Phòng khám Á Châu làm giá bệnh nhân trên bàn mổ

09/03/2018 - 08:00

PNO - Trong khi đang phẫu thuật cắt bao quy đầu, nhân viên của Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu thông báo bệnh nhân bị “nang viêm” và làm giá, hù dọa bệnh nhân ngay trên bàn mổ, khiến họ không thể chối từ…

“Vẽ bệnh” trên bàn mổ

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 6/3, anh D.V.N. (H. Thanh Trì, TP. Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc vì Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu (987 Giải Phóng, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) vẽ bệnh, “chặt chém” của anh gần 30 triệu đồng mà bệnh tình không hề thuyên giảm.

Cụ thể, ngày 4/3, sau khi khám da liễu và xác định bị viêm bao quy đầu, anh N. tìm đến Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu vì thấy quảng cáo được giảm giá 30%.

Phong kham A Chau lam gia benh nhan tren ban mo
Bệnh nhân D.V.N. bức xúc vì bị Phòng khám Á Châu “chặt chém” gần 30 triệu đồng

Sau khi thực hiện hàng loạt xét nghiệm với hóa đơn lên tới 2.020.000 đồng (giảm giá 30% còn 1.410.000 đồng), anh N. được một bác sĩ tên Quyên thăm khám, kết luận bị HSV dương tính (herpes sinh dục) và phải phẫu thuật gấp.

“Lúc này, tôi được bác sĩ tên Quyên cho biết, có hai gói phẫu thuật bao quy đầu, một gói giá 3,3 triệu đồng và một gói 5 triệu đồng. Do không có nhiều tiền nên tôi chọn gói 3,3 triệu đồng, nhưng không hiểu sao cuối cùng hóa đơn của tôi tới 5 triệu đồng”, anh N. kể lại.

Điều khiến nam bệnh nhân này bức xúc nhất là sau khi lên bàn mổ chừng 5 phút, y tá thông báo dương vật của anh N. có nang viêm, bị chèn dây thần kinh và xuất tinh sớm nên phải tiến hành phẫu thuật thêm với mức giá 18 triệu đồng.

Anh N. ngập ngừng vì khoản tiền quá lớn thì lúc này bác sĩ Quyên lại xuất hiện (bác sĩ Quyên không trực tiếp mổ) và khuyên bệnh nhân nên đồng ý mổ để tránh vết thương khi đã lành lại phải động dao kéo. Vị bác sĩ này còn hù dọa “bệnh của anh nặng lắm, nếu anh không mổ sẽ dẫn đến vô sinh”, khiến anh N. phải gật đầu chấp nhận. Sau khi phẫu thuật, anh N. được truyền dịch với mức phí là 2,8 triệu đồng. 

Hoàn thành buổi trị liệu, tổng số tiền anh N. phải trả là 27 triệu đồng, do không có tiền nên anh phải ngồi đợi ở phòng khám để người thân đi vay mượn và mang lên trả. Điều đáng nói, sau khi phẫu thuật tại phòng khám này, vết lở loét của anh N. lại càng trở nên nghiêm trọng, khiến anh phải đến bệnh viện để điều trị. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, một chuyên gia nam học ở Hà Nội cho biết, trong trường hợp bị viêm loét nói chung và viêm loét bao quy đầu & quy đầu do hespes nói riêng thì không có chỉ định cắt bao quy đầu, phẫu thuật chỉ làm trầm trọng thêm tổn thương và có thể gây nhiễm trùng toàn thân, nhiễm khuẩn huyết nên tuyệt đối không nên phẫu thuật.

Bao quy đầu rất mỏng và lộ thiên nên các bệnh lý ở đây thường rõ như ban ngày, nếu có nang hay u gì thì nó lộ rõ ra ngay lần khám đầu, hơn nữa bác sỹ phẫu thuật trước khi làm phẫu thuật phải loại trừ tình trạng viêm nhiễm trước khi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân, khi đang có viêm thì không có chỉ định cắt, hay phẫu thuật mà phải điều trị viêm trước rồi sau đó mới phẫu thuật. Không thể có chuyện đang phẫu thuật (ở đây là đang cắt bao quy đầu) mới phát hiện “nang viêm”, rồi sau đó bắt bệnh nhân phải đóng thêm phí phát sinh cho một can thiệp mới với một mức giá trên trời ngay trên bàn mổ, việc làm này là không thể chấp nhận về cả trình độ chuyên môn và cả y đức của đội ngũ y bác sỹ của phòng khám này.

Trong thực hành y khoa các bác sỹ làm phẫu thuật thủ thuật phải tiên lượng trước các vấn đề có thể phát sinh và tư vấn hướng xử lý rõ ràng với từng vấn đề có thể phát sinh này cho bệnh nhân trước khi có sự đồng thuận của người bệnh về việc chấp nhận phẫu thuật thủ thuật.

Trong trường hợp hợp hãn hĩu, phát sinh tình huống mà chưa tiên lượng được ngay trong lúc phẫu thuật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ mới phải can thiệp thủ thuật, phẫu thuật phát sinh để xử lý tình trạng nguy hiểm trên theo chuyên môn cho người bệnh. Đây là nguyên tắc y khoa mà tất cả các bác sỹ đều phải nắm rất rõ và câu chuyện vẽ bệnh rồi làm giá trên bàn mổ sẽ làm mất uy tín và ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh chung của nghành y tế.

Phong kham A Chau lam gia benh nhan tren ban mo
Trong suốt quá trình trao đổi với bệnh nhân, “bác sĩ” Quyên nhất quyết không bỏ khẩu trang dù được đề nghị

Nghi ngờ người mổ là bác sĩ Trung Quốc

Chiều 6/3, trong vai người nhà cùng đi với bệnh nhân D.V.N. đến Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu, chúng tôi được người tự xưng là bác sĩ Quyên - trực tiếp khám cho bệnh nhân N., tiếp đón và trả lời thắc mắc.

Tuy nhiên, theo bản phô-tô chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế cấp, được dán tại phòng khám thì chỉ có một người tên đầy đủ là Nguyễn Thị Quyên và trình độ y sĩ y học cổ truyền. Trong suốt quá trình nói chuyện với chúng tôi, “bác sĩ Quyên” nhất quyết không bỏ khẩu trang dù đã được đề nghị để giữ phép lịch sự tối thiểu.

Anh D.V.N. cho biết, sau khi kiểm tra giấy phép hành nghề mà phòng khám này công khai, tất cả đều là người Việt và không có bác sĩ nam đã mổ cho mình. “Khi gặp bác sĩ mổ, tôi cảm thấy rất nghi hoặc vì từ đầu tới cuối, bác sĩ không hé miệng nói một lời, ngay cả lúc thông báo phải mổ thêm”, anh N. kể.

Nghi ngờ phẫu thuật là bác sĩ người Trung Quốc, anh N. đã hỏi lại thì “bác sĩ Quyên” khẳng định: “đây là bác sĩ Việt em ạ”. Tuy nhiên, cô này hoàn toàn im lặng khi chúng tôi hỏi tên của bác sĩ.

Trước thái độ căng thẳng và chỉ ra được hàng loạt sai phạm, chiều 7/3, Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu tiếp tục hẹn anh D.V.N. đến để làm việc. Mặc dù là người chịu trách nhiệm về phòng khám, song bác sĩ Phạm Văn Bê không hề nắm thông tin và xử lý vụ việc này. Thay vào đó là một phụ nữ tự xưng giám đốc phòng khám, trực tiếp trao đổi.

Sau quá trình mặc cả từng khoản tiền, phụ nữ này đã đồng ý trả lại anh N. 25.800.000 đồng - đây là số tiền thuốc, tiền phẫu thuật cắt bao quy đầu và nang viêm với lý do đưa ra là “có sự hiểu lầm trong quá trình khám chữa bệnh”. 

Trước đó, vào thời điểm tranh luận gay gắt, người phụ nữ này còn thách thức bệnh nhân kiện lên Sở Y tế Hà Nội: “Kể cả đóng cửa cũng không có vấn đề vì bọn mình làm không phải chỉ có phòng khám này!”. 

Hàng loạt bệnh nhân tố Phòng khám Á Châu lừa đảo

Không chỉ trường hợp của anh D.V.N., Báo Phụ Nữ TP.HCM còn nhận được tố cáo của hàng loạt bệnh nhân liên quan Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu. Anh P.H.C. (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, anh bị xuất tinh sớm và đã điều trị cách đây 10 năm nhưng không khỏi.

Ngày 28/2 vừa qua, sau khi tìm hiểu trên mạng, anh được nhân viên tư vấn của Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu mời chào nhiệt tình và đặt số khám bệnh. Tại đây, anh được bác sĩ chỉ định cắt dây thần kinh giao cảm dương vật để chữa xuất tinh sớm với chi phí 3,5 triệu đồng. Trước đó, anh cũng phải trả 1.550.000 đồng tiền xét nghiệm máu, thử nước tiểu và điện tim. 

Trong quá trình phẫu thuật, đúng như “kịch bản” diễn ra với bệnh nhân D.V.N., bệnh nhân C. cũng được y tá thông báo có nang viêm và yêu cầu phải bóc ngay lập tức nếu không có thể chèn ép gây liệt dương. Chi phí của khoản phẫu thuật thêm là 8 triệu đồng. Do sức ép trên bàn mổ, anh C. cũng phải đồng ý dù không mang theo tiền.

“Lúc này, bác sĩ phẫu thuật cho tôi không hề nói câu gì, chỉ có y tá trao đổi và thỏa thuận phải “đặt cọc” lại bằng chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe”, anh C. nói. Sau khi phẫu thuật, anh C. cũng được kê đơn thuốc tiêm truyền trong vòng 5 - 7 ngày với chi phí 1.100.000 đồng/lần. “So với tư vấn ban đầu của phòng khám, tổng chi phí điều trị chỉ từ 3 - 5 triệu đồng thì số tiền tôi phải trả cho phòng khám thực tế là hơn 14 triệu đồng, chưa kể khoản tiền phải trả thêm nếu truyền dịch ở đây”, anh C. bức xúc.

Trường hợp của nam sinh N.Q.H. (Q. Đan Phượng, TP. Hà Nội) dù không bị bệnh nhưng vẫn bị Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu đưa lên bàn mổ cùng hàng loạt các loại xét nghiệm, chiếu đèn… N.Q.H. phát hiện bị mụn ở dương vật nhưng khi khám, bác sĩ Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu kết luận cậu bị viêm nhiễm nặng kết hợp dài bao quy đầu nên phải cắt để tránh xuất tinh sớm. Phẫu thuật xong, N.Q.H. tiếp tục điều trị thêm 5 ngày truyền dịch, kết hợp thay băng, chiếu đèn với chi phí lên tới 2 triệu đồng/ngày.

Tổng số tiền N.Q.H. phải trả lên tới hơn 20 triệu đồng. “Điều khiến tôi uất ức là sau khi vào bệnh viện khám, tôi mới biết mình chỉ bị sẩn ngọc dương vật lành tính, không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và không phải động tới dao kéo”, nam sinh viên chia sẻ.

Các bệnh nhân này đều mong mỏi Sở Y tế Hà Nội sớm vào cuộc để làm rõ Phòng khám chuyên khoa ngoại Á Châu có đủ chuyên môn trong lĩnh vực nam khoa, da liễu không? Có hay không hoạt động của bác sĩ Trung Quốc tại phòng khám này? Đồng thời chấm dứt tình trạng vẽ bệnh, móc túi bệnh nhân ngay trên bàn mổ như chiêu bài mà phòng khám này đã sử dụng trong thời 
gian qua. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI