỗ trợ về nhân lực của một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa và đội tình nguyện xã Thanh Liệt.Song sự hỗ trợ của sinh viên rất hạn chế và không bền vững vì khi đến kì thi hoặc hè là sinh viên nghỉ hết nênchị chủ trương dựa vào sức mình là chính.

Cứ 8h sáng nhóm sẽ tập hợp và bắt đầu chế biến món ăn. Sau đó một đội sẽ cầm phiếu đi đến những dãy trọ của bệnh nhân, những buồng bệnh trong viện K để phát phiếu.

Việc phát phiếu diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút, do bệnh nhân ở đây đều đã quen thuộc với chương trình cơm từ thiện nên chào đón rất nhiệt tình. Đến 10h30, nhóm của chị Loan sẽ mang cơm đến cổng bệnh viện.Bệnh nhân hoặc người nhà sẽ mang phiếu ra lấy cơm. Chỉ trong khoảng một giờ, công việc phát cơm đã hoàn thành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI