259 sinh viên tình nguyện chống dịch ở biên giới: “Quê hương ơi, có chúng con đây”

20/03/2020 - 08:04

PNO - Buộc phải bỏ dang dở nghiên cứu của mình, giữa lúc nhận được tin tức dồn dập về hạn mặn gay gắt ở quê nhà, Nghĩa lên biên giới phía Bắc để chống dịch. Như chạm vào mạch nhớ thương gia đình, quê quán, Nghĩa chia sẻ với tôi rất nhiều cảm xúc của cậu, những ý tưởng để chống hạn, để có thêm nước ngọt ở các vùng bị xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Có lúc cậu đau đầu, rưng rưng, rồi như có gì đó lặn vào trong. Tôi hỏi, nếu bây giờ có thể nói gì đó với vùng đất phù sa đang mặn, khát của mình ở phía Nam của Tổ Quốc, Nghĩa sẽ nói gì. "Quê hương ơi, có chúng con ở đây, đừng sợ" - cậu nói, không chớp mắt.

 

Thượng sĩ Lê Phúc Nghĩa vừa cùng đồng đội thực hiện một vòng tuần tra trên sông
Thượng sĩ Lê Phúc Nghĩa vừa cùng đồng đội thực hiện một vòng tuần tra trên sông

Nghĩa đưa tay giũ bớt nước sũng trên bộ quân phục dã chiến và tháo khẩu trang để uống nước. Giữa khí trời mưa ẩm âm u và buốt sương lạnh của miền Đông Bắc Quảng Ninh, tôi bị thu hút bởi gương mặt rám nắng và giọng nói đặc sệt Tây Nam Bộ của chàng trai trẻ này. Lê Phúc Nghĩa quê ở H.Tri Tôn, tỉnh An Giang, là một trong 259 học viên của Học viện Biên phòng vừa rời ghế nhà trường lên tăng cường cho tuyến đầu chống dịch COVID-19. 

Xung kích vào nơi hiểm trở, khắc nghiệt 

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã có một quyết định táo bạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: thay vì đóng cửa giảng đường như hầu hết các trường đại học khác, các sinh viên năm cuối khóa (K) 30 đại học và K22 cử tuyển đại học được tăng cường lên biên giới phía Bắc chống dịch ở các địa bàn xung yếu nhất, gồm các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lạng Sơn. 

Một học viên biên phòng tăng cường cho chốt gác bên sông Ka Long cạnh cột mốc 1352 Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh
Một học viên biên phòng tăng cường cho chốt gác bên sông Ka Long cạnh cột mốc 1352 Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Đây được gọi là đội công tác xung kích, lên đường ngày 6/3 vừa qua và chưa định ngày về. Thay vì viết khóa luận như các khóa trước để tốt nghiệp đại học, các sinh viên này sẽ được biên giới rèn giũa, coi như một kỳ thực tập. Họ được miễn trừ viết khóa luận, đúng hơn là sẽ viết bằng trải nghiệm thực tiễn. Phòng, chống COVID-19 quả là chiến dịch đến sớm bất ngờ, mở đầu binh nghiệp của họ. 

Mưa dầm gió bấc không ngớt hàng tuần liền là thử thách đầu tiên đối với Lê Phúc Nghĩa và các bạn cùng khóa khi lên biên giới. Mỗi sinh viên chỉ có hai bộ quân phục dã chiến mang theo, mặc cả tuần, không dám giặt. Nếu giặt thì không thể khô được trong không khí mù đặc mưa ẩm trên các chốt biên phòng cắm sát đường biên, trên núi cao, địa hình hiểm trở, gió buốt tận xương suốt ngày đêm. 

Chốt xa xôi, khó khăn nhất tuyến biên giới Đông Bắc nằm ở H.Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, gần cột mốc số 1302, thôn Khe Và, cao gần 1.000m so với mặt nước biển, thiếu nước sạch, không có điện và không có sóng điện thoại. Ở đây có một đường mòn trên núi qua biên giới, BĐBP phải cắm chốt để trông chừng cái khoảng hở đó, tuyệt đối không cho người qua lại trái phép, trông chừng cả gia súc chăn thả của người dân hai bên biên giới đi lạc, có thể gieo mầm bệnh. 

Cánh lính trẻ kể lại, những đêm ở đây gió rít mạnh, nhiệt độ xuống âm 2oC, không thể thay phiên nhau chợp mắt được, các anh em bảo nhau gia cố lại lều bạt và khơi lửa, đun nước nóng để nấu mì gói. Gió tạt và nhiệt độ thấp nên nước không sôi được. Vài giờ sau, chiếc lều dã chiến bị gió lớn cuốn phăng xuống mép vực. Đó là một trong những đêm mưa gió nhớ đời trên biên giới của những người lính trẻ.

Đấy là chốt trên núi, còn chốt cạnh sông biên giới thì thấp trũng, hàng chục ngày trời không có đường chân trời, không gian lúc nào cũng ướt rượt. Bình thường đi tuần tra, lính biên phòng chỉ lướt nhanh qua đây, chỗ bãi đất đồi lổn nhổn mộ chí, giờ phải ở lại cả ngày đêm. Ban đầu, các học viên thấp thỏm vì lạ lẫm, vì khác biệt văn hóa, ngơ ngác như ngựa non từ phố về rừng. Chỗ cạnh sông Ka Long, chốt gần cột mốc 1322 ở thôn Cẩm Hắc, xã Đồng Văn, H.Bình Liêu chơ vơ vì xa khu dân cư, chỉ có đống lửa lớn trước lều là không khi nào tắt. Xung quanh, núi cao vây bọc, cây cối trong sương mù cứ nhập nhòe đen thẫm. 

Ghé thăm họ, trái tim phụ nữ như tôi cứ đầy lên sự cảm phục, thương yêu trước nỗi vất vả, quạnh quẽ ấy. Nhìn gương mặt non tơ của một sinh viên có tên ghi trên ngực áo là Danh Thành Tài, tôi hỏi: “Sợ ma không anh lính?”. Tài cười bẽn lẽn: “Hì, lớn rồi mà chị, ma chắc cũng như vi-rút, mắt không nhìn thấy thì không sợ”. 

Về sau, tôi mới biết, chỉ huy của các đồn biên phòng đều phải quán triệt cho cán bộ chiến sĩ, không được kể chuyện hù mấy bạn sinh viên trẻ, sợ các em nhát ma, mất hết nhuệ khí. 

Đêm ở chốt gác biên phòng
Đêm ở chốt gác biên phòng

Những đôi mắt thức cùng chiến dịch

Nói chuyện với các sinh viên rồi, tôi mới thấy các chỉ huy lo xa thôi. Ở trên biên giới, chí khí của 4 năm huấn luyện quân sự mới được dịp thể hiện. Đã từng có chuyện học viên gác đêm, có kẻ vãng lai lân la đòi hối lộ tiền để qua biên giới tuồn khẩu trang bán kiếm lời. Và kết quả là chỉ lát sau, đã bị cho ngồi trong khu cách ly. 

Danh Thành Tài - người Khơ-me, quê ở H.Giang Thành, tỉnh Kiên Giang - lần đầu tiên mới biết thế nào là biên giới khắc nghiệt ở vùng núi phía Bắc. Mọi thứ xa lạ và gần như ngay lập tức, anh lính trẻ phải thích nghi. Có những bài học không thể có được trên giảng đường, và cũng không bài học tình huống nào có thể cam go bằng thực tiễn.

Đã có đêm, Tài cùng anh em trên chốt phát hiện có người xâm nhập trái phép qua đường biên. Ngay lập tức, chốt trưởng chỉ huy từng bước thận trọng và an toàn, đưa người về khu cách ly tập trung, vừa phải giữ an toàn cho chính mình và giữ an toàn cho cộng đồng. Chỉ cần sơ sẩy để lọt, có thể mầm bệnh sẽ lan ra, không kiểm soát được và công sức của vạn người sẽ vô nghĩa. Vậy nên, những con mắt trên biên cương, cứ dõi suốt dọc dài biên giới, thức cũng căng chứ đừng nói có thể ngủ được ngon giấc. 

Điều ngạc nhiên với tôi hơn nữa là những anh lính mới toanh mà tôi đang gặp ở biên giới này trông thì rắn rỏi, cứng cáp và đều có vẻ già hơn tuổi, nhưng đều là những sinh viên giỏi, những trò cưng, “hạt giống đỏ” của các thầy ở học viện. Lê Phúc Nghĩa, cấp bậc thượng sĩ, đảng viên và từng được giải ba cuộc thi Olympic tiếng Anh, giải nhì các môn khoa học của học viện từ năm 2016-2019. Cậu chính là người từng theo đuổi nghiên cứu đề tài khóa luận về phương án tối ưu để BĐBP thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới mùa nước nổi ở tuyến biên giới Tây Nam Bộ. 

Thực hiện lệnh điều động tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch của Bộ Tư lệnh BĐBP, Học viện Biên phòng đã cử 259 học viên và 21 cán bộ, giảng viên lên tuyến đầu. Trường trung cấp 24 Biên phòng cử 39 huấn luyện viên cùng 39 chó chiến đấu tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại tuyến biên giới đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.

Buộc phải bỏ dang dở nghiên cứu của mình, giữa lúc nhận được tin tức dồn dập về hạn mặn gay gắt ở quê nhà, Nghĩa lên biên giới phía Bắc để chống dịch. Như chạm vào mạch nhớ thương gia đình, quê quán, Nghĩa chia sẻ với tôi rất nhiều xúc cảm của cậu, những ý tưởng để chống hạn, để có thêm nước ngọt ở các vùng bị xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Có lúc cậu đau đáu, rưng rưng, rồi như có gì đó lặn vào trong. Tôi hỏi, nếu bây giờ có thể nói gì đó với vùng đất phù sa đang mặn, khát của mình ở phía Nam của Tổ quốc, Nghĩa sẽ nói gì. “Quê hương ơi, có chúng con ở đây, đừng sợ” - cậu nói, không chớp mắt. 

Thực hiện lệnh điều động tăng cường lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch của Bộ Tư lệnh BĐBP, Học viện Biên phòng đã cử 259 học viên và 21 cán bộ, giảng viên lên tuyến đầu.

Trường trung cấp 24 Biên phòng cử 39 huấn luyện viên cùng 39 chó chiến đấu tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại tuyến biên giới đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.

Trương Thúy Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI