Sài Gòn 105 độ F

10/04/2020 - 13:00

PNO - Nhiều người không phải “thổ dân Sài Gòn” ít biết rằng, ở những hóc hẻm thành phố này, người ta còn cưu mang nhau lặng lẽ lắm.

Luôn luôn, tháng Tư - đoạn nắng chát chúa chia đôi thành phố: dừng lại cho những hoài niệm hay nhặt nhạnh các giá trị phục hưng.

Chẳng phải đến khi chung lưng đấu cật cùng cả nước chống chọi trước dịch bệnh COVID-19, người ta mới thấy nghĩa tình của nơi này. Hẳn cũng chưa ai quên những thùng trà đá miễn phí dọc hai bên đường; quầy bánh mì mỗi người một ổ; quán cơm hai ngàn; dĩa cơm trên tường rồi giải cứu nông sản…

Mấy hôm nay, những khó khăn trong đại dịch lại được người dân xoa dịu bằng những gói nhu yếu phẩm ai cần cứ lấy, ai đủ đầy xin nhường cho người khác thiếu thốn hơn; những chiếc khẩu trang, nước rửa tay xuống phố phát cho người vô gia cư; những thùng mì, chai nước mắm, lốc sữa đến tận tay người nghèo, neo đơn… Mới nhất, mấy hôm gần đây, cây “ATM gạo” đầy sáng tạo cũng dành biếu không cho kẻ khó...

Khách 'giao dịch' bằng cách nhấn nút, gạo sẽ chảy vào túi ni lông ở cuối ống.
Cây “ATM gạo” miễn phí đầy sáng tạo của người Sài Gòn

Chắc chắn sẽ còn nhiều nghĩa cử tương tự. Bởi cưu mang tất thảy, Sài Gòn có bao giờ biết phân biệt giọng nói, vùng miền, chính kiến. Tất cả họ - người Sài Gòn ấy, một khi đã uống nước sông này - chỉ biết chăm chăm đến các “giao thức” nối kết người với người.

Nhớ hồi còn nhỏ, năm nào tôi cũng nghe thành phố quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung bão lụt. Công nhân viên chức ứng ngày lương. Tiểu thương xẻn bớt đồng lời lãi. Bọn trẻ làm kế hoạch nhỏ. Ngoài trích phần tiền dành dụm bỏ ống, lũ nhóc khu phố tôi còn mê mẩn góp sức chuyền tay nhau những thùng mì gói hiệu “hai con tôm” chất lên xe tải ở sân giáo đường.

Nhiều người không phải “thổ dân Sài Gòn” ít biết rằng, ở những hóc hẻm thành phố này, người ta còn cưu mang nhau lặng lẽ lắm. Trước khi có mạng xã hội lan truyền hình ảnh làm lung linh những hành động sẻ chia, tự bao giờ, chuyện người ấn vào tay người những tờ bạc “làm phước” nhưng tuyệt đối “cấm” cho người thụ hưởng biết ân nhân là ai không phải là hiếm.

“Việc tay trái làm, không để tay phải biết”, người ta thường ngầm quy ước. Không đợi đến lúc có tai ương, cũng chả cần ai vận động, “nhường cơm sẻ áo” là phần chìm âm thầm và “thường quy” ngay trong lúc đô thành đang xập xình nhất, hay cả khi giới nghiêm hoặc lúc này, đang thực thi lệnh cách ly vắng lặng.

Những hạt gạo nhân ái làm ấm lòng những người gặp khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Những hạt gạo nhân ái làm ấm lòng những người gặp khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Cũng trong cái nắng thiêu đốt của tháng Tư, người Mỹ tháo chạy với mật hiệu núp dưới bản tin thời tiết trên đài phát thanh: “Nhiệt độ ở Sài Gòn bây giờ là 1050F và còn tiếp tục lên cao hơn” kèm sau đó bài hát Giáng sinh trắng giữa mùa hè nhiệt đới. Một trùng hợp không ngờ, tròn 45 năm sau, "mật hiệu" đó lại là tín hiệu hy vọng đối với những người tin rằng khí hậu đang ủng hộ chúng ta trước sự đe dọa của vi-rút SARS-CoV-2.

Người ta dùng “1050F”, tương đương 400C, ngưỡng “cháy da” thường niên của Sài Gòn, để rời bỏ: một thành phố vẫn đứng đó muôn thăng trầm. Và cho dù “nhiệt độ” cứ tiếp tục tăng cao bao nhiêu chăng nữa, đi hay ở, từng ghế đá, góc phố, hàng cây, con đường quanh năm thảnh thơi rám nắng vẫn luôn dang tay với tất cả, kẻ từ biệt hôm qua, người mới tới hôm nay.

Ở đây, tình thương như phản xạ ánh sáng tự nhiên. Bạn mở lòng sẽ nhận về sự rộng mở. Sài Gòn mãi đẹp bởi luôn biết khuếch tán ánh sáng yêu thương đó. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI