Sự nối kết và chia sẻ

11/09/2013 - 19:35

PNO - PN - Tối 10/9 Liên hoan (LH) các trường sân khấu quốc tế đã khép lại bằng buổi lễ bế mạc đầy lưu luyến, sau sáu ngày đầy ắp các hoạt động.

edf40wrjww2tblPage:Content

12 bài diễn tập của sinh viên (SV) chín quốc gia biểu diễn tại LH như một bức tranh đa sắc màu về thực tế công tác đào tạo diễn viên sân khấu (SK) tại các quốc gia châu Á và cả những đặc trưng riêng về văn hóa, phong tục, đời sống của các nước.

Su noi ket va chia se

Sinh viên các nước hào hứng với các động tác vũ đạo cải lương Việt Nam

Dù chưa phải là tiết mục xuất sắc nhưng Sudden guest của SV Mongolia state university of art and culture (Mông Cổ) thật sự hấp dẫn các thành viên tham gia LH bởi đây là lần đầu tiên họ được biết về nghệ thuật SK của Mông Cổ. Đời sống của những người dân du mục trên thảo nguyên bao la được tái hiện sống động đến từng chi tiết trên SK. Các tiết mục Supata Drupadi - The bood of Dursasana (Indonesia), Uwahig (Philippines), Bitches of Lanka (Thái Lan) đưa khán giả trở về với những vùng đất nơi tổ tiên của các dân tộc này sinh sống với những huyền thoại đã ghi dấu ấn trong lòng các thế hệ người dân nơi đây. Remember the war của SV Hoseo (Hàn Quốc) đã khiến khán giả xúc động với câu chuyện về sự hối hận, nỗi khắc khoải của những cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam.

Một trong những thắng lợi lớn nhất của LH là sự nối kết các thành viên tham gia. Ruzaini Mazani - SV Lasalle (Singapore) chia sẻ: “Dù không hiểu ngôn ngữ nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được đời sống, văn hóa, phong tục của nhiều dân tộc khác nhau qua tính cách của các nhân vật, nội dung của từng bài diễn tập. LH đã giúp chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn”.

Đúng như mục tiêu được kỳ vọng ở LH là những chia sẻ về công tác đào tạo của các trường SK, phương pháp và hiệu quả của quá trình đào tạo của mỗi quốc gia được thể hiện một cách sinh động trong từng bài biểu diễn của SV. Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất giữa SV quốc tế và SV Việt Nam là ý thức chuyên nghiệp và thái độ làm nghề nghiêm túc của SV các nước. Họ thể hiện sự vượt trội SV Việt Nam từ cách khai thác tâm lý, tính cách nhân vật, lối diễn xuất đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa những kỹ năng biểu diễn khác nhau như nhảy múa, ca hát, động tác hình thể, hành động SK… Tinh thần ham học hỏi của SV các nước cũng rất đáng được ghi nhận. Trong buổi nói chuyện về nghệ thuật cải lương Việt Nam sáng 10/9, vừa được đề nghị làm thử vài động tác vũ đạo, tất cả SV có mặt đã nhanh chóng đứng lên, tạo thành từng nhóm nhỏ, hào hứng luyện tập theo sự hướng dẫn của SV Việt Nam.

Bản lĩnh và sự tự tin của SV các nước cũng là điều cả SV lẫn giảng viên các trường đào tạo SK của Việt Nam học hỏi. Dù biết tiếng Anh hay cần phải có người phiên dịch, SV các trường bạn vẫn thể hiện sự tự tin, làm chủ tình thế. Theo chia sẻ của nhiều SV, họ luôn được khuyến khích chủ động trong sáng tạo, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, “tư vấn” cho SV khi họ cần. Phát biểu hóm hỉnh của ông Aubrey Moore Mellor, giảng viên của trường Lasalle khiến nhiều giảng viên phải suy nghĩ: “Tôi không bao giờ cho SV ý tưởng mà chỉ lấy ý tưởng từ họ!”.

Sự vắng mặt của SV và giảng viên Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM trong các ngày của LH (trừ đêm khai mạc và buổi trao đổi về nghệ thuật cải lương Việt Nam sáng 10/9) đã gây tiếc nuối cho những ai thực sự quan tâm đến công tác đào tạo ở ngôi trường SK lớn nhất khu vực phía Nam hiện nay. LH với sự tham gia của 15 trường SK của 10 quốc gia thật sự là một cơ hội giao lưu bổ ích và thú vị, sao lại bị trường bỏ qua?

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI