Phương Dung: Biết buông bỏ sẽ hạnh phúc

14/06/2014 - 00:51

PNO - PNCN - Mỗi ngày, từ 5g sáng, bà xách giỏ đi chợ lựa từng mớ rau. Bà nói, phải đến tận chợ đầu mối để mua được thực phẩm vừa tươi lại vừa rẻ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Rẻ thêm được một tí thì sẽ mua được nhiều hơn một tí, ít ra sẽ có thêm một người nữa được ăn cơm miễn phí. Hành trình đều đặn mỗi ngày đó khiến nhiều người cứ ngỡ bà là một bà nội trợ dư thời gian làm thiện nguyện, ít ai nghĩ đó lại là Phương Dung - Nhạn trắng Gò Công ngày nào.

Khi còn học tiểu học ở Gò Công, cô bé Phan Phương Dung luôn có mặt trong các chương trình văn nghệ của trường. Sau đó, gia đình cho Phương Dung lên Sài Gòn thi vào lớp đệ thất Trường trung học Gia Long niên khóa 1958 - 1959, và cho học thêm về nhạc. Rồi Phương Dung tham gia một cuộc thi hát, đi “hát lót” cho một số ca sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như Thanh Thúy, Bạch Yến… Thời gian đầu, Phương Dung phải luyện giọng Bắc để hát những ca khúc tiền chiến như Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai… Khi chuyển sang dòng nhạc tình với các ca khúc như Hai kỷ niệm, Một chuyến đi, Hoa nở về đêm… Phương Dung mới trở thành cái tên được các phòng trà săn đón. Dù vậy, phải đến khi bà hát Nỗi buồn gác trọ của Mạnh Phát - Hoài Linh, cái tên Phương Dung mới thật sự vươn đến đỉnh cao. 23 tuổi, đang rất thành công với nghiệp ca hát, bà lại lấy chồng “bỏ cuộc chơi”. 

Trở lại trong chương trình Sol Vàng cùng ca sĩ Giao Linh ngày 14/6/2014 tại Nhà hát Hòa Bình, bà nói, đêm nhạc là niềm hạnh phúc vô biên, nhất là khi bà biết mình đã lớn tuổi, không còn nhiều cơ hội để đứng trên sân khấu.

Phuong Dung: Biet buong bo se hanh phuc

* Thiện nguyện là công việc người ta thường tìm tới khi nhàn rỗi, khi tâm an hoặc tìm tâm an. Riêng bà, bà tìm gì cho mình?

- Tôi không mong gì cho mình mà mong cho người khác. Quán cơm từ thiện của tôi mỗi ngày nấu được gần 200 suất, chủ yếu dành cho các em công nhân. Đồng lương công nhân có bao nhiêu đâu, xoay xở với cái ăn cái mặc là chuyện chẳng dễ. Bữa cơm do chính tay tôi đi chợ, chọn mua từng mớ rau. Thực phẩm bán ở chợ đầu mối ngon và rẻ, nên đi xa một chút cũng không sao. Cái chính là tôi mong các em có được một bữa cơm ngon mà không phải lo lắng. Bữa cơm đó tươm tất lắm nhé, có cả tráng miệng, có hôm còn thêm món chè. Nhiều em ăn đến hai đĩa. Nhiều em vì thích chè, ăn cơm xong quay lại xếp hàng lấy chè. Thương lắm!

Bảo rằng tâm tôi an thì cũng đúng. Tôi giờ không phải lo toan gì nhiều, các con đều đã lớn và thành đạt, tôi cũng không phải là người thích sống xa hoa nên không cần có nhiều tiền. Tháng nào kiếm nhiều tiền hơn một chút, tôi lại đi làm từ thiện ở các vùng khác nhiều hơn một chút. Càng làm việc thiện nguyện, tôi càng cảm thấy tâm an. 

* Mỗi sáng xách giỏ đi chợ, điều đó không giống với công việc của một ca sĩ bận rộn?

- Nhàn rỗi hay bận rộn là do mình sắp xếp. Tôi hiện vẫn mang lời ca tiếng hát đến cho mọi người, nhưng cũng không phải như ngày xưa một đêm chạy bảy sô, nên thời gian không là vấn đề. Thật ra, tôi đã làm công việc thiện nguyện tại Việt Nam cách đây nhiều năm, từ khi chưa về nước định cư. Tôi bảo trợ cho các em học sinh nghèo học giỏi, trong đó có nhiều em giờ đã thành bác sĩ. Tôi cũng vận động các nhà hảo tâm mổ mắt cho người nghèo, cho trẻ em khó khăn… Nhìn những nụ cười quanh mình, tôi thấy vui hơn bao giờ hết. Thậm chí, các con tôi còn nói, có lẽ thiện nguyện là giấc mơ của đời tôi. Đời tôi được ông trời cho nhiều điều, tôi biết mình cần san sẻ với người khác.

Tôi nghĩ, không phải người ta chỉ làm từ thiện khi nhàn rỗi. Nhiều người rất bận rộn với kinh doanh, gia đình nhưng vẫn làm được nhiều việc cho cộng đồng. 

* Không phải ai cũng chấp nhận được thực tế là thời vàng son của mình đã đi qua. Có vẻ bà tĩnh tại với những thay đổi của thời thế?

- Sóng sau xô sóng trước, chuyện đó là đương nhiên. Đời tôi cũng trải nghiệm nhiều, đủ để hiểu thấu lẽ thường tình đó. Với tôi, việc một điều gì đến và đi trong đời mình là rất bình thường, là sự an bài của số mệnh. Tôi là người chủ động rời bỏ những lời mời, những đêm được tung hô thì chẳng cớ gì lại không tĩnh tại. Gia đình tôi chịu ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật, nên tôi hiểu rất rõ, chỉ khi nào mình biết buông bỏ thì tâm mình mới an, mới hạnh phúc được. Ngày xưa đời sống ca nhạc rộn ràng lắm, một đêm tôi hát sáu-bảy phòng trà nhưng có chồng rồi, chúng tôi chỉ lo kinh doanh. Sau bao nhiêu năm, về Việt Nam, tôi thấy nếp sinh hoạt của người dân mình giờ có khác trước một chút. Ngày xưa, khi thành phố lên đèn là nhà nhà rủ nhau đi xem hát, còn giờ họ lại rủ nhau đi… nhậu.

Riêng với tôi, được trở về Việt Nam hát là niềm hạnh phúc. Ở nước ngoài, dù vẫn diễn đều đặn nhưng tôi “thèm” khán giả Việt lắm. Vì vậy, việc được sống, được hát trên quê hương là hạnh phúc to lớn, đủ để tôi không còn màng đến bất cứ điều gì khác. Ngay từ khi quyết định lấy chồng năm 23 tuổi, tôi cũng đã nghĩ đến việc mình có thể không còn hát nữa. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn tiếp tục đứng trên sân khấu thì còn mong mỏi gì hơn?

Phuong Dung: Biet buong bo se hanh phuc 

* Nói về chuyện lấy chồng, khi đang ở đỉnh cao, vì sao bà lại quyết định “bỏ cuộc chơi”?

- Đó là một lựa chọn có cân nhắc. Tôi yêu ca hát nhưng tôi cũng yêu một cuộc sống gia đình và yêu người tôi lấy làm chồng. Dù nổi tiếng hay không, là ca sĩ hay bác sĩ thì tôi cũng là một người đàn bà, mà đàn bà nào lại không cần chồng, cần con? Chồng tôi hơn tôi 13 tuổi. Tôi cảm nhận được ở ông ấy sự che chở, bảo bọc dành cho mình. Khi tôi lập gia đình, ai cũng tiếc cho tôi vì lúc đó tôi đang ở đỉnh cao, nhưng tôi xác định là đời người không nên tham quá, được cái này sẽ mất cái kia. Cái được của tôi cuối cùng nhiều hơn cái mất. Tôi có tám người con, sáu trai, hai gái, các cháu đều ngoan và hiểu lẽ đời. Năm 1977, gia đình tôi định cư ở Úc và kinh doanh nhà hàng ca nhạc, coi như là một phần đam mê âm nhạc của tôi vẫn được tiếp diễn. Năm 1983, 15 năm kể từ ngày lấy chồng, tôi sang Mỹ thực hiện album Kỷ niệm còn đây với 10 tình khúc gắn với tiếng hát mình. Việc biểu diễn của tôi dần dần trở lại từ ấy, nhưng dĩ nhiên là tôi vẫn ưu tiên cho gia đình. 

* Bà từng nói mình và chồng không có sở thích giống nhau, vậy điều gì đã gắn kết ông bà đến hơn 40 năm?

- Ông ấy du học Pháp từ năm 14 tuổi, sau đó làm việc ở Thụy Sĩ nên chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, tôi thì đặt nặng truyền thống Việt Nam. Tuy có vẻ đối nghịch nhưng tôi nghĩ đó là sự bù trừ, quan trọng là người trong cuộc có coi trọng mối quan hệ của mình hay không. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ chính sự khác nhau đó đã giữ chúng tôi lại. Nói gì đi nữa thì mỗi cuộc hôn nhân đều bắt đầu bằng tình yêu, nhưng để duy trì hôn nhân thì chỉ yêu thôi chưa đủ, phải thêm phần hiểu nữa. 

* Nhiều người nói bà may mắn, không phải là vì được nổi tiếng mà vì có một người cha ủng hộ con gái mình hết mực, dù thời ấy người ta xem ca hát là “xướng ca vô loài”?

- Cha tôi không giống như người khác, từ đầu ông đã cho rằng ca hát cũng là một công việc như bao công việc khác, người ta gọi “xướng ca vô loài” là do người ta chưa hiểu, người ta mặc định cuộc sống của nghệ sĩ là phóng túng, trong khi phóng túng hay không là do bản thân mỗi người. Đúng thật là tôi may mắn nên mới có một người cha như thế. Ông theo Nho học nhưng cởi mở vô cùng. Chẳng những gia đình tôi ủng hộ, cho tôi học hát từ năm tôi mới chín tuổi mà cha còn dạy tôi nhiều điều khác nữa. Ông nói, làm cái gì cũng phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Nổi tiếng mà không có đức, thì sự nổi tiếng đó sẽ không lâu dài. Lúc trẻ ông có xuất gia một thời gian ngắn nên nhân quả, đạo đức là điều ông rất coi trọng. Bao nhiêu năm đi theo con đường này, tôi thấy những lời dạy của cha hoàn toàn chính xác. Tôi cũng hiểu thêm một điều là dù bạn đi đâu, là ai thì nền tảng gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Phuong Dung: Biet buong bo se hanh phuc

Ca sĩ Phương Dung và con gái Phương Vy 

* Bà đã tạo lập nền tảng đó trong chính gia đình riêng của mình thế nào?

- Có lẽ mọi người chỉ cần nhìn thấy sự háo hức, thích thú của con và cháu tôi khi ăn bún riêu, cà pháo mắm tôm thì sẽ hiểu được ngay. Chúng tôi, ba thế hệ gồm ông bà, con cháu, gần như sống chung cùng nhau với hai căn nhà sát cạnh. Tôi không đồng ý rằng những đứa trẻ Việt Nam khi sinh ra hoặc sống ở nước ngoài sẽ bị “mất gốc”. Mất hay không mất là do cách dạy dỗ của người lớn. Hàng ngày tôi vào bếp nấu những món ăn Việt Nam, dạy cháu mình nói tiếng Việt, nói về văn hóa và phong tục Việt… Gần như chúng không khác gì người sống tại Việt Nam cả. Khi có điều kiện, tôi luôn đưa con mình đi cùng trong các chuyến từ thiện. Trong các con tôi chỉ có Phương Vy và Hoàng Ly là theo đường nghệ thuật, Phương Vy cũng từng hát tại Việt Nam. Tôi dạy các cháu đúng những gì cha tôi đã dạy mình. Ngày xưa, dù nổi tiếng nhưng tôi cũng được xem là một ca sĩ “lúa”: không biết chưng diện, không biết làm sang… Thật ra, tôi không quen như thế. Tôi nghĩ, chỉ cần mình chân thành, sống chân thành và hát chân thành, rồi mình sẽ được yêu thương. Giờ tôi vẫn nói với con cháu mình như vậy. 

* Năm 1964, bà ký hợp đồng độc quyền trị giá nửa triệu đồng, tính theo thời giá ngày ấy thì đó là một con số trong mơ. Theo bà đánh giá, thị trường âm nhạc bây giờ so với thời ấy là đi lên hay đi xuống?

- Khó nói lắm. Muốn so sánh phải đặt trong bối cảnh chung của đất nước. Ngày xưa dường như mỗi ca sĩ đều có một “địa phận” riêng của mình, không có chuyện kèn cựa cạnh tranh, nên tính ra bây giờ cuộc sống nghệ sĩ có vẻ khó hơn xưa. Khán giả bây giờ cũng có quá nhiều phương tiện giải trí để lựa chọn, nghệ sĩ muốn tồn tại không dễ. Tôi thấy bây giờ nhiều ca sĩ trẻ rất giỏi, rất nỗ lực tìm tòi sáng tạo. Yêu cầu của khán giả bây giờ cũng khác, thị hiếu cũng khác, nếu chúng tôi sống trong thời này thì chắc gì đã nổi tiếng. Điều tôi mừng nhất là rất nhiều ca sĩ trẻ chịu hát nhạc xưa. Chưa bàn đến chuyện họ hát hay hay không, thành công hay không, chỉ cần họ chịu gìn giữ những giai điệu vang bóng một thời đã là đáng quý rồi. 

* Với nhiều ca sĩ trẻ bây giờ, việc hát live là một “ám ảnh”, nhưng với bà thì bao nhiêu năm qua giọng hát vẫn thế, dù bà đã gần 70 tuổi. Bí quyết của bà là gì?

- Tôi luyện giọng mỗi ngày. Trời cho giọng hát nhưng nếu không tập luyện thì giọng hát đó cũng dễ bị mất đi. Ngoài ra, tôi giữ sức khỏe kỹ, không thức quá khuya, ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ. 

* Xin cám ơn bà!

Võ Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI