Sinh viên quốc tế và "ác mộng" từ Tổng thống Trump

06/02/2017 - 14:00

PNO - Từ khi sắc lệnh cấm nhập cư Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm đến công dân của bảy quốc gia Hồi giáo được ban hành, sinh viên quốc tế ở Mỹ “nín thở” chờ động thái mới nhất từ chính quyền.

Sinh vien quoc te va
Sắc lệnh của Tổng thống Trump đi ngược với tinh thần tôn trọng sự đa dạng của nước Mỹ. - Ảnh: Vox

Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) ngày 4/2 cho biết, cơ quan này đã đình chỉ tất cả hành động thực thi sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Trước đó, Thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết tạm ngừng thực thi sắc lệnh của Tổng thống Trump. Đây là hai trong số những đòn giáng mạnh vào sắc lệnh hà khắc của Tổng thống Trump.

Những đối tượng bị sắc lệnh trên chi phối chưa kịp vui mừng thì Bộ Tư pháp đe dọa sẽ can thiệp, bảo vệ giá trị các sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump đã ban hành. “Cuộc chiến” này chưa đến hồi kết, càng dấy lên nỗi lo lắng, hoang mang đối với sinh viên quốc tế sống và học tập tại Mỹ.

Lãnh đạo những trường đại học tốp đầu của Mỹ đồng loạt chia sẻ quan điểm phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump, đồng thời trấn an sinh viên nước ngoài.

Hiệu trưởng Drew Faust của trường Harvard viết thư ngỏ gửi Tổng thống Trump, nhấn mạnh đại học này đã có kế hoạch hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi vì sắc lệnh của ông Trump.

Bà Drew Faust nhấn mạnh, nhiệm vụ tối thượng và duy nhất của đại học Harvard là thu hút nhân tài trên thế giới cùng kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn trong sự thấu hiểu đậm tính nhân văn, sẵn sàng nói không và đương đầu đến cùng với những tư tưởng thù hằn. Lời lẽ đanh thép của nữ hiệu trưởng cũng là thông điệp chung từ những lãnh đạo hàng đầu của các trường đại học Mỹ.

Hiệu trưởng John I. Jenkins của Đại học Notre Dame tuyên bố: “Nếu sắc lệnh này được giữ nguyên, nó là cú đánh mạnh vào nỗ lực nghiên cứu và giáo dục của tất cả trường đại học ở Mỹ, cái nôi của hàng loạt sáng tạo có giá trị cho nền kinh tế Mỹ”.

Sinh vien quoc te va
Sinh viên Mỹ biểu tình bảo vệ những người bạn Hồi giáo. - Ảnh: USA Today

Sắc lệnh “đánh” vào người nhập cư không chỉ ảnh hưởng đến chính trị, xã hội nước Mỹ. Nếu việc cấm nhập cảnh áp dụng với công dân bảy quốc gia trên kéo dài, các trường đại học Mỹ sẽ mất khoảng 700 triệu USD mỗi năm vì thâm hụt khoản học phí của sinh viên từ những nước trên.

Chương trình Đào tạo thực tiễn tùy chọn (OPT), cho phép sinh viên nước ngoài đạt bằng cấp cao được quyền lưu trú từ 12 đến 29 tháng để làm việc tại Mỹ theo hệ thống thị thực H-1B.

Hiện chỉ tiêu H-1B mỗi năm là 85.000 chỗ. Tuy nhiên, điều sinh viên quốc tế quan tâm là liệu sắp tới ông Trump sẽ có những cải cách nào với loại thị thực trên trong nỗ lực hạn chế lao động nước ngoài, đưa việc làm về tay người Mỹ.

Sinh vien quoc te va
Sinh viên nước ngoài ở Mỹ thấp thỏm vì không biết ngày mai liệu có sắc lệnh gì mới? - Ảnh: WTNH

Những sinh viên bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông Trump đang không biết phải đi đâu, làm gì lúc này. Nếu trở về nhà, họ có thể chẳng được đến Mỹ tiếp tục con đường học tập nghiên cứu. Nhưng nếu ở lại, liệu họ có thể xin được việc khi chính quyền Mỹ tiếp tục khép chặt cơ hội với họ.

Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Trump đã xuất hiện trong gần 60 đơn kiện liên bang tại gần 20 tiểu bang. Nhóm 30 sinh viên trường luật thuộc Đại học Yale mỗi ngày nhận hàng trăm thư điện tử yêu cầu họ đại diện người dân soạn đơn kiện tổng thống. Sinh viên Carolyn Lipp trong nhóm trên cho biết: “Đây là lúc chúng tôi phải góp sức, vì một đất nước mà quyền tổng thống không phải là tất cả”.

Thiên Anh (Theo Vox, USA Today, WTNH, kuow.org,Yahoo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI