'Thuế tăng, ổ bánh mì 3000đ sẽ thành bao nhiêu?'

09/09/2017 - 00:05

PNO - Trong khi đề xuất VAT lên 12% vẫn còn đang được “mổ xẻ” thì những người nghèo, thu nhập thấp – theo ý kiến của các quan chức Bộ Tài chính là ít bị tác động, không ảnh hưởng, vẫn đang còn oằn lưng chạy cơm từng bữa.

Mua ổ bánh mì cũng phải tính toán

Cầm bịch cơm trắng đựng trong bao nilon đem theo lúc sáng, xúc thêm miếng muối tôm dùng để bán cóc, xoài, vậy mà chị Lê Thị Trang (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) vẫn ngồi ăn ngon lành. Chồng mất sức lao động, một mình chị phải tảo tần nuôi hai đứa con ăn học (một đại học, một cao đẳng).

'Thue tang, o banh mi 3000d se thanh bao nhieu?'
Chị Lê Thị Trang cho rằng, nếu mỗi tháng chi phí chỉ cần tăng lên khoảng 300.000đ, cuộc sống của ba mẹ con chị sẽ rất khó khăn.

Phơi nắng từ trưa đến chiều trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1), sau đó gánh bánh tráng trộn đi bộ đến công viên 23/9, khu phố Tây… ngồi bán đến 2 giờ sáng, mỗi tháng chị Trang kiếm được 6 triệu đồng.

“Tôi thuê nhà đường Trần Văn Đang, quận 3, giá 1,2 triệu đồng/tháng, diện tích 3m2, dù nhỏ nhưng đủ ba mẹ con chui ra chui vô. Sáng trước khi đi bán tôi nấu cơm sẵn để đó, tụi nhỏ đang đi học nên cần ăn thịt cá, tôi già rồi ăn sao cũng được”, chị Trang cười hiền nói.

Nhưng theo tìm hiểu từ những người dân nơi đây, chị Trang và những chị bán bánh tráng thường xuyên phải ăn cơm trắng với muối tôm, nhất là vào dịp cuối tháng hoặc vào mùa nhập học.

Với 6 triệu đồng, chị Trang phải dè xẻn trong mọi chi tiêu mới mong trụ được ở mảnh đất này. Trừ tiền nhà, chị còn dư ra 4,8 triệu đồng; với đứa con trai lớn cần mua tài liệu nhiều nên chị cho 600.000đ/tháng, riêng đứa nhỏ mới học năm nhất chị cho 400.000đ/tháng; tiền ăn cả gia đình một ngày là từ 30.000 – 50.000đ; tiền dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, bột giặt… mỗi tháng là 300.000đ. Do chồng ở quê làm nông nên chị Trang tiết kiệm được khoản tiền mua gạo hàng tháng.

Tính ra mỗi tháng chị Trang còn dư khoảng 2 triệu đồng – dành sắm quần áo, đóng học phí hoặc phòng khi có đau bệnh. Bài toán chi tiêu này của chị Trang đang tiết kiệm tối đa nhưng nếu giá cả rau, thịt, dầu ăn, nước mắm, tiền điện, tiền nước, tiền phòng… tăng mỗi thứ một ít và cộng dồn lại chỉ cần tăng khoảng 300.000đ/tháng, cả nhà chị Trang sẽ rất khó khăn.

“Nhiều khi muốn mua 1 ổ bánh mì giá 3.000đ/ổ, tôi phải tính toán. Nếu giá mà tăng-  dù ít, tôi không biết xoay sở sao”, chị than.

'Thue tang, o banh mi 3000d se thanh bao nhieu?'
Bán thuốc lá, kẹo cao su lề đường, mỗi tháng cô Liên kiếm được khoảng 3 triệu đồng.

Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng sáng nào cô Liên (quê Tịnh Biên, An Giang) cũng phải đạp chiếc xe cà tàng chở theo kẹo, thuốc lá, vé số… từ Nguyễn Biểu (Q.5) đến ngồi bán trước ngôi biệt thự cổ giáp 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu (Q.3), mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng.

Khi được hỏi tại sao từ Q.5 phải chạy sang Q.3 buôn bán, cô Liên chỉ tay vào ngôi biệt thự cổ nói: “Tôi không có nhà, không chồng con, từ sau khi giải phóng đã sống tạm ở đây rồi. Ngày trước tôi bán ở đây, có khách mua mối, nay người ta lấy lại nhà, phải ra ngoài ở nhưng vẫn chạy về đây bán”.

Hiện cô Liên đang ở nhà thuê cùng người chị với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền nhà, 2,2 triệu đồng là số tiền ít ỏi còn lại để cô chi tiêu ăn uống, thuốc men vì bệnh tuổi già, có khi còn phải sửa xe vì nó đã quá cũ kĩ.

“Mỗi tháng tiền ăn tốn khoảng một triệu đồng nhưng cũng phải tính toán chi li, phải tìm thực phẩm rẻ mà mua chứ không màng đến chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, miễn sao no bụng. Hồi trước, cơm giá 8.000đ/hộp, ngày ăn 3 bữa; hiện nay cơm rẻ nhất cũng phải 15.000đ/hộp, sáng tôi ăn bánh mì, trưa mua hộp cơm rồi chia làm hai. Nghe nói sắp tới còn tăng giá, vậy thì thế nào giá cơm cũng tăng ít nhất 2.000 – 5.000đ/hộp, nghe rầu quá. Chưa kể, giờ buôn bán ế hơn, người mua cũng ít đi rồi”, cô Liên lo lắng.

Sử dụng thực phẩm hàng xá cho rẻ!

Không chỉ người bán hàng rong, vỉa hè – đối tượng có thu nhập bấp bênh lo lắng vì thuế VAT mà ngay cả những người lao động làm việc trong công ty, hợp tác xã cũng lo lắng không kém. Bởi dù cố định hơn nhưng với mức lương ba cọc ba đồng, họ cũng phải vật lộn với đủ thứ chi tiêu.

Chị Nguyễn Thị Toàn – công nhân công ty Kềm Nghĩa (H.Hóc Môn) trước nay vẫn chi tiêu dè xẻn, thực phẩm đều mua tại chợ tự phát vì giá rẻ. Nghe thông tin sắp tới nhiều thứ sẽ tăng giá, chị không giấu lo lắng: "Ba bữa cơm của hai vợ chồng chỉ có giá 50.000đ, tiết kiệm tối đa nhưng chỉ đủ gửi tiền về quê cho con ăn học. Nếu VAT tăng sẽ kéo theo mọi thứ tăng giá, ví dụ nước sạch sinh hoạt hiện đang có mức 3.000 đ/m3, mỗi tháng gia đình 4 người sử dụng 30m3 nước, giá 90.000đ, tôi đã thấy ngán. Nếu tăng thêm 7% (quy định nước sạch sẽ tăng từ 5% lên 12%), mỗi tháng tôi đóng thêm 7.000đ.

Đó là chưa kể các khoản phí khác sẽ tăng. Từng khoản tuy nhỏ nhưng nếu nhiều khoản gộp lại, mức lương công nhân của tôi càng bị bóp chặt. Nếu sắp tới vật giá leo thang, chắc phải chuyển qua sử dụng thực phẩm hàng xá cho rẻ, sức khỏe thôi để tính sau vậy”.

Đau đầu trước bài toán sinh nhai, dù chân yếu tay mềm nhưng chị Trịnh Thị Hiếu (quê Thanh Hóa, công nhân HTX bốc xếp thủy hải sản Tân Tiến) đã chọn nghề cửu vạn (kéo cá). Tuy mới 38 tuổi nhưng chị Hiếu đã có thâm niên gần chục năm trong nghề.

'Thue tang, o banh mi 3000d se thanh bao nhieu?'
Để có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, chị Hiếu phải gồng lưng kéo những chiếc xe đầy ắp cá.

Gồng lưng kéo chiếc xe cút kít đầy ắp cá, chị kể ngắn gọn đời mình: chia tay chồng, một mình gồng gánh nuôi hai đứa con. Ở quê làm ruộng không đủ sống, chị gửi đứa nhỏ cho bà ngoại, dắt đứa con lớn vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai.

Được người quen giới thiệu nghề cửu vạn, chị không ngần ngại gật đầu. Những ngày đầu chưa quen việc, toàn thân chị Hiếu đau ê ẩm. Kết thúc một đêm, người cũng không còn chút sức lực, bàn tay rướm máu, chân sưng vù.

“Hồi trước mình từng làm công nhân, bán vé số… nhưng lương chỉ 3 – 5 triệu đồng/tháng, không đủ chi tiêu. Mình mạnh dạn làm công việc này với hy vọng có nhiều tiền hơn để nuôi con ăn học. Hiện thu nhập mình gần 10 triệu đồng/tháng nhưng với mức sống hiện nay chỉ đủ 3 mẹ con trang trải. Công việc này “phá sức” ghê lắm, còn trẻ nhưng bị đau xương khớp khắp người. Tôi chỉ tranh thủ làm được khi còn trẻ, lớn một chút không biết sẽ làm gì để sống”, chị Hiếu trải lòng.

Đừng vắt kiệt sức người dân

PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá: thu nhập bình quân đầu người ở nước ta còn thấp, so với thế giới cũng rất thấp, tầng lớp lao động còn rất nhiều, việc tăng VAT sẽ gây áp lực cho toàn xã hội, trong đó người nghèo phải chịu áp lực lớn hơn vì thu nhập của họ phần lớn dành cho chi tiêu.

'Thue tang, o banh mi 3000d se thanh bao nhieu?'
Việc tăng VAT sẽ gây áp lực cho toàn xã hội, trong đó người nghèo phải chịu áp lực lớn hơn vì thu nhập của họ phần lớn dành cho chi tiêu.

Một khi tăng thuế chắc chắn sẽ theo kéo theo giá thành sản phẩm bán ra phải tăng. Ví dụ, để nuôi một con heo đến khi xuất chuồng, người nông dân phải đầu tư mua vật liệu xây dựng để xây chuồng trại, mua con giống; trong quá trình chăn nuôi phải cho ăn cám, gạo, rau xanh, phải tắm, dội rửa chuồng trại; rồi quá trình thu mua vận chuyển từ trang trại ra chợ phải tốn xăng dầu...

Những khoản đầu tư cho con heo mỗi thứ tăng một ít sẽ kéo theo giá thịt heo phải tăng. Trong khi đó, sức mua hiện nay đang rất thấp, nếu sắp tới còn tăng giá thì ngành sản xuất sẽ trì trệ, kìm hãm cả nền kinh tế phát triển.

'Thue tang, o banh mi 3000d se thanh bao nhieu?'
Thuế tăng, giá tăng sẽ gây áp lực cho người nghèo.

Để khuyến khích DN sản xuất lâu dài, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả thì phải ổn định hoặc giảm thuế chứ không nên tăng thuế. “Nguyên tắc của thu thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thu. Muốn thu phải nuôi dưỡng và có khung thuế hợp lý chứ đừng vắt kiệt sức” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI