Quốc hội bất ngờ sôi động với ví dụ 'khỉ chạy trong hội trường'

02/06/2017 - 16:31

PNO - Tranh luận về việc cấm sử dụng một số loại vũ khí thô sơ như súng kíp, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, đúng là bà con dân tộc một số vùng có tập quán “tiếng súng nổ văn hóa” trong đám, tiệc…

Chiều nay, 2/6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Vấn đề được quan tâm nhất trong dự thảo Luật này là những đối tượng nào sẽ được trang bị vũ khí?, trong trường hợp nào thì người thi hành công vụ được phép nổ súng?

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định về vũ khí thô sơ và vật liệu nổ trong dự luật này, ĐBQH Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) cho rằng, quy định này vẫn chưa xét tới vấn đề văn hóa.

Quoc hoi bat ngo soi dong voi vi du 'khi chay trong hoi truong'
ĐBQH Giàng A Chu phát biểu tại hội trường Quốc hội.

“Hiện nay, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có phong tục sử dụng súng vì mục đích văn hóa, như tập quán dùng tiếng súng nổ để báo khi có đám hiếu, khi viếng đám tang. Nếu quy định như dự luật thì người nào dùng tiếng súng (dạng vũ khí thô sơ như súng kíp) trong đám hiếu như vậy là vi phạm luật, bị bắt hết” – ĐB tỉnh Yên Bái băn khoăn.

“Hơn nữa, ở vùng dân tộc thiểu số, bao năm nay người dân thường vẫn có một khẩu súng kíp trong nhà để tự vệ khỏi thú rừng, không gây nguy hiểm cho xã hội. Tôi ví dụ giờ có một con khỉ chạy trong hội trường Quốc hội này thì phải làm sao? Trong hội trường đã vậy huống hồ người ta ở trên rừng, nếu cấm dân sử dụng súng kíp như vậy e là bà con khó tán thành” – ĐB Giàng A Chu nói khiến cả hội trường Quốc hội bật cười.

Trên cơ sở đó, ĐB đoàn Yên Bái đề nghị dự luật nên cho phép sử dụng vũ khí thô sơ vào mục đích văn hóa như vậy, song cũng phải quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng. Chẳng hạn người được sử dụng súng trong trường hợp này phải là công an viên, dân quân tự vệ, được chính quyền cho phép sử dụng và phải chịu trách nhiệm cá nhân…

Bấm nút xin tranh luận lại phần phát biểu nói trên của ĐB Giàng A Chu, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: “Về “tiếng nổ văn hóa” như ĐB Chu nêu, chúng tôi là cơ quan thẩm tra về dự án luật này, đã tính toán kỹ”.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng, nước ta có 53 dân tộc, rất nhiều văn hóa khác nhau, phong tục tập quán khác nhau. Một mặt cần bảo tồn nhưng mặt khác, rất nhiều phong tục tập quán cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, thậm chí phải hy sinh lợi ích của một bộ phận nhỏ để vì lợi ích chung.

“Trước đây, chúng ta cấm đốt pháo nổ, người dân cũng rất tâm tư như vậy vì tiếng pháo lúc đó cũng là một nét văn hóa sử dụng trong dịp tết, đám cưới, đám hỏi… Vì thế, chúng tôi rất chia sẻ với băn khoăn của ĐB, cũng là băn khoăn của bà con nhưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tuyên truyền vận động để bà con thực hiện chính sách mới của luật” – ĐB Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, một số ĐBQH băn khoăn với quy định tại Điều 24 dự án Luật về trường hợp nổ súng, trong đó Điểm Đ khoản 2 Điều 24 quy định người thi hành công vụ không được nổ súng nếu đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe nhưng không phải là tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác. Tức nếu nổ súng trong trường hợp này, người thi hành công vụ sẽ vi phạm pháp luật.

ĐB Võ Đình Tín (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý. “Sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng con người cần được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách thì người thi hành công vụ không có đủ thời gian, không có đủ minh mẫn để xác định rõ được trường hợp nào họ hoặc người khác đang bị đe dọa tính mạng hay chỉ bị gây nguy hiểm đến sức khỏe” – ĐB Tín phân tích.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI