Sống và viết từ “thế giới bất ổn”

27/05/2022 - 19:40

PNO - Văn học tuổi 20 sau gần 30 năm, với bảy mùa giải đã để lại dấu ấn sâu đậm cho văn chương. Tác phẩm qua mỗi giai đoạn cũng cho thấy sự vận động, đổi thay của đời sống, và cả tư duy của thế hệ những người viết trẻ.

Hai tác phẩm Vụn ký ức (Yang Phan) và Nửa lời chưa nói (Duy Ân) được trao giải nhì tại Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII (không có giải nhất). Đây cũng là hai trong số những tác phẩm “có lối viết bứt phá và cách tân” đợt này - theo nhận định của phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Văn Giá, thành viên hội đồng chung khảo.

Sau gần ba thập niên, Văn học tuổi 20 để lại cho văn đàn một vệt dài những tác phẩm ghi dấu từng thế hệ người cầm bút
Sau gần ba thập niên, Văn học tuổi 20 để lại cho văn đàn một vệt dài những tác phẩm ghi dấu từng thế hệ người cầm bút

Vụn ký ức Nửa lời chưa nói có thể chưa phải là hay nhất trong số 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo, nhưng thể hiện được yếu tố mới, lạ, độc đáo và phản ánh đúng góc nhìn cuộc sống của người trẻ hôm nay.

Duy Ân viết về đề tài chưa ai viết: Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và nhận thức - vốn là một phạm trù triết học ngôn ngữ (ngành khoa học được ra đời từ sau thế kỷ XX). Trong khi đó, Yang Phan chọn viết về con người thông qua sự kết nối của những mảnh vụn ký ức, đi tìm bản thể và những gì mà một người có thể lưu dấu trên cõi đời này. Vụn ký ức Nửa lời chưa nói vì thế mà thoát ra khỏi lối viết truyền thống.

Góc nhìn về cuộc sống hôm nay của những người viết trẻ thể hiện qua văn chương cũng cho thấy vốn sống, vốn tri thức và thế giới nội tâm của họ. Tự tin, chủ động, hòa nhập toàn cầu, tiếp nhận những điều mới mẻ nhưng đồng thời cũng cô đơn, lạc lõng, mất kết nối, đi tìm ý nghĩa cuộc sống và giá trị của bản thể trong thế giới bất ổn. Nếu chỉ so với 8X, tác phẩm của những cây bút 9X cũng đã rất khác biệt. Nhìn lại một quá trình dài gần ba thập niên của Văn học tuổi 20, càng thấy sự khác biệt lớn qua từng thế hệ người cầm bút, từ đề tài đến phong cách, về nhân sinh quan và những giá trị sống…

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Văn Giá nhìn nhận, có thể thấy hai “kiểu dạng văn chương” nhìn từ Văn học tuổi 20 lần VII: kiểu truyền thống Việt Nam và kiểu thể hiện khát vọng toàn cầu hóa. Sự phân nhánh của hai kiểu dạng này không chỉ cho thấy sự vận động thay đổi của văn chương trẻ qua từng thế hệ, mà còn là sự chuyển đổi của những giá trị thời đại.

Trong những tác phẩm của người viết trẻ thời của Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Lê My Hoàn, Thu Trân, Phong Điệp… người trẻ dò dẫm tìm lối, tìm lý tưởng sống và khẳng định mình trước những thử thách của cuộc sống nơi đô thị. Họ trưởng thành từ gian khó, từ những vấp ngã. Những dấn thân ấy lại rất khác với người trẻ hôm nay, bước ra thế giới và đủ sức làm chủ bản thân, nhưng lại chông chênh giữa “văn minh vật chất” mà họ được thừa hưởng.

Từ cuộc vận động Văn học tuổi 20 lần VI, nhà báo Dương Thành Truyền - nguyên Trưởng ban tổ chức - đã nhìn nhận ba yếu tố nổi bật trong trang viết của những người viết trẻ thế hệ mới. Đó là “xê dịch, tri thức và phá cách”. Cái không gian truyền thống, cụ thể từ một bối cảnh làng quê hay đô thị trong tác phẩm của người trẻ đã mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Những chiều kích biểu đạt cũng đa dạng, độc đáo và bứt phá; thậm chí không có ranh giới hữu hình.

Người lạ (Mai Thảo Yên), Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây) - hai tác phẩm đồng giải nhì từ Văn học tuổi 20 lần VI - đã cho thấy sự đổi ngôi khác biệt này. Những mùa giải trước đó (Văn học tuổi 20 lần IV-2010 và lần V-2014), vẫn còn thấy hầu hết các tác phẩm là “kiểu dạng truyền thống”: Cô con gái ngỗ ngược (Võ Diệu Thanh), Những chuyển điệu (Nguyễn Thiên Ngân), Những giao diện ẩn (Thiên Di), Gia tộc ăn đất (Lê Minh Nhựt), Charao mùa trăng (Khánh Liên), Mất hút bên kia đồi (D.), Lý hàng khơi (Phương Rong)… Sau này, trong tác phẩm của người viết trẻ có sự đa dạng hơn cả về đề tài/thể loại và cách thức biểu đạt.

Từ Văn học tuổi 20, có những người đã trở thành những nhà văn tên tuổi, nhưng cũng có rất nhiều người mất hút. Nhưng ở mỗi giai đoạn, họ đã cùng cất lên tiếng nói của thế hệ mình, và để lại một vệt dài đậm dấu ấn không chỉ cho văn chương, mà còn là giá trị văn hóa mỗi thời.

Người trẻ hôm nay sống và viết trong một thời đại mà con người có quá nhiều vấn đề phải đối mặt. Và viết cũng như một nhu cầu giãi bày. “Không phải ai cũng có thể đánh những bản Etude của Chopin, không phải ai cũng có thể vẽ, hay sửa xe, hay thiết kế những ngôi nhà. Nhưng bất cứ ai trong cuộc đời này, vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, cũng đều cầm bút viết một cái gì đó” - nhà văn trẻ Hiền Trang (sinh năm 1993) bày tỏ trong Chopin biến mất.

Còn Nguyên Nguyên, khi viết Có thú dữ trong thành phố đã chia sẻ: “Tôi muốn viết để lưu giữ lại tất cả những điều này. Đó có thể là tuổi trẻ, là tình yêu, là nỗi đau, là khát khao thoát khỏi nghịch cảnh như tất cả nhân vật trong tập truyện ngắn này”. Mong muốn được biểu đạt thế giới nội tâm, hay là kể những câu chuyện về thân phận đều khiến người trẻ cầm bút. Mà Văn học tuổi 20 chính là điểm tựa cho những khát vọng cất tiếng ấy.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần từng nói, nếu không có cuộc vận động Văn học tuổi 20, anh đã không nghĩ mình có thể viết văn. Hôm nay, nhiều người trẻ cũng đã bày tỏ rằng, họ có động lực và tự tin hoàn thiện bản thảo chính vì có sân chơi như một bệ đỡ văn chương này. 

Giải thưởng Văn học tuổi 20 vừa tạm dừng sau gần ba thập niên làm bệ phóng cho rất nhiều người viết trẻ. Nhưng hy vọng rằng người trẻ vẫn sẽ tiếp tục viết về “cuộc sống hôm nay”. Trên con đường hòa nhập và tri nhận, chính người viết trẻ mới là lực lượng nòng cốt đủ sức làm chủ và bứt phá, khám phá những chiều kích mới của văn chương, trong thời đại số. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI