Phụ nữ Ấn Độ bị hiếp dâm là do... thực phẩm Trung Quốc?

11/09/2015 - 13:44

PNO - Đó là một trong những phát ngôn của các chính trị gia ở Ấn Độ, nhằm lý giải cho thực trạng hiếp dâm không kiểm soát được ở đất nước này.

Phu nu An Do bi hiep dam la do... thuc pham Trung Quoc?
Một đơn vị chống bạo lực tình dục ở Delhi - ẢNH: THE HINDU

Đó là một trong những phát ngôn gây kinh ngạc của các chính trị gia ở Ấn Độ, nhằm lý giải cho thực trạng hiếp dâm không kiểm soát được ở đất nước này. Theo các quan chức trên, nạn hiếp dâm gói gọn trong tám lý do - quan trọng nhất là thực phẩm Trung Quốc, điện thoại di động, quần jeans và quảng cáo bao cao su!

Các lý do được đưa ra, xét cho cùng đều liên quan hoặc xuất phát từ phụ nữ, còn đàn ông tuyệt nhiên… vô can.

Theo lập luận của các chính trị gia, quảng cáo bao cao su do cô đào Sunny Leone, một cựu minh tinh phim khiêu dâm người Canada gốc Ấn thực hiện là một trong những nguyên nhân của nạn hiếp dâm.

Tuần qua, cựu chủ tịch Ủy ban phụ nữ Delhi Barkha Shukla Singh đã chính thức lên tiếng đòi cấm mẩu quảng cáo “tội lỗi” này trên truyền hình Ấn Độ. Ông Atul Anjan, thành viên một chính đảng lớn ở Ấn Độ, cũng gọi đó là “bẩn thỉu và ghê tởm”, "nhằm kích động sự quấy rối tình dục và hiếp dâm".

“Các nhà đạo đức” Ấn Độ còn tấn công vào vấn đề thực phẩm và điện thoại di động. Ông Vinay Bihari, Bộ trưởng Văn hóa và thanh niên bang Bihar, khẳng định “Những người ăn nhiều thức ăn không phải đồ chay như gà và cá, có thiên hướng thực hiện lạm dụng tình dục và hiếp dâm”.

Jitender Chhatar, một nhà lãnh đạo địa phương của tổ chức bất hợp pháp khét tiếng Panchayats Khap - Hội đồng đẳng cấp tự xưng, thực thi chức năng “cảnh sát đạo đức” và kêu gọi giết người vì danh dự - cũng có quan điểm tương tự: “Theo hiểu biết của tôi, sử dụng thức ăn nhanh góp phần gây ra tội hiếp dâm”.

Ông Chhatar còn đặc biệt chống lại thực phẩm Trung Quốc khi tuyên bố “món mì xào Chow Mein dẫn đến mất cân bằng nội tiết, gây nên một sự thôi thúc thực hiện những hành vi tội lỗi”.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ có thể xem là thủ phạm chính của vấn nạn hiếp dâm khủng khiếp tại Ấn Độ, nơi mỗi ngày ghi nhận đến 93 trường hợp phụ nữ và các bé gái bị cưỡng hiếp.

Tuyên bố vô trách nhiệm của các chính khách và tình trạng thực thi pháp luật kém hiệu quả, đặc biệt đối với tội bạo lực tình dục, đã gây ra hậu quả trên.

Trong lúc những phát ngôn “chết khiếp” của các chính trị gia khiến dư luận công phẫn thì ngày 7/9, cảnh sát Ấn Độ tiếp tục phanh phui vụ một nhà ngoại giao Saudi Arabia giam giữ bất hợp pháp và hãm hiếp nhiều lần hai nữ giúp việc nhà người Nepal (30 và 50 tuổi) ở nhà riêng tại ngoại ô New Delhi.

Phụ nữ Ấn Độ phải tự cứu mình, tự tìm cách để bảo vệ mình trước tai họa mà chính phủ chưa thể giải quyết triệt để này.

Trong số các biện pháp chống bạo hành tình dục đáng chú ý có việc một nhóm kỹ sư Ấn Độ thiết kế các loại y phục “chuyên dùng” như áo lót và áo khoác có gắn thiết bị phát GPS, tự động gửi tin nhắn kêu cứu đến các số cần thiết và phóng điện 110V vào kẻ tấn công.

Bên cạnh đó, số lượng đơn xin cấp giấy phép mang súng ngắn của phụ nữ ngày càng nhiều. Nữ giới cũng đua nhau đăng ký các lớp học võ tự vệ, trang bị bình xịt hơi cay… Cách đây không lâu, hai thiếu nữ đã chống trả quyết liệt một đám thanh niên chọc ghẹo họ trên xe buýt và được xem như tấm gương khích lệ phụ nữ tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, biện pháp tự vệ từ xa và có ý nghĩa lâu dài là tận dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông, các tổ chức xã hội và nữ quyền để nâng cao nhận thức người dân, cảnh báo rộng rãi về tội phạm tình dục.

Bạo hành tình dục không phải là chuyện mới mẻ ở Ấn Độ, nhưng chỉ sau khi báo chí và truyền thông xã hội vào cuộc, người ta mới biết cụ thể nhiều việc. Thông qua truyền thông, người dân Ấn Độ theo dõi diễn biến các phiên tòa và bộc lộ trực tiếp phản ứng của mình trên đường phố.

Cũng thông qua truyền thông, các bé gái được giáo dục giới tính để trang bị kỹ năng tự vệ, chính quyền các đô thị ở nước này cũng thấy rõ bất cập trong công tác trấn áp tội phạm tình dục để điều chỉnh, cụ thể như việc quy định mỗi đồn cảnh sát cần có một-hai nữ cảnh sát, hỗ trợ phụ nữ đến báo án.

Cũng nhờ có truyền thông, kể cả truyền thông xã hội, những kẻ rắp tâm thực hiện hành vi hiếp dâm hay tội phạm tình dục đang lẩn tránh ngoài vòng pháp luật, không thể còn chỗ trú yên ổn.

Thanh Hải  (Theo Global Post, Times of India, The Hindu, PTI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI