Sứ mệnh thay đổi thế giới từ một cuộc thi

28/08/2022 - 06:37

PNO - Sau 20 năm tổ chức, cuộc thi Imagine Cup của Microsoft đã biến nhiều ý tưởng tuyệt vời của sinh viên, học sinh thành hiện thực, từ đó giúp ích cho cộng đồng nơi họ sinh sống, thậm chí tạo ra sự thay đổi tích cực trên toàn cầu.

Những ý tưởng giúp cải thiện cuộc sống

Giữa đại dịch COVID-19, có hai sinh viên kẹt lại tại một đất nước xa lạ. Họ phải lòng nhau, sau đó nảy ra một ý tưởng có thể thay đổi cách các nhà khoa học và kỹ sư trên khắp thế giới tiến hành việc nghiên cứu.

Bukle Unaldi và Ahmed Kamel cùng thiết kế cánh tay robot phòng thí nghiệm điều khiển từ xa
Bukle Unaldi và Ahmed Kamel cùng thiết kế cánh tay robot phòng thí nghiệm điều khiển từ xa

Ahmed Kamel, sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính người Ai Cập và Bukle Unaldi, sinh viên chuyên ngành khoa học thần kinh người Thổ Nhĩ Kỳ, đã gặp nhau tại Đại học Minerva ở San Francisco. Lúc xảy ra dịch bệnh vào năm 2020, cả hai đang trong học kỳ trao đổi tại Buenos Aires, Argentina. Những biện pháp giãn cách khiến họ không thể làm việc trong phòng thí nghiệm và hoàn thành khóa học.

Thay vì căng thẳng, họ đã chế tạo cánh tay robot có thể theo dõi và vận hành từ xa, mô phỏng trải nghiệm trực tiếp trong phòng thí nghiệm. Sáng tạo của họ hứa hẹn mang lại lợi ích cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển hoặc vùng hẻo lánh ít có khả năng tiếp cận thiết bị và phòng thí nghiệm.

Bước sang năm thứ 20, sự kiện công nghệ toàn cầu Imagine Cup của Microsoft thu hút hơn 2 triệu sinh viên từ 160 quốc gia, cạnh tranh để giành các giải thưởng bao gồm đào tạo, cố vấn, công nghệ, quảng cáo và cả tiền mặt. 

Song như Kamel chia sẻ: “Điều quan trọng nhất không phải là tiền bạc hay giải thưởng, chính uy tín từ cuộc thi đã nâng cao lý lịch của chúng tôi, đưa sản phẩm đến nhà tài trợ, giúp chúng tôi có được việc làm sau khi tốt nghiệp”. Hơn 600 sinh viên đại học đã sử dụng robot mà cặp vợ chồng mới cưới đăng ký cấp bằng sáng chế vào năm 2021.

Kamel giờ là kỹ sư robot cho Amazon tại Seattle và Unaldi là giáo viên từ xa cho Elite Open School. 

Chiến thắng ở Imagine Cup năm 2022 là Đội V Bionic từ Ả Rập Saudi và Đức. Đội đã giành được giải thưởng lớn cho ExoHeal, một thiết bị phục hồi chức năng tay dạng khung xương bên ngoài, sử dụng tính linh hoạt thần kinh và công nghệ điện toán đám mây Azure để cung cấp khả năng thích ứng với các bài tập phục hồi chức năng cho người bị liệt tay. 

Bệ phóng cho các nhà nghiên cứu công nghệ

Nhóm REWEBA đã có một cuộc gọi với Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella  (giữa, hàng dưới) sau khi được vinh danh là Nhà vô địch thế giới trong Imagine Cup 2021
Nhóm REWEBA đã có một cuộc gọi với Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella (giữa, hàng dưới) sau khi được vinh danh là Nhà vô địch thế giới trong Imagine Cup 2021

Từng được tạp chí WIRED gọi là “Thế vận hội dành cho thiết kế phần mềm”, Imagine Cup hiện mang đến cho nhà vô địch thế giới 100.000 USD tiền mặt, hỗ trợ công nghệ và một buổi cố vấn với Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella. Năm nay, cuộc thi thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh hơn bao giờ hết, với 67% thành viên các đội là phụ nữ và 17% là học sinh trung học.

Ông Nadella, giám khảo cuộc thi từ năm 2014, nói: “Imagine Cup là một ví dụ tuyệt vời về khả năng thay đổi cuộc sống của công nghệ. Trong 20 năm, các sinh viên đã cho chúng tôi thấy điều gì có thể xảy ra khi họ cùng nhau ứng dụng công nghệ để giúp giải quyết các thách thức của thế giới”.

Chiến thắng giải thưởng lớn năm 2021 là Đội REWEBA, với công trình “Bé khỏe bé ngoan từ xa” - thiết bị giám sát có kết nối internet, giúp nhân viên y tế ở các làng có thể thu thập dữ liệu cân nặng, chiều cao và nhiệt độ của em bé từ xa. Thiết bị tích hợp sẽ tự động gửi dữ liệu đến các bác sĩ và đóng vai trò như một hệ thống can thiệp, cảnh báo sớm nhằm cứu sống trẻ sơ sinh những vùng nông thôn, điều kiện đi lại khó khăn.

Zbyněk Poulíček (phía trước) và đội dự thi Imagine Cup của anh năm 2010
Zbyněk Poulíček (phía trước) và đội dự thi Imagine Cup của anh năm 2010

Đáng chú ý, các đội của Imagine Cup thường giành được lợi thế bất kể họ xếp ở vị trí nào trong cuộc thi. Zbyněk Poulíček là người về nhì năm 2010 với bản đồ tương tác thực - một khái niệm mới vào thời điểm đó. Sản phẩm giúp hướng dẫn các đội cứu hộ từ cộng hòa Séc tiếp cận nhóm nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát từ trận động đất lớn ở Haiti. Ứng dụng cung cấp khả năng điều hướng ở những địa hình khó khăn, trong bối cảnh các cột mốc địa lý đã sụp đổ do chấn động. Poulíček xem truyền hình đưa tin về thảm họa ở Haiti và liền liên hệ với người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận của Séc.

“Tôi nhận ra rằng công nghệ thực sự có thể tạo ra sự khác biệt” - Poulíček nói. Poulíček và nhóm của mình tiếp tục cải tiến nguyên mẫu và thành lập GINA Software - từ viết tắt của Geographic Information Assistant, trở thành giám đốc điều hành một công ty hiện kinh doanh tại hơn 50 quốc gia, với hơn 250.000 người dùng từ các tổ chức nhân đạo và đơn vị phản ứng nhanh.

Tận dụng tài năng và sức trẻ để thay đổi thế giới

Thiết bị “dịch bằng giọng nói” của Masaki Takeuchi
Thiết bị “dịch bằng giọng nói” của Masaki Takeuchi

Ban đầu, Imagine Cup ra đời nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên về công nghệ. Những năm qua, trọng tâm đã thu hẹp vào việc xây dựng các giải pháp thực tế trong các lĩnh vực: bảo vệ trái đất, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và lối sống. Số dự án không ngừng gia tăng khi công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn. Các bài dự thi của học sinh, sinh viên ngày càng tinh tế và hoàn thiện, ý tưởng của họ nhanh chóng thu hút được tài trợ và trở thành sản phẩm thương mại. Thế nhưng, đó không phải là mục tiêu cuối cùng.

Charlotte Yarkoni - Giám đốc bộ phận thương mại và hệ sinh thái Microsoft về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo - cho biết: “Imagine Cup gắn liền với sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi: Làm thế nào để giúp học sinh đạt được nhiều thành tích hơn? Khi bạn suy nghĩ về những lý do cá nhân sâu sắc mà các sinh viên đưa ra ý tưởng, cách họ cố gắng giúp đỡ một nhóm người chưa được phục vụ, một cộng đồng dễ tổn thương hoặc thậm chí chỉ là một người thân, điều đó thực sự đáng kinh ngạc đối với tôi. Số lượng đổi mới và tốc độ đổi mới của công nghệ thực sự đáng kinh ngạc”.

Masaki Takeuchi (thứ hai từ phải qua) và nhóm của anh trình diễn thiết bị phát âm đeo cổ của họ cho Imagine Cup 2020
Masaki Takeuchi (thứ hai từ phải qua) và nhóm của anh trình diễn thiết bị phát âm đeo cổ của họ cho Imagine Cup 2020

Khi còn là sinh viên công nghệ thông tin tại Nhật Bản, Masaki Takeuchi biết đến một nhóm người trên khắp thế giới không thể sử dụng dây thanh quản do ung thư vòm họng và các bệnh khác. Xúc động trước hoàn cảnh của họ, anh bắt tay vào thiết kế một thiết bị điện tử có thể tạo ra âm thanh kỹ thuật số mô phỏng giọng nói bằng cách dịch các rung động khi họ di chuyển miệng và lưỡi: dịch bằng giọng nói.

Song, Takeuchi không tìm ra cách tiếp cận những người cần công nghệ của anh và cũng không có tiền để phát triển sản phẩm, cho đến khi anh tham gia Imagine Cup 2020. Đội của Takeuchi đã đến được Giải vô địch thế giới và sự chú ý của giới truyền thông đã giúp nhóm kết nối với người dùng, kỹ sư và nhà tài trợ tiềm năng…

Pablo Veramendi - người đã quản lý bảy cuộc thi Imagine Cup trước đây - cho hay: “Sinh viên hiểu rõ các vấn đề của cộng đồng hơn bất kỳ ai. Họ dốc toàn lực để giải quyết những vấn đề xung quanh mình”. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI