Quảng Nam: Hoàn thành chằng chống nhà cửa và neo đậu tàu thuyền tránh bão Noru

26/09/2022 - 11:31

PNO - Đến sáng ngày 26/9, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền để tránh bão số 4.

 

Đến sáng ngày 26/9, cơ bản người dân đã hoàn thành việc chằng chống nhà cửa để chống bão
Đến sáng ngày 26/9, cơ bản người dân đã hoàn thành việc chằng chống nhà cửa để chống bão

Nhiều người dân ở xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ và xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, thuộc tỉnh Quảng Nam đã xúc các bao cát hoặc lấy túi bóng hoặc thùng xốp để bơm nước vào đưa lên chằng chống nhà cửa. Bên cạnh đó, nhiều người khác dùng dây thừng cột dọc góc mái nhà để giữ cố định khi bão đổ bộ vào đất liền. Các nhân viên nhà hàng, resort ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng bắt đầu thu dọn bàn ghế để đưa vào khu vực an toàn nhằm tránh thiệt hại tài sản khi bão đổ vào đất liền.

Ngoài ra, thời điểm này, tại các âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành và bến Cửa Đại, TP. Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều tàu thuyền vào trú tránh bão và bán hải sản cho thương lái.

Ông Đoàn Tới (trú xã Bình Hải) cho biết: “Khi nghe thông tin cơn bão số 4 có cường độ rất mạnh và di chuyển nhanh đang hướng vào đất liền, tôi đã chủ động cùng người thân trong gia đình mua túi bóng về bơm nước vào, bỏ lên mái nhà để giữ cố định, giúp cho ngôi nhà kiên cố và có thể chống lại khi cơn bão đổ bộ vào đất liền”.

Theo ông Đoàn Tới, việc dùng túi bóng để chằng chống nhà cửa rất dễ làm, không tốn nhiều công sức. Mỗi túi bóng khi bơm nước vào bên trong nặng khoảng 60kg, được cột chặt rồi bỏ lên mái nhà. Sau khi bão tan, chỉ cần tháo miệng bao ra thì nước chảy xuống, rất khỏe.

Được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua nên người dân rất lo lắng
Noru được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua nên người dân rất lo lắng

Còn ông Nguyễn Văn Trung, trú xã Bình Hải cho hay: “Sáng nay, tôi cùng người thân mua dây thừng về cột 4 góc mái nhà và trên mái chằng chống bao cát để giữ khỏi tốc mái nhà khi bão đổ vào. Nhờ đó, tôi cũng có phần yên tâm nếu cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền”.

Ngư dân Trần Sửu, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thanh cho biết, gia đình anh đã tranh thủ cho tàu chạy vào âu thuyền An Hòa để trú tránh bão. “Tôi dùng dây thừng cột chặt tàu vào trụ để tránh lúc bão đổ vào gió mạnh va đập mạnh với tàu khác. Hiện tại âu thuyền này có rất nhiều tàu cá địa phương và các tàu ở huyện lân cận trong tỉnh chạy vào trú tránh bão và bán hải sản cho thương lái”, anh Sửu cho hay.

Một số người dân dùng bao cát để chèn lên mái tôn, tránh việc bị gió giất bay mất
Một số người dân dùng bao cát để chèn lên mái tôn, tránh việc bị gió giật bay mất

Tại TP. Hội An, các nhân viên nhà hàng, resort ven biển ở phường Cửa Đại đã bắt đầu thu dọn chòi tranh, ghế nằm... những thứ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cho du khách tắm biển để đưa vào khu vực an toàn nhằm tránh sự tàn phá của gió bão. Ngoài ra, các tàu thuyền, ca nô đã chạy vào bến Cửa Đại neo đậu an toàn và một số người dân tháo dỡ các thiết bị máy móc, áo phao trên các tàu ca nô đem lên bờ để bảo quản.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, trú khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại nói: “Sau khi nghe thông tin về cơn bão số 4, tôi cùng các nhân viên khẩn trương xúc cát chằng chống nhà hàng và cột dây thừng chòi tranh để khi bão đổ bộ đất liền thì gió khỏi thổi bay, đồng thời giảm thiệt hại về tài sản cho nhà hàng”.

Một số người sử dụng bao nước để chèn chống ngôi nhà của mình
Một số người sử dụng bao nước để chèn chống ngôi nhà của mình

Tại một số di tích ở TP. Hội An, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để gia cố cho những di tích này có thể chống chọi với cơn bão mạnh.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho những xã có nguy cơ bị cô lập do mưa lớn và sạt lở, tỉnh đã cấp hơn 220 tấn gạo cho các huyện vùng cao dự trữ để cấp phát cho người dân.

Ở một số di tích ở TP. Hội An, chính quyền địa phương đã tổ chức gia cố để chống chọi với cơn bão mạnh
Ở một số di tích ở TP. Hội An, chính quyền địa phương đã tổ chức gia cố để chống chọi với cơn bão mạnh

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã chỉ đạo lên phương án di dời hơn 5.000 nhân khẩu ở những vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, chuyển cho mỗi xã gần 10 tấn gạo phát cho dân để đảm bảo người dân không thiếu lương thực, thực phẩm trong khoảng thời gian từ 10 -15 ngày nếu trường hợp bị cô lập do mưa bão.

Ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho hay hiện các xã vùng cao của huyện đã xuất gạo dự trữ của xã vận chuyển vào các thôn có nguy cơ bị cô lập để cấp, phát cho người dân. Hiện nay, lương thực dự trữ tại 4 xã vùng cao đã đảm bảo cho người dân từ 7-10 ngày nếu xảy ra cô lập vì sạt lở do bão Noru gây ra.

Tàu thuyền ở gần bờ đã được đưa vào nơi tránh trú
Tàu thuyền ở gần bờ đã được đưa vào nơi tránh trú

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 2.753 tàu và 13.575 lao động. Hiện tại 87 tàu với 2.533 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả tàu cá này đều hoạt động xa bờ. Tại khu vực Hoàng Sa có 28 tàu với 290 lao động. Đặc biệt, còn 18 tàu với 213 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm (hiện 18 tàu này đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm). Khu vực Trường Sa có 59 tàu với 2.243 lao động, các tàu đã nằm trong vùng an toàn.

Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, sở đã đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh liên lạc, hướng dẫn các tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão di chuyển lên phía bắc hoặc xuống phía nam để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI