Stress vì em chồng có nhà không ở, cứ muốn ở cùng vợ chồng tôi

29/12/2021 - 09:23

PNO - Em đặt vấn đề với cô ấy: đã ở nhà anh chị thì cần chia sẻ trách nhiệm với gia đình, em không thể lo hết mọi việc ở nhà.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em có một cô em chồng rất độc đáo, cá tính, không giống ai. Năm nay em ấy 34 tuổi, vẫn ở một mình, không lập gia đình.

Cách đây hai năm em ấy qua Malaysia học tiếng Anh, sau đó vì dịch bệnh nên về Việt Nam sống tới giờ. Chồng em kể, bạn trai của em ấy là người nước ngoài, hai bên đã hẹn chờ nhau hết dịch sẽ cưới. 

Trước đây em ấy có căn hộ riêng, khi đi học thì đem nhà cho thuê, khi về lại thì đến ở với vợ chồng em, vì người thuê nhà vẫn đang còn hợp đồng. Đến nay đã hai năm hơn, người thuê cũ dọn đi, em ấy cho người mới thuê nhà và vẫn tiếp tục ở nhà anh chị. Em rất khó chịu về chuyện này.

Em chồng chừng đó tuổi nhưng hết sức vô tâm vô tính, thiếu ý tứ, ở chung không hề phụ giúp việc nhà, tới bữa ăn còn ỉ ôi món này món kia không ngon bằng má nấu. Có lần bực quá em nói nặng, em ấy đặt đồ về ăn riêng, chồng em phải dỗ dành mới ra ăn chung với cả nhà.

Em nói tiền cho thuê căn hộ mỗi tháng mười mấy triệu đồng đủ cho em ấy sống, không cần tìm việc làm. Nhưng em ấy ở trong nhà em, tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt vợ chồng em phải bao cấp.

Hễ mua cái gì cho cả nhà là em ấy hỏi tiền, có lỡ mua không hỏi thì ghi giấy dán trên tủ lạnh đến khi nào em trả tiền lại mới thôi. Em cằn nhằn thì chồng bảo em thông cảm, cô út bây giờ không có việc làm, không có lương. 

Ba má chồng em mất cách đây bốn năm, chỉ còn hai anh em nên bây giờ chồng em phải chăm lo cho em gái. Nhưng kiểu chăm lo này không khác gì nuôi một bà cô già không biết đến khi nào.

Em rơi vào thế khó, nhà chật, người đông, thu nhập giảm, miệng ăn tăng, lại phải lo việc nhà nhiều hơn. Mỗi ngày nhìn thấy em chồng là em stress kinh khủng. Em phải làm sao chấm dứt cảnh này đây?

Hoài My (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Em Hoài My thân mến, 

Hoàn cảnh của em bây giờ đúng là rất khó chịu. Nhưng quan trọng là nếu em gây căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Vậy nên mình xử sự kiên nhẫn khéo léo một chút em nhé. 

Cô em chồng cũng đang bị động, có thể cô ấy đang có kế hoạch nào đó. Có thể cô ấy tính quay lại trường học, hoặc đôi uyên ương đã có ước hẹn thời gian không xa nữa nên cô ấy ráng đợi.

Em thử nói chuyện với cô ấy xem, cứ bình tĩnh kiên nhẫn rủ rỉ, coi như chị dâu có nhiều kinh nghiệm hơn và chia sẻ với em. Biết đâu khi hiểu chuyện, em có thể góp ý cho cô ấy để giải quyết những việc cụ thể.

Gỡ được cho em ấy cũng là gỡ cho mình. Mình nên chủ động, đừng nhờ chồng việc này, đàn ông vốn vụng trong chuyện tâm sự hỏi han, nếu chồng có nói lại với em cũng qua một lần “tái bản”, nhỡ đâu lại hiểu lầm nhau. 

Về việc nhà, em cứ thẳng thắn phân công, ví dụ lau dọn nhà cửa, nấu ăn. Em đặt vấn đề với cô ấy: đã ở nhà anh chị thì cần chia sẻ trách nhiệm với gia đình, em không thể lo hết mọi việc ở nhà.

Tiền ăn, chi phí sinh hoạt của mỗi người là chừng này, cô ấy góp được bao nhiêu một tháng thì cứ nói ra, phần còn lại coi như anh chị cho. Tiền bạc rõ ràng ra thì em đỡ căng thẳng, mệt mỏi.

Nếu cô ấy quá khó khăn cũng phải trình bày, hỏi xin anh chị, nếu lúc đó anh chị quyết định “thôi thì cho em” lại là chuyện khác.

Đừng để tình trạng bên chị thì tính toán tốn kém nhiều xót tiền, xót công sức, bên em thấy chỉ “thêm đũa thêm chén chứ có thêm gì đâu”, rồi lâu dài tình cảm gia đình bị ảnh hưởng. Mình có quyền rõ ràng chỗ này em ạ, rõ ràng nhưng khéo léo.

Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn   

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI