Ranh giới mong manh giữa công và tư

02/11/2016 - 17:38

PNO - Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi bà cầm quyền năm 2013.

Rắc rối bắt nguồn từ mối quan hệ bạn bè giữa tổng thống và bà Choi Soon-sil. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho kết quả, 40% cử tri được khảo sát muốn bà Park từ chức hoặc bị luận tội.

Tuần rồi, trên sóng truyền hình, Tổng thống Park Geunhye buộc phải xin lỗi người dân, thừa nhận mình đã cung cấp các bài phát biểu cho người bạn lâu năm Choi Soon-sil và tham khảo ý kiến bà này trong việc điều chỉnh một số nội dung. Truyền thông Hàn Quốc đánh giá đây là sai lầm đáng tiếc của bà Park, để lộ ra một bộ máy yếu kém về kiểm soát thông tin quốc gia. Hành động bất thường này tạo cơ hội cho các đối thủ chính trị củng cố thêm những chỉ trích vốn nhắm vào bà Park trong thời gian qua.

Đài JTBC cho biết, không chỉ 44 bài diễn văn nói trên, bà Choi Soon-sil còn nắm giữ khoảng 200 file tài liệu về các bài phát biểu vận động tranh cử, phát biểu của Tổng thống Park tại cuộc họp nội các và cuộc họp với cố vấn Phủ Tổng thống. Từ đó, họ đặt ra nhiều câu hỏi rằng liệu sự minh bạch ở đâu và trách nhiệm của những người cố vấn hàng đầu cho bà Park đến mức nào, sau đó quy chụp rằng đây là hành vi đe dọa lợi ích quốc gia.

Bà Choi Soon-sil cùng cha mình vốn có quan hệ mật thiết với bà Park, điều này bà Park không hề giấu giếm từ trước tới nay. Với Tổng thống Park Geunhye, Choi Soon-sil là người bạn không ít lần đưa ra gợi ý, tư vấn giúp bà Park sáng tỏ nhiều điều và thường ở bên động viên nữ tổng thống trong những giai đoạn nội các gặp khó khăn.

Nắm được mối quan hệ đặc biệt này, nghị sĩ của các đảng đối lập không ít lần đưa Tổng thống Park vào thế khó, công bố trước dư luận câu chuyện chưa ai kiểm chứng rằng bà Choi lợi dụng mối quan hệ với tổng thống nhằm huy động tiền cho hai quỹ do bà kiểm soát, trục lợi từ các doanh nghiệp. Bà Park nhiều lần phủ nhận lời buộc tội trên và vẫn duy trì quan hệ bạn bè với bà Choi. Về phần mình, bà Choi không ngờ mọi việc đi quá xa vì không nghĩ những bài phát biểu trước công chúng được xếp vào tài liệu mật của quốc gia.

Ranh gioi mong manh giua cong va tu
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xin lỗi người dân về sự việc đáng tiếc liên quan đến bà Choi Soon-sil - Ảnh: STRAITS TIMES

Những ai phản đối Tổng thống Park không tin rằng mọi việc dừng ở mức đó, họ chờ đợi bằng chứng cho thấy bà Choi can thiệp sâu hơn. Ngày 29/10, Tổng thống Park Geun-hye yêu cầu 10 thư ký cấp cao của mình từ chức, thể hiện quyết tâm cải tổ dàn cố vấn chuyên môn.

Tổng thống Park cũng khẳng định việc bà Choi tư vấn đã chấm dứt sau khi mình thiết lập được đội ngũ phụ tá. Một cuộc điều tra công tâm, toàn diện là điều người dân Hàn Quốc mong đợi. Họ cần lời giải đáp cho câu hỏi liệu có hay không những tính toán chính trị nhằm hạ bệ Tổng thống Park Geun-hye cũng như liệu có khuất tất gì ở đây.

Với bất cứ chính phủ nào, đòi hỏi lớn nhất của người dân luôn là sự minh bạch, công tâm. Thế nhưng, không ít trường hợp, các lãnh đạo lâm vào thế khó khi họ vô tình hoặc cố ý trao đặc quyền cho một ai đó chỉ vì quan hệ cá nhân.

Một trong số đó là trường hợp của Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italia Federica Guidi. Tháng 3/2016, bà Guidi phải từ chức ngay sau khi người yêu, doanh nhân Gianluca Gemelli bị điều tra hành vi tham nhũng và lợi dụng quan hệ riêng với quan chức nhằm trục lợi.

Người ta có bằng chứng đoạn ghi âm cuộc gọi của bà Federica Guidi thông báo cho người yêu về việc chính phủ Italia sửa đổi một điều khoản trong luật ngân sách vào cuối năm 2014 theo hướng có lợi cho việc phát triển một giếng dầu mà Gemelli muốn thâu tóm với khoản lời lên đến hàng triệu USD. Trước đó, nhiều lời đồn đại cho rằng bà Guidi đã tác động để có sự thay đổi trên.

Trong thư từ chức gửi Thủ tướng Italia Matteo Renzi, bà Federica Guidi khẳng định sự trung thành tuyệt đối với nội các và chức trách được giao. Tuy nhiên, mối lợi mà người yêu của bà, doanh nhân Gianluca Gemelli được hưởng là có thật. Việc bà từ chức chính là điều tất yếu trước bối cảnh các đảng đối lập chỉ trích và kêu gọi toàn bộ thành viên chính phủ từ chức.

Quan hệ cá nhân luôn là điểm “hở sườn” có thể khiến bất cứ lãnh đạo, chính trị gia nào cũng điêu đứng. Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox gửi đơn xin từ chức, thừa nhận sai lầm khi không phân định rõ quan hệ cá nhân với công việc trong chính phủ.

Ông Liam Fox bất chấp quy định, để cho bạn mình là ông Adam Werritty tham gia 18 chuyến công du nước ngoài, đồng thời cho phép người này tham gia một số cuộc đàm phán quốc tế quan trọng, cũng như dàn xếp cuộc gặp riêng của ông Liam Fox với doanh nghiệp. Thủ tướng Anh David Cameron thời điểm ấy tỏ ra tiếc nuối vì mất một cộng sự đắc lực, tài năng như ông Liam Fox. Chỉ vì quá tin tưởng bạn, ông Liam Fox tự trói mình, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị.

Năm 2007, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Paul Wolfowitz cũng phải từ chức sau khi bị phanh phui việc đề bạt vị trí và mức lương “khủng” cho người yêu. Bà này được chuyển sang công việc nhàn hạ ở Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng lương còn cao hơn cả Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là bà Condoleezza Rice. Ông Paul Wolfowitz phải từ chức vì không thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh WB đang trong nỗ lực chấn chỉnh, loại trừ tham nhũng.

Quyền lực luôn là cám dỗ, đòi hỏi người có quyền, dù là ai cũng phải hết sức tỉnh táo nếu không muốn đánh mất niềm tin của công chúng.

Thiên Như (Theo Straits Times, WSJ, Politico, KBS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI