Phòng biến thể Omicron, có nên tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19?

30/11/2021 - 15:39

PNO - Nhiều người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 2 đã qua 6 tháng lo lắng về hiệu quả bảo vệ cũng như trông đợi được tiêm mũi 3, nhất là khi xuất hiện biến thể mới Omicron.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết hiện tại biến thể Omicron không chỉ xuất hiện ở Nam Phi mà hơn 10 quốc gia cũng có bệnh nhân nhiễm biến thể này. Do biến thể Omicron còn quá mới nên chưa có nghiên cứu chính xác về độc lực học, tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh đang tăng nhanh. Giải pháp hiện tại vẫn là tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 để tăng miễn dịch, đồng thời mọi người phải chấp hành tốt quy định 5K để bảo vệ mình và người thân.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy sau khi tiêm vắc xin mũi 2 khoảng 4-6 tháng, kháng thể của người được tiêm có thể giảm, nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng ít diễn tiến nặng. Vì vậy, nhằm tăng khả năng bảo vệ, các nước đã triển khai tiêm ngừa mũi 3.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TPHCM, nếu có đủ vắc xin ngừa COVID-19, việc xem xét tiêm ngừa mũi 3 cho người cao tuổi, người có bệnh nền, hay người làm việc ở môi trường nguy cơ cao, người hoàn thành 2 mũi vắc xin trên 6 tháng cần được xem xét.

Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin dù khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh không nặng so với người chưa tiêm ngừa đủ nhưng vẫn có thể lây cho người khác, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh nền… khiến hệ miễn dịch kém. 

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng nói thêm: “Nghiên cứu cho thấy, mũi 3 có thể là vắc xin cùng loại với mũi 1 và mũi 2 như vắc xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer…”.

Do khó khăn trong việc nhập khẩu vắc xin, nên việc tiêm tăng cường mũi 3 cũng nên chú trọng đến số lượng vắc xin sẵn có. Nếu ở các tỉnh, thành còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi 2 thì nên ưu tiên phân bổ vắc xin cho những đối tượng này trước, sau đó mới tiến hành tiêm mũi 3 cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu.

Thượng tá Vũ Đình Ân - Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 lưu ý việc tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 nên thực hiện nếu như đã tiêm mũi 2 từ 6-8 tháng, đừng tiêm vì sợ hãi mà phải bình tĩnh xem xét thời gian hoàn thành mũi 2 của mình, đừng dựa vào kết quả xét nghiệm kháng thể rồi... vội vã đi tiêm vì thấy chưa đủ chỉ số.

“Việc tiêm mũi 3 sẽ có giá trị với người đã tiêm mũi 2 trên 6 tháng. Bởi vì, cần có thời gian để mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 phát huy hiệu quả bảo vệ, nếu chỉ xem xét nghiệm nồng độ kháng thể trong máu thì chưa đủ. Tôi từng gặp nhiều trường hợp nhân viên y tế tại bệnh viện có kháng thể thấp nhưng chưa nhiễm, trong khi đó một vài người kháng thể lên trên 400 vẫn mắc COVID-19”, bác sĩ Ân nói.

Về kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết đã có công văn gửi đến Bộ Y tế. Mặc dù đây cũng là vấn đề rất được quan tâm, nhưng thời điểm hiện tại TPHCM đang tập trung bao phủ vắc xin mũi 2 cho người dân và trẻ em từ 12-17 tuổi.

Trên tinh thần tiêm mũi 3 cho người dân, TPHCM sẽ tiêm phủ vắc xin cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện khi Bộ Y tế có hướng dẫn, chỉ đạo về vấn đề này.

Việc cần thiết và quan trọng lúc này là mọi người dân nên tiêm đủ mũi 2, ý thức cao độ trong phòng chống dịch, thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang, không tập trung đông người, phải giữ khoảng cách trên 2m… đoàn kết tạo nên thành trì vững chắc trước COVID-19.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI