Sốt xuất huyết: Thời tiết chuyển mùa, đề phòng dịch

05/09/2018 - 07:16

PNO - Nếu như trong tháng 7/2018, TP.Hà Nội chỉ ghi nhận từ 15 đến 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì tính đến tuần qua, số bệnh nhân mới đã lên hơn 60 ca.

Các chuyên gia cảnh báo không thể lơ là trong điều kiện thời tiết đang giao mùa và diễn biến phức tạp.

Cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết

Vừa xuất viện được vài ngày nhưng anh N.M.T. (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) vẫn chưa hoàn hồn vì cả gia đình bị sốt xuất huyết tấn công. Thấy mình có triệu chứng sốt cao, đau nhức toàn thân, anh T. được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đống Đa (TP.Hà Nội) và kết luận mắc sốt xuất huyết. Khi anh chưa kịp hồi phục thì cả hai con của anh cũng nhập viện vì căn bệnh này.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (TP.Hà Nội), vợ chồng chị C.T.H. (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) và hai con trai đều phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Trong số bốn thành viên này, chị H. bị nặng hơn cả. Ban đầu, chị ngỡ mình bị sốt vi-rút nên tự uống thuốc ở nhà. Sau vài ngày điều trị không thuyên giảm, sốt cao kéo dài kèm theo đau đầu, nhức mắt, mỏi cơ khớp… chị mới đến bệnh viện khám.

Kết quả là do tiểu cầu của chị xuống quá thấp nên các bác sĩ đã phải tiến hành truyền tiểu cầu. Được biết, gia đình chị H. sống ở khu vực gần chợ nên điều kiện vệ sinh xung quanh không được đảm bảo. Đặc biệt khoảng một tháng nay, trời mưa nhiều nên muỗi sinh sôi, phát triển mạnh, dù luôn mắc màn khi ngủ nhưng cũng không thể bảo vệ cả gia đình “24/24 giờ” tránh được muỗi tấn công.

Sot xuat huyet: Thoi tiet chuyen mua, de phong dich
Các chuyên gia cảnh báo, khí hậu giao mùa, diễn biến thời tiết phức tạp là nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Thống kê tại Khoa Truyền nhiễm  Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho thấy, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận trung bình 10 ca đến khám sốt xuất huyết. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ 5-6 ca. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như giảm tiểu cầu, xuất huyết… Nguyên nhân chính là do người dân vẫn còn lơ là nên nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng. 

Cảnh báo thêm nhiều ổ dịch mới mỗi tuần

Nếu như trong tháng 7/2018, TP.Hà Nội chỉ ghi nhận từ 15 đến 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì cuối tháng Tám, số lượng ca mắc tăng lên từ 50-60 ca/tuần. Riêng trong tuần qua, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, địa phương này có 64 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 17 quận, huyện; 41 xã, phường. Đặc biệt, thống kê cũng ghi nhận có 11 ổ dịch mới tại các địa phương như: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hà Đông, Mê Linh… Trong đó, ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất gồm năm bệnh nhân tại Mễ Trì (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội).

Mặc dù tổng số người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội từ đầu năm tới nay mới chỉ gần 500 người, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, điều kiện thời tiết phức tạp như những ngày qua là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Và thực tế, con số này đang tăng theo từng tuần.

Đặc biệt, theo quy luật hằng năm, thời điểm từ tháng 9-11 là “đỉnh” dịch sốt xuất huyết. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, không thể bàng quan, lơ là trước căn bệnh này, tránh “kịch bản” sốt xuất huyết lặp lại như năm 2017 làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Chắc hẳn không ít người chưa quên con số thống kê gây bàng hoàng của Bộ Y tế. Tính tới cuối tháng 8/2017, cả nước có tới hơn 90.000 người mắc sốt xuất huyết, trong số đó có tới 24 người tử vong. TP.Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương dẫn đầu về số lượng người mắc sốt xuất huyết trên cả nước. Để đối phó với dịch, TP.Hà Nội không chỉ sử dụng “vòi rồng” mà còn phải huy động sự trợ giúp của 19 tỉnh, thành lân cận.

Để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, mỗi gia đình cũng cần phải nâng cao ý thức tự phòng tránh bệnh bằng cách đảm bảo môi trường sạch sẽ, hạn chế việc sinh sôi, phát triển của muỗi truyền bệnh. “Thực tế, không ít người dân thấy số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Trong quá trình đi kiểm tra, vẫn phát hiện nhiều gia đình còn tồn đọng các ổ bọ gậy”, ông Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ. 

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành để phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch để không bùng phát trong cộng đồng.

Các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, đánh giá và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu điều trị khi cần thiết… Ngoài ra, các đơn vị cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân, chủ động kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong do bệnh gây ra…

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI