Phụ nữ có nguy cơ tử vong sau khi bị đau tim cao hơn gấp đôi so với đàn ông

26/05/2023 - 17:39

PNO - Các nhà nghiên cứu từ châu Âu đã tiến hành nghiên cứu so sánh diễn biến giữa nam giới và nữ giới sau khi bị đau tim. Số liệu cho thấy phụ nữ chịu rủi ro tử vong cao hơn nam giới.

 

Nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tim mạch từ châu Âu cho thấy phụ nữ chịu nhiều rủi ro gặp biến chứng nguy hiểm sau khi bị đau tim hơn so với đàn ông – Ảnh: Medical News Today
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ chịu nhiều rủi ro gặp biến chứng nguy hiểm sau khi bị đau tim hơn so với đàn ông – Ảnh: Medical News Today

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khoảng 17,9 triệu người chết liên quan đến bệnh tim mạch vào năm 2019, tương đương với khoảng 32% số ca tử vong trên toàn cầu. Khoảng 85% trường hợp trong các ca tử vong này là do đau tim và đột quỵ.

Một nghiên cứu được trình bày gần đây tại Đại hội Bệnh tim mạch 2023, do Hiệp hội Tim mạch châu Âu tổ chức ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech cho thấy, đàn ông có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ lại dễ gặp biến chứng nguy hiểm hơn trong thời gian nằm viện sau cơn đau tim so với đàn ông.

Bác sĩ Mariana Martinho của Bệnh viện Garcia de Orta, huyện Almada, Bồ Đào Nha, một trong các tác giả chính cho biết, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 884 trường hợp bệnh nhân với độ tuổi trung bình là 62, chỉ hơn 25% là phụ nữ.

Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều đã nhập viện trong giai đoạn 2010 - 2015 vì đau tim và được điều trị bằng giá đỡ mạch vành (stent) trong vòng 48 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Kết quả cho thấy, phụ nữ có khả năng tử vong cao gấp 2 đến 3 lần so với nam giới, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy, 11,8% trường hợp bệnh nhân nữ đã tử vong sau 30 ngày điều trị, so với chỉ 4,6% ở bệnh nhân nam. Sau 5 năm, có tới 32,1% phụ nữ đã tử vong so với 16,9% đàn ông, còn có 34,2% phụ nữ trải qua biến chứng bất lợi nghiêm trọng về tim, như nhồi máu cơ tim tái phát, suy tim và đột quỵ, so với 19,8% ở đàn ông.

Không dừng lại ở đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục phân tích dữ liệu của một tập hợp nhỏ hơn gồm 435 bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên, lần này tỉ lệ nam nữ cân xứng hơn. Một lần nữa, kết quả của phụ nữ bất lợi hơn nam giới.

Theo đó, có 11,3% trường hợp bệnh nhân nữ tử vong trong vòng 30 ngày sau khi lên cơn đau tim, so với 3% trường hợp bệnh nhân nam. Sau 5 năm, có 32,9% phụ nữ tử vong so với 15,8% đàn ông và 34,1% phụ nữ trải qua biến chứng bất lợi nghiêm trọng về tim, so với 17,6% đàn ông.

Khi trả lời câu hỏi điều gì có thể giải thích tại sao phụ nữ có tỉ lệ tử vong sau cơn đau tim cao hơn nam giới, tiến sĩ Danine Fruge, Giám đốc Y tế của Trung tâm Điều dưỡng Pritikin ở thành phố Miami, bang Florida, Hoa Kỳ, cho biết: “Phụ nữ có xu hướng phát triển mạch máu nhỏ khiến cho việc nhận biết và điều trị cơn đau tim trở nên khó khăn hơn”.

Cũng theo bà Danine, khi gặp bệnh tim mạch, thay vì cơn đau ngực quen thuộc như ở đàn ông, phụ nữ thường gặp các triệu chứng không điển hình như khó tiêu hoặc đau vai, khiến bệnh không được điều trị đúng lúc và gây tổn thương bệnh nhân nhiều hơn.

Bà Danine cho biết thêm: “Hơn nữa, đàn ông thường được đặt stent để mở động mạch bị tắc sau cơn đau tim, nhưng phụ nữ lại thường không được điều trị tương tự vì động mạch của họ có đường kính nhỏ hơn, điều này cũng dẫn đến kết quả xấu hơn sau cơn đau tim”.

Còn có nghiên cứu khác cũng được trình bày tại Hội thảo Bệnh tim mạch 2023 vừa diễn ra, liên quan đến các bệnh nhân sử dụng thuốc lợi niệu trong điều trị tăng huyết áp không được chẩn đoán bệnh tim mạch kịp thời. Có 50% bệnh nhân nữ dùng thuốc lợi niệu trước khi được chẩn đoán suy tim.

Tiến sĩ John Cleland, Giáo sư chuyên về tim mạch tại Đại học Glasgow ở Scotland, cũng là tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: “Có khả năng nhiều bệnh nhân được điều trị bằng thuốc lợi niệu bị suy tim mà không được chẩn đoán”.

Bác sĩ Steven Gundry, chuyên phẫu thuật tim mạch, bổ sung thêm rằng từ lâu đã có giả định là phụ nữ được bảo vệ chống lại bệnh tim nhờ estrogen, nhưng hormone này sẽ suy giảm khi phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh. Sự suy giảm nội tiết tố nữ cũng kèm theo rủi ro phát sinh nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, viêm khớp.

Trường An (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI