Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022

06/07/2022 - 06:24

PNO - Hôm nay 6/7, hơn một triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bằng việc đến điểm thi làm thủ tục dự thi. Qua đợt kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cho thấy, đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản đã hoàn tất.

Dự phòng mọi tình huống phát sinh

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - khẳng định: Thành phố (TP) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi. Đồng thời, đã tổ chức tập huấn kỹ cho tất cả cán bộ về nghiệp vụ coi thi, thanh tra, bảo quản, vận chuyển đề thi. TPHCM huy động hơn 13.600 cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi. Bên cạnh 158 điểm thi, mỗi quận, huyện có thêm ba điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi có thêm ba phòng thi dự phòng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý TP cần dự phòng kỹ các tình huống phát sinh và lên phương án xử lý thật tốt. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thi, nếu phát sinh tình huống ngoài dự liệu, chưa rõ cách xử lý thì phải hỏi ngay, tránh dẫn đến sai sót.

Là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước (gần 98.000 em), TP.Hà Nội đã bố trí 181 điểm thi và dự phòng thêm 60 điểm thi. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trưởng điểm thi xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết, dự liệu các tình huống bất trắc về dịch bệnh, thời tiết... để chủ động ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (giữa) kiểm tra tình hình chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM ngày 4/7 - ẢNH: P.T.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc (giữa) kiểm tra tình hình chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM ngày 4/7 - Ảnh: P.T.

Tại tỉnh miền núi Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho biết: Ngày thi rơi vào thời điểm thường xuyên xảy ra mưa lũ. Do đó, tỉnh đã có phương án dự phòng và chỉ đạo các sở y tế, giao thông phối hợp lực lượng công an, quân đội sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - lo ngại một số điểm thi phải đặt tại vùng hải đảo, xa trung tâm như điểm thi THPT Cô Tô (huyện đảo Cô Tô), điểm thi THPT Quan Lạn (đảo Quan Lạn). Ở các điểm thi này, tàu thủy là phương tiện duy nhất để đi lại và vận chuyển đề thi, bài thi. Do đó, tỉnh đã lên phương án dự phòng trường hợp thông tin liên lạc bị ảnh hưởng khi thời tiết xấu.

Nhiều tỉnh cũng lên phương án hỗ trợ cho thí sinh vùng sâu, vùng xa. Trong đó, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị trên 300 chỗ ở cho thí sinh tại các huyện miền núi. Một số trường bố trí suất ăn miễn phí, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Tương tự, tỉnh Quảng Bình có hai huyện miền núi (Minh Hóa, Tuyên Hóa) gặp khó khăn về điều kiện đi lại, ăn ở. Do đó, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ đi lại và chỗ ở cho thí sinh, với mục tiêu không có thí sinh nào không thể tham gia kỳ thi vì khó khăn về kinh tế hay điều kiện đi lại.

Đề phòng gian lận bằng thiết bị công nghệ tinh vi 

Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình - cho biết tỉnh bố trí khu vực in sao đề thi tại địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt với ba vòng cách ly.

Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ một điện thoại cố định có loa ngoài, kết nối với thiết bị ghi âm được công an, cán bộ giám sát 24/24. “Tỉnh cũng lên phương án vận chuyển đề thi từ địa điểm in sao đến các điểm thi hết sức nghiêm ngặt. Toàn bộ quá trình giao nhận, vận chuyển đề thi được công an tỉnh bảo vệ và giám sát chặt chẽ” - ông Tuấn cho hay.

Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết tủ đựng đề thi và tủ bài thi được bố trí phòng riêng có camera giám sát 24/24, được khóa và niêm phong với đầy đủ chữ ký. Hệ thống camera không được kết nối internet, phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện. Mỗi ngày TP bố trí hơn 80 xe để vận chuyển đề và nhận bài thi tại các điểm thi. Riêng các điểm thi ở H.Cần Giờ, TP đã bố trí một chuyến phà ưu tiên để chuyên chở đề thi, bài thi. 

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, quy định bố trí nơi để vật dụng cho thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m là nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử tinh vi. Hiện các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25m, vì vậy, nếu thiết bị của thí sinh để ngoài hành lang thì vẫn có thể thu phát tín hiệu trong phòng thi và nguy cơ làm lộ đề. Đến nay, hầu hết các địa phương đều rà soát, đảm bảo thực hiện yêu cầu này. Đối với một số nơi hạn chế về cơ sở vật chất, lãnh đạo địa phương đã có giải pháp linh hoạt. Chẳng hạn, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị chuẩn bị các thùng đựng vật dụng cho thí sinh theo phòng thi, sau đó di chuyển các thùng này đến khu vực tập trung cách nơi thi 25m.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cũng lưu ý các lãnh đạo điểm thi về tình trạng gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ tinh vi như máy quay, máy ghi âm siêu nhỏ cài nút áo, khẩu trang... Đặc biệt, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, thí sinh phải đeo khẩu trang, có thể lợi dụng khẩu trang để giấu thiết bị này. Do đó, giám thị coi thi cần theo dõi các biểu hiện bất thường của thí sinh, không để xảy ra vi phạm. 

Phương Thanh - Minh Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI