Sống chung an toàn với COVID-19: Những xóm nghề hồi sinh sau giãn cách

14/10/2021 - 06:24

PNO - Hôm 1/10, anh Võ Minh và nhiều đồng hương Quảng Ngãi làm nghề bán cháo lòng đồng loạt tháo xích bánh xe, chà rửa dụng cụ để trở lại buôn bán. Trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động trong những xóm nghề như cháo lòng, ve chai, hủ tíu ở TPHCM phải xếp đồ nghề, ở nhà ròng rã.

>> Sống chung an toàn với COVID-19 - Bài 1: Cuộc sống mới của các cựu F0

Anh Võ Minh thường xuyên đeo khẩu trang và dùng cồn khử khuẩn khi thối tiền cho khách
Anh Võ Minh thường xuyên đeo khẩu trang và dùng cồn khử khuẩn khi thối tiền cho khách

Làm quen với buôn bán trong dịch

Gần trưa, nồi cháo lòng đã vơi đi khoảng hai phần ba, anh Võ Minh - quê H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi - vẫn liên tục chốt đơn qua điện thoại. Mấy ngày này, người mua hủ tíu, cháo lòng của anh Minh chủ yếu đặt hàng trước qua điện thoại, sau đó ghé lấy mang về. Sau mỗi lần khách đưa tiền, anh Minh đều xịt cồn khử khuẩn rồi mới cho vào hộc tủ. 

Anh Võ Minh chia sẻ: “Mình làm kỹ từng chút, mất thời gian nhưng an toàn. Quán tôi bán mang về 100%. Khách quen họ đặt trước qua điện thoại rồi ra lấy. Đến quán, phải đứng cách 2m lấy hàng chứ không tụ tập đông như xưa. Mấy anh ở phường dặn rồi, phải an toàn mới cho bán tiếp”.

Nhiều năm nay, anh Võ Minh và khoảng 20 gia đình đồng hương bám trụ ở “xóm cháo lòng” trên đường Cây Sung, P.14, Q.8. Việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến cả xóm thất nghiệp, một số người không trụ lại nổi, phải liều chạy xe máy về quê. Hiện ở “xóm cháo lòng” chỉ còn khoảng mười gia đình trụ lại. Anh Nguyễn Văn Quảng kể: “Mấy tháng qua, trong đầu tôi chỉ tính chuyện bỏ nghề, về quê. Bây giờ UBND thành phố cho buôn bán trở lại, cũng đỡ kẹt”.

Ngày đầu mở lại quán, một số người vẫn còn bỡ ngỡ. Mọi người lập nhóm Zalo để hướng dẫn nhau cách bán hàng kiểu “bình thường mới”. Hôm chúng tôi đến, anh Võ Minh khoe bán được gần 80 tô mỗi ngày, bằng một nửa so với trước đây nhưng cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Những ngày qua, có nhiều đồng hương gọi điện rủ anh chạy xe máy về quê, nhưng thấy việc buôn bán cũng tạm ổn nên anh quyết định ở lại làm đến tết.

Người dân ở “xóm cháo lòng” bán mang về và giữ khoảng cách an toàn với khách
Người dân ở “xóm cháo lòng” bán mang về và giữ khoảng cách an toàn với khách

Hôm 5/10, mấy anh em ông Nguyễn Văn Trãi cũng tất bật khai trương một quán ăn nhỏ trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh. 5 năm trước, ông Trãi cùng những người dân quê Quảng Ngãi, Quảng Nam vào đường Liên khu 4-5, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân bán bún riêu, hủ tíu, mì Quảng ở lề đường. Trong đợt dịch thứ tư, hàng trăm người của xóm thất nghiệp.

Đến khi UBND TPHCM nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, mọi người vẫn chưa thể buôn bán trở lại ở lề đường. Nghe người quen giới thiệu mặt bằng ở đường Quách Điêu bị bỏ trống lâu ngày, chủ nhà cho thuê giá rẻ, ông Trãi bàn với hai người em bà con thuê lại mặt bằng để cùng bán. Ngày 1/10, ba anh em cùng ký hợp đồng thuê nhà sáu tháng. Mỗi ngày, họ bán được hơn 150 suất ăn.

Ông Trãi cho hay: “Tụi tôi đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin COVID-19 nên cũng yên tâm buôn bán. Cái khó là trước đây chúng tôi chỉ bán lề đường, bây giờ bán ở tiệm thì phải thay đổi cách bán. Khẩu trang, bao tay là nhất thiết phải đeo, tiền thì giao nhận qua cái rổ rồi khử khuẩn chứ không nhận trực tiếp”.

Từ ngày 1/10, nhiều người buôn bán lề đường đã chuyển sang thuê mặt bằng để buôn bán cố định như ông Trãi. Điều khá thuận lợi là hiện đang có khá nhiều mặt bằng bỏ trống, giá cho thuê khá thấp so với trước đây, chủ mặt bằng cũng không yêu cầu đóng tiền thế chân như trước.

Luôn tuân thủ quy định 5K
Bảy ngày qua, tiệm cắt tóc của anh Trung Hiếu (P.16, Q.8) chủ yếu nhận khách theo lịch đặt trước qua điện thoại. Tiệm chỉ cho tối đa hai khách vào cùng lúc để giữ khoảng cách an toàn, khách sẽ được xịt cồn khử khuẩn. Cắt xong, thợ sẽ khử khuẩn dụng cụ, mới tiếp tục cắt cho người tiếp theo.

Theo anh Trung Hiếu, ngày 1/10, anh cũng chưa biết sẽ hoạt động thế nào cho an toàn. Anh gọi điện hỏi cán bộ phường thì được hướng dẫn rất nhiệt tình. Thỉnh thoảng, cán bộ địa phương cũng ghé tiệm để nhắc nhở, hướng dẫn thợ cắt tóc và khách tuân thủ quy định về phòng, chống dịch. Anh Hiếu tâm sự: “Mình mở cửa hoạt động rồi rút kinh nghiệm dần. Ngày đầu mở tiệm, khách đến đông, tôi không biết làm sao cả, sau đó mới nghĩ ra cách hẹn giờ qua tin nhắn điện thoại”.

Một cán bộ Trung tâm Y tế Q.8 cho biết, những ngày qua, trung tâm đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn, trạm y tế các phường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, hướng dẫn các hộ kinh doanh buôn bán an toàn. Đa số người dân và chủ cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định.

Buổi sáng, trước khi đi làm, người dân ở xóm ve chai nằm ven Quốc lộ 1, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân ghé lại trụ sở khu phố nhận gạo hỗ trợ do chính quyền địa phương cấp phát. Hầu hết người dân ở xóm đều từ miền Trung vào TPHCM lập nghiệp. 
 

Ở các vựa ve chai, người dân cũng được hướng dẫn thực hiện nguyên tắc 5K
Ở các vựa ve chai, người dân cũng được hướng dẫn thực hiện nguyên tắc 5K

Bà Lê Thị Thái - quê H.Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - cho biết, dọc theo Quốc lộ 1 qua P.Bình Trị Đông B có nhiều vựa ve chai nên rất đông người làm nghề ve chai thuê trọ. Mấy tháng giãn cách xã hội, bà Thái và hàng chục người làm nghề ve chai ở đây chủ yếu sống dựa vào quà của mạnh thường quân, tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mấy ngày qua, tuy đã được đi làm trở lại nhưng thu nhập vẫn còn bấp bênh. Cũng may, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ gạo và chuẩn bị phát tiền đợt ba nên mọi người yên tâm phần nào.

Theo bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân - kể từ ngày 1/10, người dân bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhưng không còn tình trạng vi phạm các quy định phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra đường, tụ tập đông người nhậu nhẹt. Bà nói: “Ý thức về phòng, chống dịch của mỗi người đã được nâng cao. Chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng người dân trong cuộc sống “bình thường mới”. Các lực lượng chức năng sẽ thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân và các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch”. 
(Còn nữa)

Đẩy mạnh chăm lo để người dân yên tâm 

UBND Q.Bình Tân đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại để người dân được đi làm.

Với những trường hợp muốn về quê, UBND quận sẽ lập danh sách để tổ chức đưa về. Quận cũng đang chi gói hỗ trợ đợt ba cho các hộ khó khăn, dự kiến 700.000 trường hợp. Hiện quận đã duyệt danh sách trên 441.000 trường hợp và 99.300 trường hợp đã được nhận tiền hỗ trợ.

Với những người có nguyện vọng về quê nhưng có tên trong danh sách nhận hỗ trợ, UBND các phường sẽ linh động trao tiền hỗ trợ trước khi họ về. UBND các phường cũng xem xét và có chính sách hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND Q. Bình Tân

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI