"Quả đắng" du lịch biển: Vì sao hướng dẫn viên Trung Quốc có thể lộng hành ở Việt Nam?

11/07/2016 - 13:42

PNO - Việc xuất hiện một đội ngũ đông đảo hướng dẫn viên (HDV) Trung Quốc (TQ) đến Việt Nam là do các công ty lữ hành phục vụ khách TQ tại Nha Trang đều do người TQ đứng sau điều hành.

Hướng dẫn viên "chui" người TQ dẫn đoàn đi tham quan tour 4 đảo

Đường bay thẳng Quảng Châu - Phú Quốc vừa đi vào hoạt động là yếu tố thuận lợi giúp các công ty lữ hành quốc tế tăng tốc. Tuy nhiên, dư luận không khỏi lo ngại một kịch bản mất cân bằng như TP.Nha Trang đang gánh chịu trong vòng chưa đầy một tháng sau khi có đường bay thẳng đến Cam Ranh. Dẫn đến nghịch lý đáng buồn này, nguyên nhân hàng đầu thuộc về năng lực quản lý của địa phương.

Việc xuất hiện một đội ngũ đông đảo hướng dẫn viên (HDV) Trung Quốc (TQ) đến Việt Nam là do các công ty lữ hành phục vụ khách TQ tại Nha Trang đều do người TQ đứng sau điều hành. Thực tế, nếu chỉ sống nhờ vào bán tour cho du khách TQ thì không công ty lữ hành nào có lời. Nguồn thu “khủng” đến từ thỏa thuận chia hoa hồng khi đem khách đến cho các cửa hàng được giới thiệu là đặc sản Việt Nam như: cao su, trầm, tơ lụa... Mức chiết khấu có thể lên đến 40%, là món lợi khiến các “ông lớn” TQ sẵn sàng vung tay thuê hẳn một chiếc Boeing... theo năm.

Bắt đầu hất cảng?

Đêm 30/6, chuyến bay TP.HCM - Cam Ranh hạ cánh gần như cùng thời điểm với chuyến bay Quảng Châu - Cam Ranh. Khu vực trước ga đến bỗng trở thành một “China Town” ồn ào, náo nhiệt. Diệu Linh (26 tuổi, người Thâm Quyến) chợt hét toáng lên khi thấy một chàng trai đẩy kiện hành lý quá khổ có hình dáng như chiếc bánh tròn ra ngoài. Âm thanh tự nhiên quá mức của cô lập tức nhận được những ánh mắt không mấy thiện cảm của một nhóm du khách người Đức gần đó. Linh cho biết, cô và hai người bạn đã đặt tour du lịch “China beach Nha Trang” cách đây hai tháng từ một công ty du lịch giá rẻ theo dạng “cùng mua”. Một thanh niên TQ đeo túi quai chéo, cầm danh sách khách hàng kín trang giấy A4 nhanh chóng tập hợp nhóm của Linh và gần 20 người TQ khác lại, đưa vội lên xe vào thành phố.

Khoảng 6g sáng hôm sau, khi tôi tìm đến khu vực chùa Chánh Quang trên đường Hùng Vương, đã thấy khoảng 10 thanh niên TQ tập trung ăn sáng và đợi xe đến đón đi tham quan. Hoàng, một HDV tiếng Trung tại Nha Trang có vẻ như biết mặt gần hết những HDV “chui” người

TQ đang hành nghề. “Anh kia là Vương Phong, làm cho Công ty du lịch Kh.T., Uông Khiết cũng làm HDV cho Kh.T., kia là Chính Vĩ, từng làm cho Công ty lữ hành Silent Bay”, Hoàng chỉ người, nói tên để tôi nhận diện. Theo Hoàng, khoảng hai tháng trở lại đây, hầu hết các công ty lữ hành chuyên đón khách TQ đã tuyển người TQ sang làm nhân viên thời vụ nhưng thực chất là làm HDV dẫn đoàn. Có chuyện này là do trong giới dịch vụ lữ hành đang xảy ra một “cuộc đình công” khi các HDV người Việt Nam bị công ty lữ hành “khoán đầu khách”.

Chị Ngọc, HDV tiếng Trung vừa trở về Nha Trang sau một tháng nghỉ việc, cho biết thêm: “Các công ty lữ hành ở Nha Trang cạnh tranh với nhau bằng việc giảm giá bán tour nhưng lại yêu cầu HDV phải đem về doanh thu từ việc “ép” khách du lịch mua sản phẩm của các cửa hàng liên kết. Một tour dẫn đoàn tham quan trong ngày tại Nha Trang, có lúc HDV tiếng Trung phải còng lưng cõng doanh thu đến 50 triệu đồng nếu không muốn bị thay thế bởi HDV “chui” người TQ".

Tôi hỏi: “HDV TQ sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ nên kỹ năng giới thiệu sản phẩm tốt hơn các anh chị hay sao?”. Chị Ngọc nói: “Không phải. Tụi tôi đều được đào tạo đại học ngôn ngữ chính quy, thâm niên 7-10 năm hướng dẫn, có lúc “nhập tâm” đến độ nghĩ tiếng Trung rồi dịch về tiếng Việt. Vấn đề là ở chỗ, chúng tôi biết sản phẩm ở các cửa hàng liên kết hầu hết không phải sản phẩm trong nước nhưng họ vẫn giới thiệu là sản phẩm Việt Nam. Với chiêu “bán đầu khách” quái gở như vậy, HDV còn tâm trạng đâu mà giới thiệu, thuyết minh về văn hóa lịch sử vùng đất trên mỗi chặng tham quan”.

Việc tăng cường một đội ngũ HDV đông đảo đến Việt Nam, theo chị Ngọc là do các công ty lữ hành phục vụ khách TQ tại Nha Trang đều do người TQ đứng sau điều hành. Thực tế hiện nay, nếu chỉ sống nhờ vào bán tour cho du khách TQ thì không công ty lữ hành nào có lời. Nguồn thu “khủng” đến từ thỏa thuận chia hoa hồng khi đem khách đến cho các cửa hàng được giới thiệu là đặc sản Việt Nam như: cao su, trầm, tơ lụa. Mức chiết khấu thỏa thuận ngầm có thể lên đến 40%, là món lợi khiến các “ông lớn” TQ sẵn sàng vung tay thuê hẳn một chiếc Boeing... theo năm hoặc bao cả khách sạn vào những đợt cao điểm du khách TQ đến Nha Trang như: 1/5 (Quốc tế lao động), tết Nguyên đán, 1/10 (Quốc khánh TQ).

Hai Sitting Guide người Việt Nam bị chỉ đạo xuống mua vé, thực chất hành trình do hướng dẫn viên “chui” phụ trách

Lộng hành

Trong hai ngày di chuyển theo các tour ghép tại Nha Trang, điều chúng tôi không thể lý giải được là vì sao, hàng chục HDV “chui” người TQ lại có thể công khai hướng dẫn, thuyết minh cho du khách mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Tại Hòn Chồng, Hòn Mun, Tháp Bà, các HDV “chui” người TQ thuyết minh cho du khách. Dù đoàn còn có các vị khách quốc tịch khác nhưng HDV “chui” vẫn thoải mái biểu cảm theo kiểu rất khó coi. Khi hướng dẫn cho du khách mặc áo phao, nam HDV “chui” lấy kẹo sing-gum đang nhai trong miệng ra trét lên mái che của tàu, đại ý nói người phải dính với áo phao. Khi tất cả du khách mặc xong áo phao thì chính HDV “chui” này... không thèm mặc và quay lại khôi hài: “Hôm qua tôi mới xuống thủy cung chơi” (ám chỉ Viện Hải dương học - PV).

Theo phản ánh của nhiều HDV tiếng Trung tại Nha Trang, tình trạng người TQ nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, visa lao động (được các công ty lữ hành bảo lãnh), sau đó làm HDV chính thức còn nghiêm trọng hơn ở Đà Nẵng. Từ các đầu mối thông tin, hình ảnh ghi lại, có đến gần 100 HDV “chui” bị HDV tiếng Trung người Việt Nam phát hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là danh sách đã được kiểm chứng qua số điện thoại, tên, công ty đang làm việc. Số HDV “chui” chưa thể thống kê có thể gấp ba lần, do những người này dẫn khách đi tour dài ngày về các tỉnh khác. Để đối chiếu thông tin, một HDV tiếng Trung (từng sống ở Bắc Kinh) gọi điện cho người trong danh sách có tên Trình Kiện. HDV này hỏi nhanh: “Anh là dẫn đoàn Cheng Jian (Trình Kiện) phải không? Tôi đi lạc”. Người nghe trả lời: “Đúng rồi. Anh ở đoàn nào?”.

Trong tất cả các vụ việc vi phạm về kinh doanh lữ hành liên quan đến người TQ, pháp nhân nổi cộm nhất đang tiếp tục bị xác minh điều tra các dấu hiệu hình sự là Công ty TNHH thương mại và du lịch Silent Bay, từng do bà Huỳnh Thị Minh Thanh làm giám đốc. Bà Thanh là vợ của nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa - ông Trương Đăng Tuyến (nghỉ hưu từ tháng 4/2016). Hiện pháp nhân Silent-Bay chuyển giao do ông Trương Đăng Vũ Thụy (con trai ông Tuyến).

Theo tố cáo gửi Bộ Công an của Công ty du lịch Chengdu (TQ), phía Silent-Bay đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ lữ hành quốc tế, đảm bảo thủ tục tạm trú hợp pháp, an toàn ở Nha Trang cho tất cả nhân viên của Chengdu. Theo kế hoạch này, năm 2016, Chengdu sẽ đưa 300.000 du khách TQ đến Nha Trang. Sau khi chuyển 100.000 USD, phía Chengdu cho rằng người của SilentBay đã yêu cầu họ “chung” thêm 500.000 USD phí bảo kê. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan an ninh điều tra xác minh. Trong thời gian này, Silent-Bay bị Tổng cục Du lịch khẳng định sáu sai phạm, trong đó có hai vấn đề nghiêm trọng nhất là: sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và sử dụng người nước ngoài làm việc tại công ty.

Có thể thấy, ngoài những lần thanh tra xử phạt chưa đủ để chấm dứt tình trạng “lũng đoạn” du lịch, thì hoạt động lữ hành quốc tế phục vụ du khách TQ tại Nha Trang vẫn cực kỳ bất ổn. Silent-Bay có thực sự sẽ bị xử lý nghiêm minh để làm gương hay không? Còn bao nhiêu công ty tương tự Silent-Bay đang núp bóng xẻ thịt ngành du lịch Nha Trang?

Nhóm PV-CT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI