Sau 1 tuần giãn cách xã hội, những điểm nóng dịch COVID-19 đã hạ nhiệt

09/06/2021 - 07:53

PNO - Các chuỗi lây nhiễm đã biết tại TPHCM từng bước được khống chế. Mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc được phát hiện trong cộng đồng, nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan một, hai thành viên trong gia đình.

Nở rộ chùm “hoa tuyết” mang dịch bệnh

Trưa 31/5, người dân TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và người dân quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo Chỉ thị 16.

Sáng hôm sau, 1/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã có cuộc họp quan trọng với sự tham dự trực tiếp của đoàn công tác Chính phủ. Buổi làm việc do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng chủ trì.

Sơ đồ chuỗi lây nhiễm liên quan điểm truyền giáo Phục Hưng - Ảnh: HCDC
Sơ đồ chuỗi lây nhiễm liên quan điểm truyền giáo Phục hưng - Ảnh: HCDC

Lúc này, sự bùng phát của dịch bệnh khiến ai cũng lo lắng. Chỉ trong sáu ngày tính từ đêm 26/5, số ca nhiễm tại TPHCM đã tăng vọt lên 211 người. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tiên lượng: “Sẽ có thể lên 500 người nhiễm COVID-19 trong tuần sau”.

Sự bùng nổ của các ca bệnh được bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), hình ảnh hóa qua sơ đồ chuỗi lây nhiễm. Đó là một hình ảnh giống hệt bông hoa tuyết khiến những người dự họp ồ lên ngạc nhiên. Vòng tròn sát tâm của bông hoa tuyết là 40 ca F0 của nhóm truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp). Từ những F0 này, những chùm ca bệnh dần lan ra xa tạo nên các chùm ca ở trường học, bệnh viện, cao ốc văn phòng…

Tại thời điểm đó, đã có 20/22 quận, huyện có ca bệnh xuất hiện, hơn 3.000 người phải vào khu cách ly tập trung. Dịch bắt đầu gần như cùng lúc lan ra sáu tỉnh, thành quanh TPHCM. 

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định TPHCM đã đi sau đến 4-5 chu kỳ lây lan của virus SARS-CoV-2, phải nhanh lên để truy vết. Thời điểm này, TPHCM đã nâng công suất lấy mẫu lên đến hơn 50.000 người trong 24 giờ - điều mà năm 2020, chưa ai dám nghĩ có thể làm được. 

Trước tình hình căng thẳng này, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đưa ra phương án tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc truy vết bằng cách xét nghiệm cả các trường hợp F1, F2.

Sau đó, ngày 4/6, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khẳng định, thành phố sẽ truy vết bằng cách xét nghiệm cả trường hợp F3 có nhiều nguy cơ.

Phương án dùng test nhanh kháng nguyên cũng đã được Sở Y tế yêu cầu phải thực hiện tại các bệnh viện. Điều này gần như ngay lập tức phát huy tác dụng. Liên tục các trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện nhờ test nhanh kháng nguyên như tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Quận 7… 

Bảy ngày tận lực truy vết những F0 lang thang

Những ngày thành phố giãn cách, các con đường thưa vắng người. Quận Gò Vấp, nơi phát sinh chuỗi lây nhiễm điểm truyền giáo Phục hưng trong tình trạng giãn cách tuyệt đối theo Chỉ thị 16. Lần lượt người dân toàn quận Gò Vấp được lấy mẫu xét nghiệm, đúng theo phương châm mà Chủ tịch UBND TPHCM tuyên bố: “Sẽ tận dụng 15 ngày giãn cách để dập dịch”. 

Bảy ngày giãn cách xã hội, vào ngày 7/6, số ca COVID-19 tại TPHCM từ 211 đã tăng lên 362 người. Trong đó, quận Gò Vấp dẫn đầu với 91 người nhiễm.

Số ca nhiễm tăng nhưng theo phân tích của chuyên gia bệnh truyền nhiễm - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, không nên hoang mang khi thấy con số nhiễm tăng. Điều quan trọng là phải tìm những F0 càng sớm càng tốt.

“TPHCM đã triển khai test nhanh tại những nơi chưa làm được và đã phát hiện những F0 lang thang. Việc truy vết diện rộng đang hiệu quả. Việc phong tỏa khoanh vùng tốt để virus không đi xa”, bác sĩ Hữu Khanh nói. 

Theo thống kê của Sở Y tế, từ 27/5 đến hết ngày 5/6/2021, TPHCM đã lấy 443.081 mẫu xét nghiệm, trong đó 5.824 mẫu tiếp xúc gần các trường hợp dương tính, 437.257 mẫu tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin: sở đã huy động hơn 3.000 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 48 bệnh viện và hơn 500 sinh viên của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Nỗ lực không ngừng nghỉ để truy vết đã nâng số lượng mẫu xét nghiệm lên con số đạt 100.000 mẫu/24 giờ, con số vượt những mốc trước đây. 

Khi tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm được đẩy lên cao nhất thì những ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày bắt đầu giảm. Nếu trước khi giãn cách xã hội, có ngày các bệnh viện tại TPHCM tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh, thì vào những ngày giãn cách, trung bình chỉ khoảng 25 ca bệnh/ngày, trong đó chủ yếu là những trường hợp dương tính sau khi được đưa đi cách ly hoặc dương tính trong khu vực đã phong tỏa, khoanh vùng.

Từ ngày 31/5, bắt đầu ghi nhận ca bệnh đã được cách ly và tăng dần so với tỷ lệ ca bệnh phát hiện dương tính chưa bị cách ly. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: điều này cho thấy, các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đã từng bước được khống chế. Mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến một, hai thành viên trong gia đình.

Sau bảy ngày giãn cách, bông hoa tuyết - chuỗi lây nhiễm liên quan điểm truyền giáo Phục hưng - đã không còn phình to lên đột ngột như trước. Từ vòng tròn đồng tâm, chuỗi lây nhiễm này tách ra thành từng chuỗi nhỏ hơn như chuỗi khách sạn Sheraton với 12 người; chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang với 34 người; chuỗi Trường mầm non song ngữ Kid Town quận 12 với 26 người; khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp với 22 người; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS với 37 người; chuỗi lây nhiễm tại số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình với 91 người. 

Giãn cách xã hội, một lần nữa cho thấy đây như liều thuốc giảm đau, hạ sốt cực nhanh trước cơn bùng phát của dịch COVID-19. Chủ tịch UBND TPHCM nhận định những ngày qua, triển khai giãn cách xã hội đã có hiệu quả. Ông nhận định ngành y tế TPHCM đã đánh giá được chuỗi lây nhiễm nào nguy cơ lây lan cao nhất để tập trung khoanh vùng, truy vết; nhờ xét nghiệm diện rộng đã kịp thời phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh tại cộng đồng.

Dù vậy, giãn cách xã hội chính là thành phố đã chấp nhận hy sinh nhiều vấn đề, theo như lời của lãnh đạo TPHCM. 

Để tránh một cơn bùng phát dữ dội của COVID-19 có thể tiếp tục xuất hiện, lãnh đạo TPHCM cho biết, sẽ huy động tổng lực nhân sự ngành y, kể cả y tế tư nhân để đảm bảo hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 8 giờ sau khi phát hiện có ca nhiễm, nghi nhiễm.

Ngay trong tuần này, sẽ cố gắng lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 280.000 công nhân và 3.000 chuyên gia tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, 45.000 người tại Khu công nghệ cao. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin là bước đi mà TPHCM đang thực hiện để tạo hàng rào vững chắc trước những nguy cơ khó lường của dịch COVID-19. 

Vai trò quan trọng của biện pháp y tế công cộng khi chống dịch COVID-19

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Trường đại học New South Wale (Úc), nhận định: vai trò của vắc xin trong việc phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 rất quan trọng. Nhưng cần phải xác định rằng mục đích của vắc xin là giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người bị nhiễm. Người được tiêm vắc xin vẫn có thể lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin vẫn có thể bị người khác lây nhiễm, dù xác suất thấp hơn so với người không tiêm vắc xin.

Kinh nghiệm ở Úc cho thấy, ngay cả trong khi triển khai tiêm vắc xin ở quy mô cộng đồng thì các biện pháp chống dịch hữu hiệu nhất vẫn phải dựa vào các phương cách y tế công cộng. Các phương cách này bao gồm: đóng cửa biên giới, giới hạn giao thông công cộng, phong tỏa toàn quốc, hạn chế tụ tập dưới 50 người… Trong tất cả các phương cách này, khoa học chỉ ra rằng giới hạn tụ tập và hạn chế đi lại ở những vùng có ổ dịch là hữu hiệu nhất.  

Tóm lại, vắc xin tuy rất quan trọng nhưng các biện pháp y tế công cộng như hạn chế tụ tập vẫn phải áp dụng. Dĩ nhiên, khi vắc xin được triển khai cho chừng 70% dân số thì các biện pháp y tế công cộng có thể giảm dần đến mức tối thiểu.

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI