Sau lần bệnh nặng, tá hoả với chuyện tiền nong trong nhà

24/08/2020 - 05:41

PNO - Chắc ông chồng nào cũng thấy bực khi đưa vợ bao nhiêu hết bấy nhiêu, khi cần hỏi đến không còn đồng nào...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 39 tuổi, thật sự chưa đến tuổi để biết lo dành dụm tiền bạc dưỡng già nhưng một lần nằm viện vì đau ốm đã khiến em hoàn toàn thay đổi suy nghĩ.

Cách đây hai tháng, em nhập viện vì một cơn đau bụng nhưng rồi bị phát hiện viêm phúc mạc, phải mổ. Thật sự em bị choáng, cứ nghĩ là cơn đau bao tử thông thường, ai ngờ nằm bệnh viện đến hai tuần. 

Mấy ngày đầu vô viện, đủ thứ tiền phải lo phải nộp, từ tiền tạm ứng cho bệnh viện đến tiền mua đồ dùng, tiền ăn uống, tiền để ở nhà cho các con chi dùng hằng ngày. Chỉ sau vài ngày, số tiền dành cho chi tiêu trong mấy tháng đã hết vèo, may có bà chị em tâm lý biết hoàn cảnh nên cho vợ chồng em mượn đỡ một số tiền để em yên tâm chữa bệnh. 

Sau khi ra viện, em thấy mình yếu hẳn. Có thể một phần vì tâm lý - lần đầu tiên em nằm viện lâu đến vậy, bệnh nặng đến vậy. Nhưng cũng có phần do sức khỏe em đã thực sự giảm sút.

Em nói với chồng bao lâu nay mình chỉ lo kiếm tiền cho sinh hoạt gia đình, cho các con ăn học, nay phải nghĩ đến khoản tiền dành cho lúc ốm đau nữa.

Chồng em bảo em quá lo lắng đó thôi, cả hai vợ chồng đều còn trẻ, những chuyện trước mắt còn rất nhiều, bệnh tật ốm đau trời kêu ai nấy dạ, biết đâu mà phòng ngừa. Cũng phải nghĩ đến việc đầu tư cho quan hệ, ngoại giao, công việc tốt lên thì mới có lương cao, tiền ở đấy chứ đâu ra.

Trong nhà, chồng em là lao động chính. Anh ấy nói vậy em cũng không biết phải làm sao…

Thanh Trang (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thanh Trang thân mến, 

Dành dụm là khó dù chẳng bao giờ thừa. Chỉ khi gặp chuyện rủi ro nào đó, phải đối mặt với khó khăn thực sự, biết lo cho gia đình, cho sức khỏe, người ta mới có động lực mạnh mẽ để dành dụm.

Trường hợp của em đúng là vậy đó. Ốm đau một lần, bất lực nằm trên giường bệnh mới thấy lo. Ai chưa trải qua cảm giác đó khó mà hiểu, nên em đừng vội trách chồng, anh ấy không lo cũng là bình thường thôi. Bởi vậy, người ta mới nói đàn bà trong nhà là tay hòm chìa khóa. Điều đó có nghĩa là mọi chuyện nằm trong tay mình cả em ạ. 

Em không phải là lao động chính trong nhà nhưng em là người nắm giữ chi tiêu gia đình. Mình có thể tiết kiệm một chút, chỗ này chỗ kia có thứ nào không cần thiết thì đừng sắm. Đồ đạc vật dụng ráng giữ gìn, dùng bền thì bớt hư hỏng, bớt sửa chữa mua sắm. Các khoản chi trong tháng, những khoản nào cố định, không thay đổi được, mình để dành riêng.

Chi tiêu có sổ sách ghi chép là một bí kíp nhiều bà nội trợ đã áp dụng hiệu quả. Nó cho biết tình hình mua sắm trong tháng, giúp mình không vung tay quá trán. Có thêm được đồng lương đồng thưởng nào dù lớn hay nhỏ mình đều quản lý được, đều dành dụm được.

Nhiều chị em hay nói vừa cầm tiền chưa ấm tay đã hết, kiểm lại không biết mình tiêu gì. Đó là cái vụng của người đàn bà. Phải nhớ đồng tiền dành dụm là đồng tiền phòng thân, không chỉ cho chồng con mà còn cho chính mình.

Các ông chồng khi đưa tiền cho vợ thường chẳng bảo đồng nào để dành, đồng nào để tiêu. Nhưng chắc ông nào cũng thấy bực khi đưa vợ bao nhiêu hết bấy nhiêu, khi cần hỏi đến không còn đồng nào.

Vậy nên, nếu thỉnh thoảng vợ bảo mình có để dành được chừng này chừng nọ, hẳn chồng sẽ “nể” vợ thêm mấy phần. Thuận vợ thuận chồng thì vậy, lỡ may không thuận, mình cũng có chút ít lận lưng, đỡ phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Chúc em khởi đầu công cuộc “nuôi heo” một cách thú vị và thành công. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Phương Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Tìm hiểu thêm về quản lý tài chính 

Tôi cũng ở nhà nội trợ, xài tiền chồng đưa và luôn có quỹ dự phòng. Đọc mấy dòng bạn viết, quả thật tôi khá ngạc nhiên vì phụ nữ Việt Nam thường rất lo xa, nên vun vén nhà cửa tiền bạc chu đáo vô cùng.

Tôi tự hỏi chồng bạn đưa ít đến mức nào để bạn chỉ vừa đủ lo lắng cho cả nhà, còn bản thân mình thì… Có rất nhiều bài chia sẻ về quản lý tài chính cá nhân trên mạng xã hội và có cả những app để giúp chúng ta cân đối chi phí.

Bạn nên tìm hiểu thêm và nhớ mua bảo hiểm. Bạn cũng nên xây dựng thêm một quỹ dự phòng kẻo có gì bất trắc, chẳng hạn như đợt dịch này, mà chồng bạn mất việc, gia đình bạn vẫn có tiền để cầm cự qua ngày tháng.

Hãy tìm hiểu các bí quyết quản lý thu chi của chị em trên mạng. Ảnh minh họa
Hãy tìm hiểu các bí quyết quản lý thu chi của chị em trên mạng. Ảnh minh họa

Châu Tuyền (Q.11, TP.HCM): Nên mua bảo hiểm 

Theo thư bạn viết, tôi thấy mọi thứ không quá trầm trọng nhưng cũng chẳng lấy gì bảo chứng cho sự bền vững. Tôi nghĩ rằng, dù có kiếm được tiền hay không chúng ta đều phải có kế hoạch về tài chính cho cá nhân mình nói riêng và cả gia đình nói chung.

Tôi không cho phép bản thân lỏng lẻo như thế. Khoản tiền có được hằng tháng đều đặn được chia ra làm nhiều phần. Phần mua bảo hiểm để bảo vệ cả gia đình. Đầu tư một ít. Rồi mới đến chi phí sinh hoạt cả nhà.

Nói nghe to lớn chứ thật ra mỗi khoản một ít nhưng đều phải có. Bản thân tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu người, khi có việc gì hoàn toàn trắng tay, loay hoay đủ chỗ.

Thế nên, về vấn đề tiền bạc cá nhân, tôi đều có kế hoạch rất rõ ràng. Bảo hiểm chính là gói dự phòng rồi nên tôi khá yên tâm.

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI